Bản Mớ xây dựng đời sống văn hóa mới

Trước đây, khi chưa có dịch, cứ chiều thứ 6 của tuần cuối tháng, tại Nhà văn hóa của bản Mớ, xã Co Mạ (Thuận Châu) lại ngân vang tiếng trống chiêng, những điệu khắp Thái da diết, trầm bổng, đông đảo chị em duyên dáng trong trang phục dân tộc Thái đen với cổ áo cao tròn với những hàng cúc bạc lấp lánh, trên đầu đội những chiếc khăn Piêu sặc sỡ uyển chuyển trong những điệu múa truyền thống, say sưa thể hiện những bài khắp mới sáng tác dưới sự cổ vũ của đông đảo bà con trong bản.

Bản Mớ có 108 hộ, 562 khẩu đồng bào dân tộc Thái. Để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, năm 2017, bản đã thành lập 2 đội văn nghệ hát tiếng Thái (khắp Thái), 1 đội bóng đá, 1 đội bóng chuyền thường xuyên luyện tập và tổ chức giao lưu văn nghệ với các bản, tham gia các hội thi do xã Co Mạ tổ chức.

Đội văn nghệ bản Mớ chuẩn bị trang phục cho một buổi giao lưu khắp Thái tại bản.

Đội văn nghệ bản Mớ chuẩn bị trang phục cho một buổi giao lưu khắp Thái tại bản.

Ngoài giữ gìn văn hóa tinh thần, ở bản Mớ còn có những ngôi nhà sàn vẫn giữ được những nét kiến trúc độc đáo của đồng bào Thái đen với nét đặc trưng trong sinh hoạt, sự gần gũi con người với thiên nhiên, núi rừng. Các ngôi nhà sàn trong bản đều được làm bằng gỗ, trên nóc nhà có dựng “Khau cút”. Hầu hết sàn nhà được lát bằng các tấm gỗ xẻ, một số nhà làm bằng cây mai, cây bương đập dập, trải qua thời gian đã trở nên trơn bóng, khi bước chân trần vào luôn có cảm giác rất thoải mái. Những ngôi nhà sàn trong bản còn được trang trí nhiều hoa văn, họa tiết bên bậu cửa sổ, các lan can; có hai cầu thang bằng gỗ là nơi để những người phụ nữ ngồi chơi, tâm sự lúc nhàn rỗi hay thêu thùa, may vá. Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái đang được các hộ khôi phục, giữ gìn, như: Đi lấy nước cầu may vào sáng sớm mồng 1 ở suối đầu nguồn về uống và rửa mặt trong ngày đầu năm mới với mong ước gia đình luôn mạnh khỏe, nhiều may mắn. Trong ngày tết, dân bản tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, kéo co, bắn nỏ, hát giao duyên, múa xòe. Các hộ vẫn giữ nguyên các phong tục cưới hỏi của người Thái như: Lễ chạm ngõ (lễ Pay chóm), lễ ăn hỏi (lễ Pan khẩu cạt xàn), lễ cưới chính thức (lễ Pan khảu luông), lễ trải chăn đệm (lễ tam ú xú khuôn), lễ tằng cẩu…

Ông Lò Văn Thái, người cao tuổi của bản Mớ, phấn khởi: Đời sống của các hộ dân trong bản đã thay đổi nhiều so với trước kia, các hộ đã có ý thức trong việc đảm bảo vệ sinh môi trường, chăn nuôi không để dưới gầm sàn mà được làm chuồng trại ở xa nhà; các hộ dân chấp hành chủ trương, chính sách, các quy định của địa phương, nhiệt tình tham gia các phong trào thi đua gắn với xây dựng đời sống văn hóa. Từ khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, các hộ dân ngày càng tích cực phát triển kinh tế và xây dựng nếp sống văn hóa mới; luôn giúp đỡ nhau những lúc khó khăn, chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi để phát triển kinh tế nên đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng nâng cao, số hộ khá, giàu tăng nhanh. Cả bản không có người nghiện ma túy, con em trong độ tuổi đều được đi học, các tập tục lạc hậu bị xóa bỏ…

Để thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự chung tay đóng góp của các hộ dân, bản Mớ đã hoàn thành nhiều công trình, các thiết chế văn hóa ở khu dân cư. Ngoài làm nhà văn hóa bản để tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, giao lưu văn nghệ, thể dục thể thao, chi bộ, ban quản lý bản Mớ đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân làm đường giao thông nông thôn. Do bản ở vùng sâu, vùng xa nên để làm đường giao thông nông thôn, ngoài xi măng được Nhà nước cấp, các hộ dân phải lên núi đập đá, xuống suối khai thác cát và bỏ công trong hai năm để hoàn thành 1,2 km đường bê tông. Giao thông đến bản thuận lợi, đã khích lệ người dân phát triển kinh tế sản xuất, cải tạo vườn tạp để trồng cây ăn quả, nuôi gia súc theo hướng hàng hóa, trồng rừng kinh tế. Hiện, nhiều hộ dân đã có phương tiện sản xuất cơ giới hóa, máy móc thay thế sức người, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm và không còn hộ đói giáp hạt.

Ông Lò Văn Soái, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Mớ, cho biết: Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, các hộ dân đã đóng góp hơn 300 trăm triệu đồng, hàng nghìn ngày công lao động để xây dựng các công trình giao thông. Nhiều gia đình đã tích cực, chủ động hiến đất làm đường như các hộ ông Lò Văn Quynh, Lò Văn Lẻ. Để giữ gìn tuyến đường bê tông nội bản, bà con cùng nhau trồng hoa và thực hiện quét dọn vào các chiều thứ 6 hàng tuần; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, góp phần xây dựng đời sống văn hóa của các hộ dân ngày càng phong phú, văn minh...

Chú trọng gìn giữ và phát huy những bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc, đời sống văn hóa, tinh thần của các hộ dân ở bản Mớ ngày càng được nâng cao, các hộ dân tích cực lao động sản xuất, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo an toàn giao thông, nhiều năm liền bản Mớ đạt danh hiệu bản văn hóa.

Phong Lưu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ban-mo-xay-dung-doi-song-van-hoa-moi-42495