Bản nghèo chông chênh bên dòng Mã Giang

Là một trong 4 bản đặc biệt khó khăn của xã Phú Xuân (Quan Hóa), cuộc sống bà con ở bản Bá từ bao đời nay gặp không ít khó khăn, thiệt thòi vì cách trở đò giang, cộng thêm điều kiện kinh tế chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao... khiến nơi đây cứ mãi quẩn quanh trong đói nghèo, lạc hậu.

Đò ngang là cách di chuyển chủ yếu của bà con bản Bá mỗi lần sang trung tâm xã, huyện.

Đò ngang là cách di chuyển chủ yếu của bà con bản Bá mỗi lần sang trung tâm xã, huyện.

Dù chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 4km, nhưng do tách biệt bởi dòng sông Mã, giao thông đi lại khó khăn từ nhiều năm nay, mọi sinh hoạt của người dân bị thu hẹp, sợi dây nối liền các vùng lân cận chỉ là con đò cũ kỹ cùng những chuyến đưa khách sang sông tiềm ẩn nhiều hiểm nguy. Đặc biệt, vào mùa mưa lũ mọi hoạt động sinh hoạt, giao thương, buôn bán gần như đóng băng. Vất vả nhất cho bà con quanh năm chịu thương, chịu khó lao động, sản xuất đến khi thu hoạch sản phẩm làm ra từ ngô, luồng, cho đến ngan, gà, lợn... đều bị thương lái ép giá, buộc phải bán thấp do khó khăn trong khâu vận chuyển. Chưa kể, việc đi đò không phải lúc nào cũng thuận lợi, khiến việc qua sông đi học của trẻ nhỏ, đặc biệt là người dân khi ốm đau, sinh đẻ cần ra viện điều trị, chăm sóc hết sức nhọc nhằn.

Qua câu chuyện của trưởng bản Hà Văn Hậu, chúng tôi được biết bản Bá hiện có 67 hộ với gần 300 nhân khẩu, là nơi sinh sống của đồng bào Mường, Thái, thu nhập chính phụ thuộc vào trồng trọt và chăn nuôi, một số làm thuê tự do, lao động tại các nhà máy, xí nghiệp trên khắp cả nước. Trước đây, đường đến bản không gian nan, khó khăn như bây giờ do Nhà nước đầu tư một cầu treo, năm 2018 một trận lũ dữ đã cuốn phăng cây cầu, khiến người dân các bản Phé, Mí, Bá ở bên kia sông không còn đường đi lại. Họ buộc phải đi đò qua sông Mã, trung bình mỗi lần mất 10.000 đồng/người, mà mỗi lần qua sông lại nơm nớp sợ, nhất là mùa mưa lũ. Bất cập về giao thông, mọi nhu yếu phẩm phục vụ sinh hoạt hàng ngày: muối, mì chính, thuốc men, phân bón... người dân phải dự trữ, sử dụng tiết kiệm. Hơn nữa, nhiều gia đình có nhu cầu làm nhà mới, trong quá trình xây dựng do chi phí thuê, vận chuyển nguyên vật liệu cao, giá thành đội lên rất nhiều.

Đã hơn 6 năm làm nghề lái đò đưa người qua sông đi làm, đi học, bất kể trời mưa hay nắng, ngày đông giá rét, ông Hà Văn Lâm vẫn ngày đêm cần mẫn, miệt mài đưa người qua sông một cách an toàn. Với người đàn ông ở độ tuổi ngũ tuần, hàng ngày phơi sương, phơi nắng trên mỗi chuyến đò, đó không chỉ là để mưu sinh. Sinh ra và lớn lên ở bản Bá, từ ngày cầu treo bị lũ cuốn trôi, hơn ai hết ông hiểu rõ sự vất vả, gian khó của người dân mỗi lần di chuyển, đi lại qua dòng Mã giang như thế nào. Nhớ ngày đầu mới làm nghề, ông Lâm nhiều lần thấy nản bởi nghề sông nước luôn tiềm ẩn những rủi ro và cả áp lực phải đảm bảo an toàn sinh mạng cho hành khách trên mỗi chuyến đò, có những lúc cảm thấy căng thẳng đến nghẹt thở. Nhưng rồi, làm nghề lâu năm có thêm kinh nghiệm, rồi yêu luôn nghề lúc nào không hay.

Vất vả về giao thương, nên cuộc sống bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Vất vả về giao thương, nên cuộc sống bà con nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn.

Cô Hà Thị Nga, giáo viên Trường Mầm non Phú Xuân (quê Thành Sơn, nhưng lấy chồng ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hóa) mới về điểm trường bản Phé công tác hơn 1 năm nhưng đã thấm được nỗi nhọc nhằn nghề gieo chữ ở đất này. Chia sẻ về điều này, cô cho biết, do bản Bá, Mí không có điểm trường lẻ nên con em các bản này phải chuyển về khu Phé cách đó chừng hơn 1km để học tập với tổng số 56 cháu. Đặc thù điều kiện đường sá đi lại khó khăn, để thuận tiện cho việc dạy học, các cô thường phải dậy thật sớm, chuẩn bị đồ ăn, thức uống rồi ra đợi bến đò để sang sông, di chuyển đến khu Phé dạy học. Đối với người dân bản Bá, phụ huynh thường đi làm ăn xa, con cái ở với ông bà nên thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc. Vất vả nhất là các cháu học THCS hay THPT, từ sáng sớm tinh sương đã phải đi đến trường vì quãng đường gần chục km. Mùa mưa bão, mực nước sông dâng cao, chảy xiết tất cả các em phải nghỉ học.

Ông Cao Hồng Được, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân, cho biết: Trên địa bàn xã, một số bản như Phé, Mí, Vui... người dân mỗi lần sang trung tâm xã, huyện làm việc, xin giấy tờ, khám, chữa bệnh, học tập đều phải đi đò, do bị cách trở bởi dòng sông Mã. Đối với bản Bá cũng không ngoại lệ, dù còn khó khăn nhưng con em trong bản đều được đến trường đầy đủ ở ba cấp học. Dẫu vậy, niềm mong mỏi của bà con là có được cây cầu nối hai bờ sông để việc đi lại, giao thương thuận tiện hơn. Từ đó, góp phần đẩy mạnh công tác xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.

Bài và ảnh: Trung Lê

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/ban-ngheo-chong-chenh-ben-dong-ma-giang-32077.htm