Ban Nữ công và quyền lợi cho lao động nữ
Hai năm qua, dịch Covid-19 đã khiến hơn hai triệu công nhân, lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm. Trong đó, có khoảng 70% là lao động nữ bị ảnh hưởng, trong đó 30% là lao động nữ đang mang thai, gần 40% đang nuôi con nhỏ.
Trước thực trạng đó, cán bộ Ban Nữ công nhiều nơi đã thường xuyên, gần gũi, sâu sát, nắm bắt tình hình tư tưởng, tâm tư nguyện vọng của công nhân, lao động nữ, chủ động tham mưu Ban chấp hành công đoàn, cùng cấp đề xuất với chủ doanh nghiệp những chính sách có lợi hơn so với quy định của pháp luật; chia sẻ, cùng doanh nghiệp, công nhân lao động, vượt qua khó khăn, giữ chân người lao động.
Theo số liệu tổng hợp đến tháng 6/2021, các cấp công đoàn thành lập hơn 72 nghìn Ban Nữ công quần chúng, trong đó, khu vực ngoài nhà nước chiếm gần 30%. Với vai trò của mình, Ban Nữ công đã làm được nhiều kết quả, như: thương lượng chủ doanh nghiệp hỗ trợ một phần chi phí gửi trẻ, mẫu giáo cho con công nhân nữ; duy trì thực hiện có hiệu quả mô hình “Phòng vắt trữ sữa” hỗ trợ lao động nữ nuôi con bằng sữa mẹ tại nơi làm việc; mô hình “Sức khỏe của bạn” tuyên truyền, khám sức khỏe, tư vấn chăm sóc sức khỏe sinh sản; hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình; thăm hỏi, tặng quà nữ công nhân có hoàn cảnh khó khăn, mắc bệnh hiểm nghèo; khen thưởng, động viên kịp thời con công nhân, lao động vượt khó, học giỏi.
Từ những phát hiện, đề xuất, kiến nghị của Ban Nữ công, Tổng Liên đoàn và các cấp công đoàn đã chủ động đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan lao động nữ và bình đẳng giới, nhất là những chế độ, chính sách, quy định của Nhà nước đối với lao động nữ, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động trong doanh nghiệp hài hòa, ổn định.
Trong đó, xuất phát từ việc thiếu nơi trông giữ con cho nữ công nhân, lao động, Tổng Liên đoàn tiến hành khảo sát, đánh giá, đề xuất, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg, ngày 22/5/2015 về việc “Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các Khu công nghiệp, khu chế xuất”.
Trước tình hình dịch bệnh, Ban Nữ công tích cực tham gia kịp thời tham mưu, cùng Ban chấp hành công đoàn tổ chức nhiều hoạt động với nhiều hình thức đa dạng để chăm lo cho lao động nữ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo Quyết định số 2606/QĐ-TLĐ nhóm đối tượng lao động nữ mang thai và nuôi con nhỏ được ưu tiên hưởng mức hỗ trợ tối đa. Khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ tư diễn biến phức tạp, cán bộ nữ công Công đoàn Việt Nam vận động đoàn viên, người lao động, các nhà hảo tâm ủng hộ các tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang nhiều nhu yếu phẩm, như: Sữa bột dành cho bà bầu, muối lạc, muối vừng, thịt băm và nhiều vật dụng khác gửi vào tận khu nhà trọ, khu cách ly tặng lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Khi dịch bệnh bùng phát tại thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, các doanh nghiệp dệt may phải sản xuất 3 tại chỗ, Ban Nữ công tham mưu doanh nghiệp bố trí lao động nữ tham gia trong thời gian này. Công đoàn Dệt may Việt Nam trích gần 40 tỷ đồng chi hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.
Hay mô hình “Đi chợ hộ công nhân” của Tổng Công ty Việt Thắng triển khai, sau đó lan rộng ra nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong ngành. Nhờ đó, giúp lao động nữ mua được thực phẩm giá cả hợp lý. Nhờ tham mưu của công đoàn, nhiều doanh nghiệp trích nguồn kinh phí dự phòng, chấp nhận sản xuất mặc dù không có lợi nhuận để chi hỗ trợ trong thời gian người lao động nghỉ giãn cách xã hội, giữ chân người lao động trong đó có lao động nữ trước làn sóng người lao động tại các thành phố lớn về quê chống dịch.
Thời gian tới, khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi, tổ chức công đoàn cần chủ động cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ nhằm chăm lo đời sống, việc làm, góp phần hỗ trợ lao động nữ ổn định sản xuất, việc làm, thu nhập, khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch. Tham gia hiệu quả với cơ quan nhà nước xây dựng, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật.
Nội dung cần chú trọng hơn nữa là lồng ghép bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, bảo đảm thực chất hơn quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho lao động nữ trong các lĩnh vực lao động, việc làm, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới, an toàn vệ sinh lao động.
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy tổ chức hoạt động của Ban Nữ công ngày càng tinh gọn nhưng vẫn thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, chăm lo, bảo vệ nhiều hơn nữa lợi ích của lao động nữ; đẩy mạnh và phát huy vai trò của nữ giới để phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” ngày càng lan tỏa.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/ban-nu-cong-va-quyen-loi-cho-lao-dong-nu-689631/