Bàn phương án thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc

Thực hiện thí điểm 'hộ chiếu vaccine' cho khách quốc tế đến du lịch tại đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Vừa qua, đoàn công tác của Bộ Y tế do Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên làm trường đoàn đã đến Kiên Giang họp bàn kỹ lưỡng về vấn đề này.

Đẩy nhanh việc tiêm vaccine cho toàn bộ người dân ở Phú Quốc

Để triển khai thực hiện thí điểm hộ chiếu vaccine ở Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên khẳng định 100% người dân ở Phú Quốc phải được tiêm vaccine; chỉ khi nào người dân Phú Quốc tiêm vaccine đủ mũi 2 với thời gian quy định thì bấy giờ mới đưa khách du lịch vào.

Vấn đề quan trọng hiện nay là Kiên Giang mong được phân bổ nguồn vaccine càng sớm càng tốt để tiêm cho toàn dân, đặc biệt là ưu tiên cho người dân ở Phú Quốc.

Ông Mai Văn Huỳnh, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang cho rằng, nếu nguồn vaccine phân bổ cho tỉnh chậm thì kế hoạch thực hiện thí điểm đón khách quốc tế cũng sẽ bị chậm theo: “Tôi nghĩ lộ trình này phải đón đầu mùa nghỉ đông của khách du lịch. Nếu được rút ngắn, tháng 7 chúng ta tiêm đợt 1, cuối tháng 9 chúng ta sẽ hoàn tất để đón mùa du lịch cuối năm thì mới hiệu quả”.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc nêu ý kiến: “Chính quyền và nhân dân Phú Quốc rất mong muốn sớm triển khai chủ trương này và sớm có vaccine để tiêm ngừa cho người dân trên toàn thành phố. Tiêm vaccine sớm được ngày nào tốt ngày đó, mở cửa cho du lịch và khách quốc tế sớm ngày nào tốt ngày đó, bởi vì một số điểm đến trong khu vực sắp triển khai như Phuket của Thái Lan hay Bali của Indonesia. Nếu chậm thì mình mất đi cơ hội đón lượng khách quốc tế đến Phú Quốc. Làm được việc này cũng có nghĩa là thực hiện tốt chủ trương của Thủ tướng Chính phủ là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

Phú Quốc là một trong những khu vực du lịch năng động nhất cả nước.

Phú Quốc là một trong những khu vực du lịch năng động nhất cả nước.

Điều kiện nào được vào Phú Quốc?

PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế thuộc Bộ Y tế cho biết: Một trong những điều kiện tiên quyết đối với khách du lịch quốc tế đến Phú Quốc theo dự thảo là họ phải có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine; đồng thời mẫu hộ chiếu vaccine phải được công nhận giữa Việt Nam và các nước.

Nếu chưa có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine thì có thể có giấy xác nhận đã khỏi bệnh Covid-19 do cơ quan có thẩm quyền tại nước điều trị cấp; và thời gian có hiệu lực đến ngày nhập cảnh là không quá 12 tháng và có xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp real time PCR trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Khách nước ngoài phải có bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực, để chi trả những chi phí điều trị nếu trong thời gian lưu trú ở Việt Nam không may mắc Covid -19. Ngoài ra, du khách phải đăng ký theo đoàn. Theo bà Hương, điều kiện này áp dụng đối với cả khách du lịch nội địa.

Vườn thú bán hoang dã tại Phú Quốc là địa điểm hấp dẫn khách du lịch.

Vườn thú bán hoang dã tại Phú Quốc là địa điểm hấp dẫn khách du lịch.

Khách quốc tế có được đi khắp nơi ở Phú Quốc?

Theo PGS. TS Nguyễn Thị Liên Hương, không thể cho phép khách quốc tế đi du lịch tất cả địa điểm ở Phú Quốc. Tại Phú Quốc có nhiều giao thương, vừa bằng đường hàng không, đường biển, người dân trên đảo và ở các tỉnh đi lại buôn bán, làm việc…; tình trạng nhập cảnh trái phép vẫn còn tồn tại thì nguy cơ lây nhiễm vẫn còn cao.

Nếu cho khách du lịch đi lại tự do thì không đủ lực lượng để đảm bảo việc theo dõi giám sát, cũng như phòng chống dịch bệnh trên toàn bộ địa bàn một cách chặt chẽ. Một lý do nữa được bà Hương nêu ra là, những người đã tiêm đủ 2 liều vaccine vẫn còn một tỷ lệ nhất định có nguy cơ lây nhiễm.

"Đầu tiên phải xác định được các khu vực cho phép du lịch. Khu vực này đảm bảo khép kín, đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch, đã đánh giá an toàn phòng chống dịch và cập nhật trên bản đồ Covid-19. Thứ hai là phải chuẩn bị các lực lượng tham gia giám sát, đáp ứng tình huống không may có trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng, hoặc nhân viên phục vụ hay du khách mắc bệnh. Cần xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin để theo dõi giám sát phòng chống dịch” – bà Nguyễn Thị Liên Hương cho biết.

Đồng quan điểm này, ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho rằng cần thống nhất, giao cho đơn vị đầu mối chủ trì và quyết định những hãng hàng không, doanh nghiệp vận chuyển, khách sạn và trung tâm giải trí nào được phép đón khách du lịch quốc tế.

Quan điểm cũng như yêu cầu của việc đón khách quốc tế thí điểm là phải đảm bảo an toàn cho khách du lịch, an toàn cho người lao động và người dân. Vì vậy sẽ ưu tiên chọn những cơ sở du lịch nhiều dịch vụ vui chơi, nghỉ dưỡng trọn gói để mời khách đến nghỉ dưỡng, tuy không cách ly nhưng rất an toàn.

Ông Hà Văn Siêu cho biết: “Chúng tôi tham mưu cho Bộ VHTT&DL, dự kiến trong tuần tới sẽ mời tỉnh Kiên Giang cùng với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan, như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông để họp bàn xây dựng một kế hoạch tổng thể thí điểm đón khách quốc tế đến Phú Quốc. Trong thời gian sớm nhất chúng ta sẽ hoàn chỉnh kế hoạch này, cũng như quy trình chi tiết để đón tiếp phục vụ khách du lịch thí điểm đến Phú Quốc".

Du khách lặn ngắm san hô ở Phú Quốc.

Du khách lặn ngắm san hô ở Phú Quốc.

Những năm qua, du lịch Phú Quốc phát triển không ngừng, chiếm phần lớn cơ cấu kinh tế ở Phú Quốc và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Kiên Giang. Nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đã chọn Phú Quốc để đầu tư, cả về hạ tầng lẫn cơ sở vật chất khiến ngành du lịch Phú Quốc ngày càng năng động. Vì vậy, phục hồi du lịch đối với Phú Quốc là vô cùng quan trọng, có sức lan tỏa đến nhiều ngành nghề liên quan.

Với sự vào cuộc rất chủ động của tỉnh Kiên Giang và sự hỗ trợ hướng dẫn của Bộ Y tế, mặc dù là một nơi có nguy cơ nhưng Kiên Giang đã sẵn sàng và chủ động năng lực phòng chống dịch, năng lực xét nghiệm, cách ly, điều trị cũng như xử lý các tình huống xảy ra; đáp ứng các yêu cầu của hoạt động du lịch nội địa và quốc tế.

Theo kế hoạch tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân Phú Quốc, tổng dân số trên địa bàn Phú Quốc khoảng 145 nghìn người, trong đó đối tượng dự kiến tiêm nhóm tuổi từ 18-65 khoảng 100 nghìn người, cần tiêm đủ là 200 nghìn liều. Tỉnh Kiên Giang sẽ thực hiện ngay khi có nguồn vaccine được phân bổ của Bộ Y tế hoặc của các nhà tài trợ, dự kiến tiêm trong khoảng 10 ngày. Tỉnh dự kiến kinh phí mua 2 loại vaccine là AstraZeneca và Pfizer, với tổng kinh phí lần lượt cho các phương án này là 29 tỷ 278 triệu đồng và 40 tỷ 278 triệu đồng./.

Lam Hiếu/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/ban-phuong-an-thi-diem-don-khach-quoc-te-den-phu-quoc-869700.vov