Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng Đồng Nai dùng tiêu chí đấu thầu 'lạ', định hướng nhà thầu?
Trong hồ sơ dự thầu dự án trong Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An - Bình Sơn, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai đưa ra nhiều tiêu chí cụ thể thông tin nguồn gốc xuất xứ để định hướng và hạn chế nhà thầu? TCDN -
Tiêu chí... "định hướng" nhà thầu?
Theo Quyết định số 2906/QĐ-UBND về việc phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu (tiếp theo) cho Dự án thành phần xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu dân cư, tái định cư Lộc An-Bình Sơn thuộc dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cảng Hàng không quốc tế Long Thành.
Ngày 21/9/2020 Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai ((BQLDA ĐT – XD Đồng Nai) đã ra Quyết định 629/QĐ-BQLDAĐTXD phê duyệt hồ sơ mời thầu và tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu gói thầu số 44 (xây dựng, cung cấp, lắp đặt thiết bị và xin phép xả nước sau xử lý lại môi trường cho trạm xử lý nước thải khi dân cư tái định cư Lộc An-Bình Sơn giai đoạn 1, công suất 4.000m3/ngày/đêm) có giá trị gần 100 tỷ đồng.
Tại quyết định này, ông Lê Quang Bình - Giám đốc - Ban QLDA ĐT-XD Đồng Nai yêu cầu các nhà thầu tham gia gói thầu đưa ra các thông số, đặc tính kỹ thuật của thiết bị công nghệ chính phải có thông tin chi tiết thể hiện qua tài liệu của nhà sản xuất. Về tiêu chí giải pháp kỹ thuật yêu cầu nhà thầu chọn nguồn gốc cung cấp thiết bị; nhà sản xuất thiết bị phải có “kinh nghiệm” về sản xuất thiết bị.
Cụ thể: Mục 3 về Tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật ở tiêu chí giải pháp kỹ thuật yêu cầu thiết bị phải được cung cấp bởi nhà sản xuất thuộc khối các nước Châu Âu hoặc G7, có xuất xứ chính quốc và nhà sản xuất phải có 40 năm kinh nghiệm về sản xuất thiết bị van điều khiển phân phối dòng; nhà sản xuất van cửa phai, bơm nước thải, máy khuấy trộn chìm, thiết bị cấp khí oxy.... phải được cung cấp bởi nhà sản xuất thuộc khối các nước Châu Âu hoặc G7, có xuất xứ chính quốc và nhà sản xuất phải có 20 năm kinh nghiệm về sản xuất.
Ông Lê Quang Bình cũng đã ra Quyết định số 248/QĐ- BQLDAĐTXD thành lập Tổ chuyên gia Đấu thầu và giao cho đơn vị này tiến hành làm việc với 3 nhà thầu đã nộp hồ về gói thầu số 44. Ngày 23/10/2020, Tổ chuyên gia đấu thầu đã đưa ra báo cáo và đánh giá kết quả đấu thầu của 3 nhà thầu. Kết quả, đối với các tiêu chí Hợp lệ của E-HSĐXKT và năng lực và kinh nghiệm cả 03 nhà thầu là Công ty Cổ phần xây dựng số 5; Công ty Cổ phần kỹ thuật SEEN và Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Môi trường Dương Nhật đều đạt.
Tuy nhiên, riêng về tiêu chí đánh giá kỹ thuật chỉ mình Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Môi trường Dương Nhật được chấm đạt.
Theo Tổ chuyên gia đấu thầu, lý do công ty này đưa ra thông số kỹ thuật đáp ứng “yêu cầu đề xuất” của E-HSMT (tiêu chí 1.2)!?
Nhiều sai phạm trong mời thầu và chấm thầu
Căn cứ vào báo cáo nói trên của Tổ chuyên gia đấu thầu, ngày 26/10/2020 BQLDAĐTXD Đồng Nai ra Quyết định 683/QĐ-BQLDAĐTXD công nhận Công ty Đầu tư Xây dựng và Công nghệ Môi trường Dương Nhật (Cty Dương Nhật) là nhà thầu đạt yêu cầu về mặt kỹ thuật Gói thầu số 44.
Điều đáng nói, ngoài việc đưa ra các tiêu chí cụ thể về thông số kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ, kinh nghiệm nhà sản xuất… Tại hồ sơ mời thầu thể hiện, từ ngày nhận hồ sơ dự thầu (ngày 13/10/2020 đến ngày 27/10/2020), Bên mời thầu không thông báo bằng văn bản về hồ sơ dự thầu tại Trung tâm đấu thầu qua mạng. Dù vậy, điều bất ngờ là đến 10h10 phút ngày 27/10/2020 Trung tâm đấu thầu qua mạng lại thông báo rằng Bên mời thầu đã hoàn thành đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật gói thầu trên.
Sau đó, trên hệ thống đấu thầu điện tử thông báo Bên mời thầu đã hoàn thành việc mở đề xuất tài chính vào lúc 07 giờ 08 phút ngày 28/10/2020. Điều này không chỉ khiến các đơn vị dự thầu bất ngờ, không kịp trở tay mà còn khiến cho quy trình đấu thầu, chấm thầu được hợp thức hóa gây ra nhiều uẩn khúc nếu không nói là thiếu minh bạch.
Về vấn đề này, tại văn bản số 2014/QLĐT- CS của Cục Quản lý đấu thầu- Bộ Kế hoạch Đầu tư nhận định: “Việc E-HSMT yêu cầu nhà thầu phải đề xuất van cửa phải được cung cấp bởi nhà sản xuất thuộc khối các nước Châu Âu hoặc G7 là không phù hợp, vi phạm hành vi bị cấm trong đấu thầu theo quy định nêu trên. Ngoài ra, việc quy định tiêu chí đánh giá về kỹ thuật của hàng hóa phải căn cứ vào đặc tính, thông số kỹ thuật, công nghệ, tiêu chuẩn sản xuất chế tạo, mức độ bảo hành, bảo trì… của hàng hóa chứ không căn cứ vào số năm kinh nghiệm của nhà sản xuất.
Việc E-HSMT quy định nhà thầu phải sử dụng van điều khiển phân phối dòng của nhà sản xuất tối thiểu 40 năm kinh nghiệm và van cửa phải của nhà sản xuất có tối thiểu 20 năm kinh nghiệm là không phù hợp với hướng dẫn tại Mục 3, Chương III, Mẫu E-HSMT mua sắm hàng hóa ban hành kèm theo thông tư số 04/2017/TT-BKHĐT và có thể dẫn đến hạn chế sự tham gia của nhà thầu, vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 12 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP”
Điều này cũng vi phạm Điểm I, Khoản 6, Điều 89 Luật Đấu thầu: Một trong những hành vi bị cấm trong đấu thầu là nêu yêu cầu cụ thể về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hóa trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, xây lắp hoặc gói thầu hỗn hợp khi áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi, hạn chế
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Giám đốc BQLDA ĐT – XD Đồng Nai cho biết: "Có ba đơn vị tham gia đấu thầu và Công ty Dương Nhật đạt chấm thầu. Tuy nhiên đây mới chỉ một bước, chúng tôi còn xét nhiều tiêu chí khác để quyết định đơn vị này có trúng thầu hay không chứ chưa thể nói công ty Dương Nhật là đơn vị trúng thầu”.
Tài chính Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.