Bản quyền gạo Việt được 'tranh giành' ở Mỹ, buồn hay vui?
Việc 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký thương hiệu gạo ngon nhất thế giới ST25 của Việt Nam từ tháng 7/2020 đang được dư luận đặc biệt chú ý.
Gạo ST25 là gạo ngon nhất thế giới
Tại sao không phải là ông Hồ Quang Cua - chủ nhân của giống ST25 đăng ký bản quyền mà là doanh nghiệp khác? Mà không phải 1, có tới 4 doanh nghiệp khác làm hồ sơ xin cấp bản quyền thương hiệu.
Nhiều bạn đọc của Báo Giao thông đã gửi bình luận, thư điện tử về tòa soạn chia sẻ quan điểm của mình về câu chuyện này.
Bạn đọc Lý Huy (Tiền Giang) viết: Trước hết cần xem đó là một tin vui, gạo Việt Nam đã được biết đến ở Mỹ. Có biết, có tiềm năng thì mới có người đi đăng ký để được cấp bản quyền thương hiệu. Sau đó mới thấy bàn đến chuyện vậy họ đăng ký thì mình có mất không? Câu hỏi này cần các chuyên gia, luật sư thậm chí cơ quan Nhà nước phân tích và hỗ trợ doanh nghiệp.
Bạn đọc Minh Châu (Hậu Giang) cho rằng, nếu bản quyền thương hiệu ST25 tại Mỹ mất vào tay doanh nghiệp khác, đây là điều đáng tiếc với ngành lúa gạo Việt Nam. Chúng ta đã không nương theo sự kiện ST25 lên ngôi “hoa hậu gạo” để phất cờ, quảng bá lúa gạo Việt Nam với thế giới thì việc tranh chấp này có thể là một cơ hội thứ hai để quảng bá, dù khó khăn hơn nhiều.
Xét ở góc độ truyền thông, đây vẫn là câu chuyện khiến thế giới biết đến gạo Việt Nam nhiều hơn, bạn đọc Công Quốc (Hà Nội) bình luận. Điều mà tôi chờ đợi là chúng ta sẽ rút ra bài học gì sau khi nước mắm Phú Quốc, cà phê Trung Nguyên… và giờ là ST25 có nguy cơ bị "cướp" bản quyền thương hiệu ở Mỹ?
"Doanh nghiệp Việt có đủ thế và lực để đi đăng ký bản quyền thương hiệu khắp thế giới không? Và nếu không thì chúng ta cứ chịu mất mãi như thế hay sao", bạn đọc này đặt câu hỏi.
Cùng cách đặt vấn đề, độc giả Quang Huy ở TP HCM cho rằng, Bộ Công thương cần đề xuất cơ chế, xây dựng tiêu chí để lựa chọn các doanh nghiệp có sản phẩm chiến lược quốc gia. Từ đó hỗ trợ doanh nghiệp từng bước bảo vệ bản quyền thương hiệu tại các thị trường quốc tế trọng điểm.
Có thể là tư vấn, tốt hơn nữa thì hỗ trợ kinh phí, chứ để các doanh nghiệp hồ tiêu, cà phê, nước mắm... của ta "tự bơi" tại châu Âu hay Mỹ thì việc mất bản quyền thương hiệu chắc chắn còn xảy ra.