Bản quyền phim - vấn đề gây tranh cãi tại Hội nghị - hội thảo triển khai Luật Điện ảnh
Tại Hội nghị hội thảo triển khai Luật Điện ảnh đã có nhiều vấn đề quan trọng của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐCP được đưa ra thảo luận.
Tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị - Hội thảo triển khai Luật Điện ảnh, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Sự kiện có sự tham gia của nhiều đại diện Bộ, ban ngành và các cơ quan liên quan. Tại Hội nghị, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã nhận được nhiều ý kiến góp ý nhằm làm rõ hơn nội dung trong các dự thảo Nghị định.
Trong những nội dung được đưa ra thảo luận thì một vấn đề đang thu hút sự chú ý của khán giả cũng như được các nhà sản xuất đặc biệt quan tâm là bản quyền phim đang bị xâm phạm nghiêm trọng bởi các nền tảng mạng xã hội.
Các nhà sản xuất, chuyên gia về điện ảnh đang có cùng nhận định là bản quyền điện ảnh đang bị xâm phạm nghiêm trọng trên TikTok với video gắn mác "review phim". Xu hướng này đang gây những tác hại nghiêm trọng tới sự trải nghiệm của khán giả cũng như vi phạm về bản quyền của các tác phẩm đó.
Trong các video review phim, những người sáng tạo nội dung thường thuật lại chính bộ phim hay còn gọi là tóm tắt lại toàn bộ nội dung để người xem dễ dàng nắm bắt.
Đồng thời, lồng ghép vào một số đánh giá mang tính chủ quan của người đó, đôi lúc là ý kiến khen, chê, chỉ trích về cốt truyện, nội dung, hiệu ứng hình ảnh... của bộ phim.
Những kiểu clip tưởng chừng như là “vô thưởng vô phạt” này đang ảnh hưởng đến vấn đề bản quyền phim, đến những người làm review chân chính hoặc cái hại dễ dàng nhìn thấy trước mắt là có thể đem đến cho khán giả một cái nhìn sai lệch về phim,...
Không chỉ gây tổn hại đến nhà sản xuất mà việc bản quyền phim cũng liên quan mật thiết với tỷ lệ phát sóng phim truyền hình Việt Nam.
Ông Đỗ Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Đài THVN - cho rằng việc thời lượng phát sóng phim truyện Việt Nam phải đạt ít nhất 30% là khó áp dụng và cần làm rõ tỉ lệ 30% áp dụng đối với tổng thời lượng phát sóng phim, bao gồm 5 loại hình quy định trong Luật Điện ảnh hay áp dụng đối với tổng thời lượng phim truyện?
Tỷ lệ 30% đối với tổng thời lượng phim của mỗi đài truyền hình sẽ chỉ áp dụng đối với các kênh truyền hình quảng bá hay cả các kênh truyền hình trả tiền, các gói dịch vụ trên nền tảng internet và di động?
Về tỷ lệ phát sóng phim Việt Nam là 30% theo quy định tại Dự thảo cần phải được xây dựng đồng bộ với các chính sách khuyến khích sản xuất phim Việt Nam để đảm bảo tính khả thi của quy định, tránh trường hợp cung không đủ cầu, dẫn tới tăng giá bản quyền phim do các đơn vị phát sóng phải cạnh tranh để mua bản quyền trong khi không có các phim có chất lượng đủ tốt để phát sóng.
Trên thực tế, tỷ lệ phát sóng 30% phim Việt Nam là tỷ lệ rất khó khả thi với các đài truyền hình trong nước, nhất là các Đài có quy mô vừa và nhỏ cũng như các kênh truyền hình được sản xuất để phát sóng trên hệ thống truyền hình trả tiền, vì:
Thứ nhất, do sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong việc mua bản quyền phim Việt Nam đến từ các hạ tầng OTT và các hạ tầng streaming xuyên biên giới cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, với tiềm lực tài chính mạnh cho phép mua độc quyền nội dung trong thời gian dài hạn (5-10 năm), những hạ tầng này hiện giữ quyền 80% tổng số phim Việt chiếu rạp trong vòng 4 năm trở lại đây.
Thứ hai, với sự phát triển mạnh mẽ của dịch vụ OTT, các công ty sản xuất phim cũng xây dựng app OTT của riêng mình và giữ quyền độc quyền những phim do mình sản xuất để phát trên hạ tầng của mình mà không chia sẻ bản quyền với các đơn vị phát sóng như trước đây.
Đây cũng là xu hướng của ngành nghe nhìn toàn cầu (ví dụ Disney, HBO…) và sẽ ngày càng rõ rệt hơn trong thời gian sắp tới tại Việt Nam. Khó khăn trong việc mua bản quyền sẽ buộc các kênh truyền hình trong nước đầu tư sản xuất phim để đảm bảo tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam.
Tuy nhiên, chi phí đầu tư để sản xuất phim cũng ngày càng tăng cao và cao hơn nhiều so với chi phí mua bản quyền phim. Với xu hướng sụt giảm doanh thu của các kênh truyền hình tuyến tính, đây thực sự là khó khăn rất lớn đối với các Đài truyền hình truyền thống và các kênh truyền hình trả tiền trong nước.
Thứ ba, việc vi phạm bản quyền phim trên nền tảng Internet trở nên rất nghiêm trọng và gây thiệt hại rất lớn cho những đơn vị đầu tư sản xuất phim.
Nếu không có những chính sách và biện pháp bảo vệ bản quyền cương quyết và mạnh mẽ hơn thì các doanh nghiệp trong nước sẽ rất khó có thể đầu tư lâu dài trong việc sản xuất phim Việt Nam, đặt biệt là phim có chất lượng cao.
Ngoài ra, tỉ lệ phát sóng phim Việt Nam cần được áp dụng công bằng giữa các đài truyền hình trong nước, các nền tảng nội dung số trong nước và các nền tảng cung cấp nội dung xuyên biên giới có cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Một nội dung khác cũng được đưa ra thảo luận là vướng mắc trong quy định về phân loại và phổ biến phim trên không gian mạng.
Chủ thể phổ biến phim trên không gian mạng quy định nêu trên phải bảo đảm thực hiện nghĩa vụ quy định tại điểm c và điểm d khoản 2 Điều 18 Luật Điện ảnh 2022 và quy định khác của pháp luật có liên quan và các quy định sau đây:
- Không được phổ biến phim vi phạm quy định tại Điều 9 của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan;
- Trước khi phổ biến phim trên không gian mạng, phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim;
Trường hợp chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng theo trình tự, thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 27 Luật Điện ảnh 2022.
Dù đã có những quy định cụ thể nhưng trong quá trình áp dụng vẫn có những ý kiến cho rằng cần có quy định cụ thể hơn nữa để tránh những đơn vị cố tình vi phạm.
Cũng tại hội thảo, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét làm rõ thêm nhiều vấn đề về quy trình thực hiện dự án sản xuất phim sử dụng ngân sách nhà nước…
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Ban tổ chức sẽ tiếp thu các ý kiến và sẽ có những điều chỉnh phù hợp trước khi trình dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 38/2021/NĐ-CP trước khi trình lên Thủ tướng Chính phủ.