Bản quyền và ý thức tôn trọng pháp luật

Phát hành từ tháng 2-2002, Thần đồng Đất Việt (TĐĐV) nhanh chóng trở thành bộ sách dành cho thiếu nhi được yêu thích với số lượng phát hành lên đến hàng chục nghìn bản, liên tục được tái bản. Trên nhiều diễn đàn, TĐĐV được đánh giá là bộ truyện tranh Việt Nam dài nhất và thành công nhất cho đến thời điểm hiện tại.

Không chỉ đạt mức doanh thu cao, tác phẩm còn trở thành một “hiện tượng” đáng phấn khởi trong đời sống văn hóa đọc của thiếu nhi Việt Nam, đồng thời góp phần xác lập vị thế của truyện tranh Việt trên thị trường sách văn học nước nhà.

Đáng tiếc là, phía sau thành công của bộ sách lại có một câu chuyện buồn liên quan vấn đề bản quyền. Sau 78 tập sách đã xuất bản, họa sĩ Lê Linh - người sáng tạo hình ảnh cũng như tạo ra bốn nhân vật chính của bộ sách đã chấm dứt cộng tác với đơn vị xuất bản. Tuy nhiên, thay vì dừng tập sách, đơn vị xuất bản vẫn quyết định tiếp tục triển khai bộ sách mà không có sự đồng ý của họa sĩ Lê Linh. Các nhân vật vốn được họa sĩ Lê Linh “khai sinh” tiếp tục xuất hiện trong các tập tiếp theo nhưng lại bằng sự thể hiện của họa sĩ khác. Đây là nguyên nhân khiến tháng 4-2007, họa sĩ Lê Linh buộc phải khởi kiện đơn vị xuất bản (Công ty Phan Thị), đề nghị tòa án công nhận ông là tác giả duy nhất của hình tượng các nhân vật “Trạng Tí”, “Sửu ẹo”, “Dần béo” và “Cả Mẹo” trong bộ truyện tranh TĐĐV.

Ròng rã 12 năm trời theo kiện, đến sáng 3-9, phiên tòa phúc thẩm diễn ra tại Tòa án nhân dân TP Hồ Chí Minh đã khép lại với phán quyết: Công nhận họa sĩ Lê Linh là tác giả duy nhất của bộ truyện tranh TĐĐV, yêu cầu Công ty Phan Thị phải chấm dứt việc tạo ra và sử dụng những biến thể khác nhau của những hình tượng do ông Linh sáng tạo, Công ty Phan Thị phải xin lỗi ông Linh công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng và phải thanh toán các chi phí thuê dịch vụ luật sư cho nguyên đơn.

Khép lại vụ kiện kéo dài với không ít căng thẳng, mệt mỏi, kết quả mà họa sĩ Lê Linh nhận lại khó có thể coi là một sự thành công trọn vẹn bởi lẽ trong suốt 12 năm qua, người nghệ sĩ ấy đã phải hao tốn nhiều sức lực, tâm huyết và tiền bạc để đòi lại công lý cho mình. Đây chỉ là một thí dụ tiêu biểu cho thấy những diễn biến phức tạp của tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra hiện nay. Dù hệ thống pháp luật nước ta đã có quy định chặt chẽ về vấn đề này, tuy nhiên trên thực tế, việc vi phạm bản quyền trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật vẫn tiếp tục diễn ra với chiều hướng ngày càng tăng, mức độ vi phạm ngày càng tinh vi.

Trên báo chí, mặc dù các vụ vi phạm như đạo văn, đạo nhạc, sao chép tranh, sử dụng tác phẩm không được sự đồng ý của tác giả... liên tục được phản ánh nhưng trong nhiều trường hợp những vụ vi phạm này lại được xử lý theo kiểu “hòa cả làng”. Không ít tác giả thay vì kiên quyết bảo vệ quyền lợi chính đáng của bản thân thì lại có thái độ buông xuôi, ngại phiền hà, thậm chí mặc nhiên chấp nhận. Đây chính là môi trường thuận lợi để các sai phạm thay vì bị lên án, bị xử lý nghiêm khắc lại tiếp tục được dung dưỡng và lộng hành, bất chấp pháp luật.

Nhằm góp phần bảo vệ quyền tác giả, giữ gìn môi trường sáng tạo nghệ thuật lành mạnh, đã đến lúc mỗi chủ thể sáng tạo, cũng như các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật cần nâng cao sự hiểu biết trong vấn đề bản quyền, cũng như ý thức tuân thủ pháp luật. Đồng thời, vai trò của cộng đồng cần được phát huy và đề cao trong việc phát hiện, cũng như không tiếp tay cho các sản phẩm sai phạm.

Về phía cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm khắc các sai phạm trong vấn đề quyền tác giả, tránh gây phiền hà, thời gian kéo dài. Có như vậy, mới mong kéo giảm tình trạng vi phạm bản quyền, góp phần xây dựng môi trường lành mạnh trong lĩnh vực bản quyền tác giả, để đời sống văn học - nghệ thuật nước nhà có những tác phẩm xuất bản được tôn vinh xứng đáng theo chuẩn mực pháp luật và đạo đức.

THÀNH NAM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/cung-suy-ngam/item/41469802-ban-quyen-va-y-thuc-ton-trong-phap-luat.html