Bản sắc dân tộc qua đám cưới người Dao Cao Bằng
Những năm gần đây, cuộc sống Dân tộc người Dao đỏ ở Cao Bằng có nhiều đổi thay do quá trình hội nhập và phát triển nhưng bà con vẫn lưu giữ được những nét sinh hoạt văn hóa truyền thống, trong đó có đám cưới với những nghi lễ vô cùng độc đáo có giá trị văn hóa phong phú và đậm đà bản sắc.
Dân tộc Dao ở Cao Bằng có 2 nhánh là Dao đỏ và Dao tiền, trong đó, người Dao đỏ chiếm 2/3 dân số người Dao, cư trú tập trung ở vùng núi cao các huyện: Nguyên Bình, Thông Nông, Hà Quảng, Hòa An...
Cứ mỗi dịp xuân về, hoa trái đâm chồi nảy lộc, đất trời giao hòa, nhiều gia đình dân tộc Dao Đỏ khắp nơi ở Cao Bằng lại tổ chức đám cưới. Người Dao đỏ quan niệm: Cưới xin, làm nhà và làm tang ma cho bố mẹ là ba việc quan trọng nhất.
Nét văn hóa độc đáo
Trước kia, phần lớn đôi trai gái người Dao đỏ không có quyền tự do tìm hiểu nhau mà đều do cha mẹ quyết định và đứng ra lo liệu. Tiêu chuẩn chọn con dâu, con rể phải là người khỏe mạnh, ngoan hiền, thật thà. Con dâu phải biết nấu ăn, thêu thùa, làm ruộng nương. Chàng rể không cờ bạc, rượu chè, biết lo lắng và vun vén việc cho gia đình.
Tuổi kết hôn của người Dao đỏ trước đây thường khá sớm, nhưng hiện nay đa số đều chờ đến khi đủ tuổi theo luật thì hai gia đình mới tổ chức. Người Dao đỏ không quan trọng con trai lớn tuổi hơn con gái hay con gái hơn tuổi con trai, chỉ cần hợp tuổi và số mệnh.
Khi chọn được một cô gái ưng ý, bố mẹ chàng trai phải đến nhà gái để hỏi cưới nhiều lần. Lần thứ nhất, bố mẹ chàng trai mang một chai rượu đến nhà gái để thưa chuyện với bố mẹ cô gái và ngỏ ý xem có đồng ý gả con gái hay không, xin ngày sinh tháng đẻ của cô gái để về nhà xem tuổi cho đôi trai gái. Lần thứ hai, bố mẹ chàng trai đến nhà gái để hỏi bố mẹ cô gái về số tiền, số bạc và bao nhiêu người đưa dâu. Sau đó, bố mẹ chàng trai trở về nhà để chuẩn bị. Lần thứ ba, đến nhà gái là để đặt cọc tiền cưới và đồ sính lễ có liên quan.
Trong lễ ăn hỏi, nhà gái sẽ mời thầy cúng đến để cúng bái, báo với tổ tiên về hôn sự của con gái. Nhà trai sẽ phải mang rượu, thịt đến nhà gái để mời anh em họ hàng bên nhà gái đến ăn, nhà trai chuẩn bị đồ ăn đủ 8 - 10 mâm.
Sau lễ ăn hỏi, nhà trai đến nhà gái một lần nữa để mang “thiếp mời” đến cho nhà gái phát cho anh em họ hàng bên nhà gái. Họ thường dùng vỏ bầu khô cắt thành từng miếng nhỏ bằng hạt ngô rồi nhuộm đỏ hoặc dùng đồng xu, hạt chè (tùy theo địa phương) với ý nghĩa như thiếp mời đám cưới. Bố mẹ cô gái sẽ thông báo cụ thể thời gian cưới là ngày nào, thường là trước ngày cưới khoảng 30 - 40 ngày.
Công việc chuẩn bị cho đám cưới được nhà trai tiến hành từ sau khi hỏi được cô gái sẽ lấy về làm vợ. Cưới xin là một việc rất tốn kém nên gia đình thường nuôi sẵn lợn, gà để dành cho đám cưới của con mình. Đồng thời, phải tìm được thầy cúng để làm mo, thông báo cho tổ tiên biết gia đình có thêm thành viên mới; tìm người làm bếp, người tiếp khách và người thổi kèn pí lè.
Thông thường, thầy cúng và quan lang bên nhà gái sẽ là cậu của cô gái, người Dao đỏ gọi là “mùi miền”, nếu cô gái không có cậu sẽ là anh em họ hàng trong dòng họ làm, ít khi lấy người ngoài.
Người Dao đỏ phân biệt rõ chuyện làm dâu hay ở rể. Nếu là con gái đi làm dâu thì việc thách cưới là do nhà gái đưa ra đối với nhà trai. Nhưng ngược lại nếu con trai đi ở rể cả đời, việc thách cưới là do nhà trai đưa ra đối với nhà gái.
Người ta thường đưa ra những yêu cầu cụ thể về số lượng sính lễ đối với nhà trai gồm 200 - 300 đồng tiền giấy; 20 - 40 đồng bạc trắng; 5 - 7 bộ quần áo tùy thuộc vào sự đòi hỏi của người con gái. Việc đi xin tuổi, dạm ngõ, ăn hỏi và tổ chức lễ cưới là do nhà gái chủ động, hay nói cách khác nếu nhà gái có ý định lấy rể thì nhà gái sẽ tổ chức. Và sau khi đón rể về thì tên và họ của người con rể sẽ được đổi theo nhà gái.
Giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc
Lễ cưới của người Dao đỏ chủ yếu diễn ra ở nhà trai trong vòng 2 - 3 ngày. Khi ra cửa, họ phải chọn giờ tốt, kiêng không đi trùng ngày sinh của bố mẹ, ngày mất của anh em họ hàng bên cô dâu. Trước khi đi họ sẽ thịt một con gà để báo với tổ tiên biết rằng hôm nay cô gái đi về nhà chồng và để tổ tiên phù hộ cho đoàn đưa dâu đi đường bình an.
Cô dâu được vợ quan lang giúp đội mũ và mặc quần áo truyền thống. Khi đi cô dâu phải nhìn thẳng về phía trước, tuyệt đối không được quay đầu nhìn bố mẹ. Quan lang dẫn đầu đoàn đưa dâu chính là người đứng ra bảo đảm sự an toàn cho cả đoàn đưa dâu, tránh mọi tà ma để mọi người đến dự đám cưới đều được bình an.
Người Dao đỏ thường có phong tục đưa dâu vào chiều tối, vì họ quan niệm đi vào những lúc này mặt trời không nhìn thấy mặt sẽ không sợ mất vía cô dâu. Khi đến nhà chồng thường vào khoảng 4 - 9 giờ sáng ngày hôm sau. Khi đoàn đưa dâu đến gần nhà chú rể, nhà trai cử người ra đón, dẫn đầu là người thổi kèn pí lè. Lúc này đoàn đưa dâu chưa được vào nhà mà chỉ ngồi ở ngoài sân chờ đến giờ lành mới được vào nhà. Trong khi đoàn nhà gái được tiếp đón ở sân, cô dâu được tiến hành các thủ tục để đưa dâu vào nhà.
Cô dâu được đưa đến trước cửa chính và quay mặt ra phía ngoài để thầy cúng làm phép trừ tà ma, họ quan niệm rằng trên đường đi có thể cô dâu gặp phải những điều không tốt hoặc tà ma đi theo nên phải làm lễ xua đuổi tà ma. Sau đó họ mang một chậu nước và một con dao đặt ngang qua chậu nước đặt trước cửa nhà.
Cô dâu được một em bé gái là họ hàng bên nhà trai rửa chân và thay giày mới rồi mới được vào nhà. Vào trong nhà, cô dâu chú rể mới gặp nhau và lúc này thầy cúng sẽ làm lễ cúng bái tổ tiên, thông báo cho tổ tiên biết về sự hiển hiện của nàng dâu mới và đổi họ cho cô dâu mang họ nhà trai.
Làm lễ xong, cô dâu sẽ có người dẫn vào buồng, lúc này cô dâu có thể tháo miếng vải che mặt ra. Sau khi kết thúc các nghi lễ cúng bái, nhà trai mời nhà gái vào nhà và chuẩn bị dùng bữa cơm.
Ngọt ngào điệu hát páo dung truyền thống
Sau đó, họ ngồi với nhau uống rượu, tâm sự và trổ tài hát dân ca giao duyên (hát Páo dung). Càng về khuya lời hát càng da diết, lũ trẻ mong mình lớn để được hát Páo dung, người già như thấy mình trẻ lại. Ngày cuối cùng của đám cưới, buổi sáng khi mới thức dậy, cô dâu chú rể mỗi người chuẩn bị một chậu nước ấm, khăn mặt và một chén nước mang đến đặt trước bàn thờ để thầy cúng và quan lang rửa mặt.
Rửa mặt xong thầy cúng và quan lang để vào thành chậu một chút tiền giấy lì xì cho đôi vợ chồng trẻ. Số tiền này không được quy định rõ mà tùy tâm của thầy cúng và quan lang. Đến chiều nhà gái chuẩn bị ra về, tất cả mọi người ngồi lại với nhau cùng chúc phúc cho đôi vợ chồng trẻ. Nhà trai chuẩn bị thịt, rượu, xôi để bên nhà gái mang về.
Sau lễ cưới 3 - 5 ngày, cô dâu và chú rể quay trở lại nhà gái để tạ ơn bố mẹ cô gái đã nuôi nấng cô trưởng thành và nhận họ hàng. Lễ này người Dao Đỏ gọi là “nhiểm ngòi cha”, hay còn gọi là lễ lại mặt. Sau khi cưới, cô dâu về nhà chồng sinh sống và không thường xuyên về thăm nhà được nên ngủ lại một tối ở nhà bố mẹ.
Đám cưới là một thành tố văn hóa trong phong tục tập quán của dân tộc. Đối với người Dao đỏ ở Cao Bằng, đám cưới là việc quan trọng cả đời của mỗi người và để đi đến đám cưới người ta phải trải qua cả một quá trình với nhiều nghi lễ. Đám cưới của người Dao đỏ chứa đựng những nét văn hóa vô cùng đặc sắc không thể hòa lẫn với bất cứ tộc người nào. Tất cả tạo thành một mảnh ghép văn hóa đặc sắc, góp phần làm phong phú thêm cho kho tàng văn hóa dân tộc Việt Nam.