Bàn tay có 10 dấu hiệu này cần đi khám sớm

Các dấu hiệu bất thường ở bàn tay như ngứa, mẩn đỏ, cứng nhức khớp bàn tay, phù nề, run tay, châm chích bàn tay,... có thể cảnh báo nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, bao gồm suy giảm hệ miễn dịch, bệnh ngoài da, tổn thương cơ khớp thậm chí là bệnh ung thư, bệnh tim mạch.

Bàn tay bao gồm nhiều loại xương, cơ và dây chằng khác nhau cho phép chuyển động và khéo léo ở mức độ lớn. Theo Health, dưới đây là 10 dấu hiệu ở bàn tay có thể do sức khỏe có vấn đề, cần thăm khám bác sĩ sớm. Lưu ý, những thông tin dưới đây không thể thay thế cho chẩn đoán của bác sĩ. Mỗi nguyên nhân sẽ có những triệu chứng đặc trưng nhất định.

1. Ban đỏ lòng bàn tay (lòng bàn tay son)

Ban đỏ lòng bàn tay xảy ra do mao mạch nhỏ ở tay giãn nở với các triệu chứng có thể xuất hiện ở cả hai bên tay đối xứng nhau, khi ấn màu đỏ ở gò tay sẽ chuyển sang màu trắng và sau đó sẽ chuyển đỏ trở lại. Khi sờ vào da lòng bàn tay có cảm giác hơi ấm nhưng không ngứa hay đau. Trong một số trường hợp thì ban đỏ có thể lan tới đầu ngón tay và tận nền móng.

Lòng bàn tay son có thể là dấu hiệu của bệnh gan, rối loạn miễn dịch như bệnh viêm khớp dạng thấp, tiểu đường, bệnh tuyến giáp, hội chứng Raynaud, tác động của môi trường hoặc cũng có thể do sự thay đổi hormone khi mang thai hay do di truyền.

Minh họa hiện tượng lòng bàn tay son (Ảnh: ST)

Minh họa hiện tượng lòng bàn tay son (Ảnh: ST)

2. Tay nổi mẩn đỏ, ngứa (phát ban)

Dạng phát ban này trên da tay có thể gây ra những vùng mẩn đó và ngứa với kích thước khác nhau. Mỗi vùng nổi ban ngứa có thể có bờ hoặc loang lổ khắp bàn tay. Đôi khi tình trạng phát ban ngứa ở bàn tay có thể kèm theo các nốt sưng nhỏ như mụn nước, chứa dịch ở bên trong kèm theo đau nhức hoặc khó chịu.

Tay nổi mẩn đỏ, ngứa (phát ban) Ảnh: ST

Tay nổi mẩn đỏ, ngứa (phát ban) Ảnh: ST

Phát ban da tay có nhiều nguyên nhân gây ra, chẳng hạn như viêm da tiếp xúc kích thích (bệnh hay gặp nhất trong các bệnh da nghề nghiệp); viêm da tiếp xúc dị ứng; phản ứng dị ứng (do thuốc, dị nguyên khác,...); mề đay; chàm; bệnh vẩy nến; nấm da; bệnh tay chân miệng; Lichen phẳng; viêm mô tế bào.

3. Ngón tay dùi trống là bệnh gì?

Ngón tay dùi trống là hiện tượng phần móng tay bị thay đổi, phát triển móng kích thước lớn hơn và tròn hơn so với bình thường một cách nhanh chóng hoặc chậm từ vài tuần kéo dài đến vài năm.

Trong đó phần móng tay dường như cong xuống nhiều hơn và phần móng tay bị mọc lồi lên. Khi ấn vào móng tay sẽ có cảm giác mềm xốp khác lạ, nhìn giống như bị tách ra khỏi ngón tay. Phần đầu ngón tay bị sưng phồng và thường chuyển dần sang màu đỏ, có thể có cảm giác hơi ấm khi chạm vào. Đôi khi nếp nhăn có thể xuất hiện ở phần móng và da tay.

Ngón tay dùi trống là bệnh gì? Ảnh: ST

Ngón tay dùi trống là bệnh gì? Ảnh: ST

Ngón tay dùi trống thường gặp ở người mắc bệnh tim hoặc phổi nếu lượng oxy trong máu thấp. Ví dụ, ung thư phổi, xơ hóa phổi, viêm nội tâm mạc và dị tật tim bẩm sinh có thể gây ra hiện tượng ngón tay dùi trống. Ngoài ra, ngón tay dùi trống cũng có thể là dấu hiệu của các vấn đề tiêu hóa như tiêu chảy phân nhạt màu, bệnh xơ gan, bệnh viêm loét đại tràng hoặc do di truyền (tỷ lệ di truyền khoảng 50%).

4. Đau tay

Đau tay có thể bao gồm đau cổ tay, đau ngón tay, đau ở lòng bàn tay, đau ở mu bàn tay với cảm giác đau có thể là đau nhói hoặc đau âm ỉ, đau nhức khó chịu. Đôi khi cảm giác đau tay có thể kèm theo cứng khớp tay, thường liên quan tới các chứng viêm khớp.

Đau tay có thể bao gồm đau cổ tay, đau ngón tay, đau ở lòng bàn tay, đau ở mu bàn tay (Ảnh: ST)

Đau tay có thể bao gồm đau cổ tay, đau ngón tay, đau ở lòng bàn tay, đau ở mu bàn tay (Ảnh: ST)

Đau tay có thể xảy ra vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Chấn thương vật lý hoặc bệnh tật ở cơ, dây thần kinh hoặc gân ở tay có thể gây đau bàn tay. Viêm khớp, viêm gân và hội chứng ống cổ tay là những nguyên nhân phổ biến gây đau tay.

5. Sưng ngón tay

Sưng ngón tay được mô tả là cảm giác ngón tay phồng to hơn bình thường, có thể kèm theo đau đớn hoặc tấy đỏ theo các mức độ khác nhau. Một số nguyên nhân gây sưng ngón tay có thể tự hết mà không cần điều trị, ngược lại có những tình trạng cần can thiệp y tế.

Sưng ngón tay là bệnh gì? Sưng ngón tay có thể là dấu hiệu cảnh báo cơ thể tích nước khiến chất lỏng tích tụ trong các mô hoặc khớp; sưng ngón tay sau tập thể dục do mạch máu giãn nở; chấn thương như bong gân ngón tay, rách dây chằng ngón tay, trật khớp hay gãy xương ngón tay; nhiễm trùng khớp; viêm khớp; bệnh gout; hội chứng ống cổ tay; bệnh thận; sưng ngón tay trong thai kỳ; bệnh hồng cầu hình liềm, phù bạch huyết; bệnh Raynaud; bệnh xơ cứng bì;...

Sưng ngón tay được mô tả là cảm giác ngón tay phồng to hơn bình thường (Ảnh: ST)

Sưng ngón tay được mô tả là cảm giác ngón tay phồng to hơn bình thường (Ảnh: ST)

6. Cứng khớp ngón tay, bàn tay

Tình trạng cứng khớp ngón tay, bàn tay thường gặp sau khi ngủ dậy, được mô tả là cảm giác tê, cứng ngón tay, giảm phạm vi chuyển động, khó khăn trong việc cầm nắm đồ vật hay các sinh hoạt dùng tay khác. Đôi khi cơn tê cứng khớp tay có thể kèm theo đau đớn, sưng nề. Thông thường cảm giác tê cứng khớp ngón tay hay cứng khớp bàn tay sẽ giảm nhẹ sau khoảng 15 - 30 và trở lại bình thường. Nếu cứng khớp kéo dài hơn và đau đớn hơn, bạn nên thăm khám bác sĩ sớm.

Nguyên nhân gây tê cứng khớp ngón tay, bàn tay có thể do thoái hóa khớp, phổ biến ở người lớn tuổi; viêm khớp dạng thấp; viêm khớp ngón cái; viêm khớp vảy nến; bệnh lupus ban đỏ; bong gan nghiêm trọng; chấn thương gân duỗi hoặc gân gấp; bệnh gout; hội chứng ống cổ tay; hội chứng De Quervain; dấu hiệu ung thư xương nếu sưng cứng khớp nghiêm trọng; thiếu canxi;...

Tình trạng cứng khớp ngón tay, bàn tay thường gặp sau khi ngủ dậy (Ảnh: ST)

Tình trạng cứng khớp ngón tay, bàn tay thường gặp sau khi ngủ dậy (Ảnh: ST)

7. Run tay là bệnh gì?

Đôi khi bạn có thể bị run tay chân do thời tiết lạnh hoặc sau khi uống quá nhiều caffeine, thiếu ngủ, triệu chứng cai nghiện rượu, tác dụng phụ của một số loại thuốc (phổ biến nhất là thuốc điều trị tâm trạng, động kinh, đau nửa đầu, bệnh thần kinh và hen suyễn) hoặc cũng có thể là run tay vô căn, thường bao gồm run ở cả hai tay.

Về mặt bệnh lý, run tay có thể là triệu chứng của bệnh Parkinson - một loại rối loạn thần kinh gây tổn thương các tế bào trong não. Run tay do bệnh Parkinson thường xuất hiện ngay từ giai đoạn sớm của bệnh và trở nên nghiêm trọng dần theo thời gian. Người bệnh bị run tay khi nghỉ ngơi, tình trạng run tay giảm đi khi di chuyển tay, cầm nắm đồ vật.

Ngoài run tay do Parkinson thì nguyên nhân gây run tay do bệnh khác có thể bao gồm bệnh đa xơ cứng, bệnh cường giáp, hạ đường huyết, căng thẳng, thiếu vitamin B12, u tủy thượng thận, bệnh gan.

8. Tê ran, cảm giác kiến bò bàn tay

Cảm giác kiến bò đặc trưng bởi cảm giác tê và có sự châm chích nhẹ giống như có côn trùng nhỏ bò dưới da. Nếu cảm giác kiến bò bàn tay không thuyên giảm hoặc xảy ra thường xuyên, bạn nên trao đổi với bác sĩ chăm sóc sức khỏe. Nếu vấn đề chỉ là tạm thời, có lẽ không có gì đáng lo ngại.

Cảm giác kiến bò ở tay là triệu chứng phổ biến của một số tình trạng bệnh lý, bao gồm: Dây thần kinh bị chèn ép, bệnh thần kinh ngoại biên (phổ biến như bệnh tiểu đường), tuần hoàn máu kém, hội chứng ống cổ tay, nghiện rượu, thiếu vitamin B12, bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, tác dụng phụ của một số thuốc (chẳng hạn như thuốc tim, huyết áp, thuốc hóa trị, thuốc chống co giật).

9. Giảm sức mạnh cầm nắm bàn tay

Sức mạnh cầm nắm của bàn tay yếu có thể là tác động của quá trình lão hóa. Nhưng điều này cũng có thể cảnh báo một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như bệnh tim mạch nếu như triệu chứng này đột ngột xảy ra. Trong đó, triệu chứng đột quỵ bao gồm tê liệt hoặc yếu một bên cơ thể như yếu tay, yếu chân.

Tuy nhiên, nếu bạn bị yếu tay dai dẳng thì tình trạng này thường không liên quan đến vấn đề y tế nghiêm trọng và hiếm khi đe dọa đến tính mạng. Yếu tay kéo dài trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng thường là do tình trạng bệnh lý có thể điều trị được chẳng hạn như hội chứng ống cổ tay, bệnh thần kinh tiểu đường, bệnh dây thàn kinh ngoại biên, viêm xương khớp, rối loạn chức năng rễ thần kinh, thoát vị đĩa đệm, hội chứng đêm thứ bảy, hội chứng chèn ép thần kinh trụ ở khuỷu tay, bệnh đa xơ cứng, bệnh viêm lồi cầu ngoài xương cánh tay.

Hình ảnh móng tay tím tái (Ảnh: ST)

Hình ảnh móng tay tím tái (Ảnh: ST)

10. Móng tay tím tái

Tình trạng móng tay tím tái có thể là hậu quả của việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh đột ngột, một số bệnh về phổi (chẳng hạn bệnh viêm phổi, viêm tiểu phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, bệnh phổi kẽ, tăng áp phổi, thuyên tắc phổi, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển và hen suyễn) và bệnh tim, các vấn đề về tuần hoàn, vấn đề bất thường về tế bào máu và mạch máu và nhiều vấn đề sức khỏe khác.

Trong đó, móng tay tím tái do bệnh tim nguy hiểm như suy tim, ngừng tim đột ngột, sốc tim cần đặc biệt chú ý. Hãy thăm khám bác sĩ nếu tình trạng móng tay tím tái không phải do nhiệt độ thấp hoặc chênh lệch độ cao (môi trường thiếu oxy) gây ra và tiếp tục kéo dài. Đặc biệt khi móng tay tím tái kèm theo các triệu chứng như đau tức ngực, khó thở, đổ mồ hôi nhiều hơn, chóng mặt, lú lẫn hoặc ngất xỉu - các dấu hiệu này có thể cảnh báo một cơn đột quỵ hoặc bệnh tim cần chăm sóc y tế khẩn cấp.

Nhìn chung, mỗi dấu hiệu ở bàn tay đều có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe nào đó. Điều quan trọng là chú ý những thay đổi bất thường để thăm khám bác sĩ sớm, tránh các biến chứng sức khỏe nghiêm trọng, khó phục hồi có thể dẫn tới liệt tay, ảnh hưởng thần kinh,...

Châu Anh (Tổng hợp)

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/ban-tay-co-10-dau-hieu-nay-can-di-kham-som-20241204163722633.htm