Bàn tay khắc gỗ nên vàng
Một lần lang thang chợ Hàng (TP Hải Phòng) tôi mua được một tượng gỗ nhỏ khắc họa một lão nông hút thuốc lào. Thấy tôi thích thú bức tượng, chủ hàng hồ hởi khoe tác phẩm do thợ làng nghề Bảo Hà ở Vĩnh Bảo làm đó. Ông còn nói đây là nơi cung cấp con rối cho hàng chục đoàn nghệ thuật khắp vùng duyên hải. Rồi ông đọc cho tôi nghe câu ca dao: 'Kỳ nhân đích thị Bảo Hà/ Đúc voi hạt gạo tài hoa Kinh thành'.
Bí ẩn Bảo Hà
Cái duyên của tôi thêm một lần gắn bó với làng Bảo Hà khi nhà thơ Minh Trí (HNV Hải Phòng) tặng tôi một con rối. Anh nói với tôi hãy về làng này đi ối chuyện hay. Thế rồi anh vẽ luôn cho tôi đường rẽ ra quốc lộ số 10. Cứ thế đi thẳng 40 cây số là tới làng Bảo Hà.
Người tôi gặp đầu tiên là nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng (sinh năm 1950) ở xóm Quyết Thắng làng Bảo Hà. Nghe nói ông có biệt tài khắc tượng chân dung theo ảnh giống hệt ngoài đời. Chắc ngỡ tôi là khách hàng ông đòi đưa xem ảnh người thân.
Tôi bật cười đưa ra con rối khoe ông rồi nói có người giới thiệu đến gặp nghệ nhân trò chuyện thôi. Đúng là với bản tính nghệ sĩ vui tính, nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng phong cho tôi là nhà báo rồi nói oang oàng: “Phỏng vấn hả. Nào hỏi đi!”. Tôi ha hả cười theo ông. Cả hai cùng tóc bạc như nhau trở thành bạn lúc nào không biết nữa.
Ông dẫn tôi lên miếu thờ Tổ nghề khắc tượng và Linh Lang Đại Vương (thành hoàng làng). Ngôi miếu đã có tuổi hơn 700 năm nên trầm tĩnh và đầy bí ẩn. Ông thủ đền vừa mở cửa ra, tôi giật mình vì bức tượng Linh Lang Đại Vương bỗng động đậy rồi đứng dậy. Sàn miếu có tiếng động rung lên. Nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng đến bên cạnh nói với tôi đó chính là gương mặt Linh Lang Đại Vương (sinh năm 1064) con vua Lý Thánh Tông.
Rồi ông kể trong lần đi đánh giặc Tống, ngài đã ghé đây một thời gian dài luyện quân và thu nạp binh sĩ. Sau đó nhân dân coi ông là Thành hoàng làng và dựng miếu thờ. Gương mặt bức tượng thật ấm áp phúc hậu. Đôi mắt ngời sáng dưới ánh đèn như hút hồn người. Uy nghiêm nhưng đầy thân thiện. Tôi thắp hương tưởng nhớ đến người rồi đi ra. Và kỳ lạ thay khi cánh cửa vừa khép lại thì bước tượng người đứng cao tới 1.7m nhẹ nhàng ngồi xuống như một lời chào tạm biệt.
Tôi ngỡ ngàng bước ra phòng khách. Lòng chưa hết hồi hộp vì bức tượng Linh Lang đứng lên ngồi xuống thật bí ẩn. Lúc này ông thủ đền dẫn tôi đến trước một bức tượng người đàn ông ngồi thoải mái trên bệ thờ. Người đàn ông với nét phong trần nhưng đượm vẻ hài hước. Càng nhìn kỹ tôi thấy càng giống như một người thật đang ngồi bên bàn trà.
Nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng vui vẻ chỉ bức tượng nói: “Đây là ông tổ nghề khắc tượng của làng tôi đó. Ngài là kỳ nhân Nguyễn Công Huệ”. Thủ đền cho biết thêm bức tượng Linh Lang Đại Vương do chính tay Tổ nghề Nguyễn Công Huệ tạc nên đã hơn 500 năm qua. Còn việc bức tượng biết đứng lên ngồi xuống là do đã vận dụng hệ thống điều khiển của các thanh gỗ mỗi khi đóng mở cửa. Đây chính là gốc của nghệ thuật biểu diễn rối cạn của Bảo Hà từ hàng trăm năm qua mà tổ nghề đã truyền lại.
Bức chân dung vô giá
Bất chợt nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng có điện gọi. Tôi theo ông về nhà để trả hàng cho khách. Ông nói đây là bức tượng cố nội trong dòng họ. Bức tượng đã được đục theo một bức ảnh mờ mịt từ thời Pháp. Họ đã nhờ máy vi tính xử lý rồi mới mang về đặt ông đục tượng. Tuy vậy nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng vẫn đòi khách phải đưa lại bức ảnh đã bạc màu kia.
Ông giải thích phải ngắm kỹ bức chân dung ấy bằng linh cảm với trực giác thấu suốt thời gian. Đó là linh hồn của người chết. Khi ấy đục cặp mắt của người ta mới ấm tình lan tỏa. Còn bức ảnh đã được phục chế chỉ là để tham khảo tạc góc cạnh của các cơ mặt và khẩu hình. Phải nói đó là nghệ thuật điêu khắc truyền thần độc đáo và đầy mạo hiểm.
Tôi tò mò hỏi ông có khi nào bị khách trả hàng không. Ông bật cười nói có nhiều lần nữa là khác nhưng chỉ là những chi tiết khách hàng đòi khắc thêm những điều không có trong ảnh. Sau được đúng ý có người còn trả thêm tiền thưởng.
Ông chợt nhớ lại có lần bị chính một người trong làng trả lại bức tượng. Ông kể ngày đó một thanh niên xóm dưới mang tấm ảnh của bố đến đặt ông làm bức tượng để thờ. Bức ảnh đã phai mờ theo năm tháng vì ngấm nước và phần mốc đã làm mờ nét hình. Thời điểm đó chưa có kỹ thuật vi tính phục hồi ảnh cũ. Tuy nhiên cha anh ta là chỗ quen biết và ông đã nhớ rõ những chi tiết trên khuôn mặt của người này nên đã nhận lời.
Sau đó là những ngày đêm cặm cụi làm việc. Nghệ nhân chăm chút từng chi tiết khi nhấc con dao khắc gỗ. Bởi chỉ sơ suất một đường dao là bức tượng bị lạc mất hình. Mất cả tuần bức tượng mới hoàn thành. Nhưng khi gọi người đến nhận hàng thì anh chàng kia sửng cồ nói là không đúng mặt cha mình. Nói dỗi rồi anh ta bỏ đi không nói không rằng.
Nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng buồn rầu trong lòng. Nhưng biết sao được khi người con không nhận ra cha mình. Ông bày bức tượng bị hắt hủi trong góc tường phòng khách. Ông đã trò chuyện thầm lặng với bức tượng bằng những ký ức đâu đó hiện về bên lũy tre. Những ai dè, nhiều khách trong làng đến chơi đều nhận ra người quen trong làng khi nhìn bức tượng ở góc phòng. Nghệ nhân cũng chỉ im lặng mỉm cười.
Một đồn mười. Mười đồn trăm. Đến tai người con trai kia. Anh chợt hiểu ra có lẽ bố mất khi ấy mình còn nhỏ nên chưa thấu hiểu hết mọi chuyện. Đến cha mình mà anh cũng không nhận ra, trong khi đó người trong làng đều trầm trồ khen giống hệt ngoài đời.
Anh ta ân hận tìm đến nghệ nhân chắp tay cúi xin trả tiền để nhận bức tượng cha mình về. Lúc này nghệ nhân mỉm cười sung sướng trao lại bức tượng mà không lấy tiền công. Ông nghĩ người con đã nhận ra cha mình là phần thưởng đáng giá nhất trong cuộc đời. Tiền đâu có nghĩa lý gì nữa.
Chuyện đúc voi hạt gạo
Nhìn quanh phòng khách đâu cũng là những bức tượng chân dung kèm với ảnh đính bên. Có người được điêu khắc toàn thân theo ảnh cao lớn. Tôi thấy những đôi mắt ấy đang nhìn tôi muốn nói điều gì đó. Không tin ở mắt mình nữa, tôi đến thật gần những bức tượng để ngắm họ. Đó chính là những con người thật đang mỉm cười với tôi. Đó là những linh hồn thức dậy dưới bàn tay tài hoa của nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng.
Thấy tôi tỏ ra ngạc nhiên trước những bức tượng “người” vây quanh, nghệ nhân Đỗ Văn Bưởng đã kể cho tôi nghe câu chuyện về những đôi bàn thần tài của làng Bảo Hà. Trong số học trò của Tổ nghề có nghệ nhân Tô Phú Vượng. Ông đã được vua Lê (Cảnh Hưng) triệu về cung để đục ngai vàng. Đó là vinh dự lớn cho làng Bảo Hà nên Tô Phú Vượng đã chăm chú ngày đêm điêu khắc, chạm trổ thật kỳ công.
Sau hàng tháng trời vất vả, ngai vua đã thành công trước bao con mắt khó tính của quan lại trong triều. Nghệ nhân Tô Phú Vượng được khen rất phấn khích một lần ngồi lên ngai vàng để kiểm tra lại các chi tiết điêu khắc. Không ngờ một tên quan Thái giám nhìn thấy và mật báo lên vua. Nghệ nhân bị khép tội chém đầu vì phạm khi quân.
Ngay lập tức nghệ nhân Tô Phú Vượng bị giam chờ lệnh đến ngày xử trảm. Bất ngờ có đêm ông nhặt được bông lúa còn sót lại trên ổ rơm. Ông tách ra được bảy hạt gạo bèn lấy dao trổ khắc mỗi hạt gạo thành tượng con voi. Bảy hạt là bảy con voi với tư thế khác nhau. Sáng hôm sau ông bẩm quan ngục muốn dâng tặng vua bảy con voi bằng hạt gạo trước khi chết. Ngắm tượng, vua Lê thật kinh hoàng trước tài nghệ của người thợ này, bèn tha chết và còn phong cho ông là “Kỳ Tài Tử”.
Tôi cùng nghệ nhân ngắm lại “gia đình tượng” vây quanh. Tôi cứ ngẩn người với những gương mặt khắc khổ và hiền hậu đang nhìn mình. Nghệ nhân chợt ngâm nga những câu ca dao của làng: “Ai qua Vĩnh Lại/ Nhớ tới Bảo Hà/ Vào chùa xem tượng mới tô/ Thăm đền Tổ phụ, thăm từ Linh Lang/ Bàn tay khắc gỗ nên vàng”. Vẫn cái giọng đặc quánh thuốc lào ấy, nhừa nhựa đê mê.
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/ban-tay-khac-go-nen-vang-610188/