'Bàn tay phù phép' của đại gia Dương Thị Bạch Diệp
Công ty Diệp Bạch Dương dưới sự điều hành của bà Dương Thị Bạch Diệp có khoản nợ xấu trị giá hàng ngàn tỉ đồng tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Một bất động sản thế chấp tại hai ngân hàng
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) Tối cao truy tố bà Dương Thị Bạch Diệp - Giám đốc công ty TNHH bất động sản Diệp Bạch Dương (Công ty Diệp Bạch Dương) - về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Liên quan vụ án, ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM) cùng tám đồng phạm bị đề nghị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo kết luận điều tra, Công ty Diệp Bạch Dương có trụ sở đăng ký tại số 179 bis Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TPHCM, với hai thành viên góp vốn là bà Dương Thị Bạch Diệp và bà Nguyễn Thị Châu Hà - con gái bà Diệp. Trong đó, bà Diệp là người đại diện theo pháp luật.
Công ty Diệp Bạch Dương hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, kinh doanh nhà, cho thuê nhà xưởng, xây dựng dân dụng, công nghiệp, san lấp mặt bằng, đầu tư xây dựng kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, khu dân cư.
Năm 2007, do nhà đất tại số 185 đường Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TPHCM – thuộc quyền quản lý của Trung tâm ca nhạc nhẹ trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM – xuống cấp nên đơn vị này đã liên hệ với Công ty Diệp Bạch Dương để hợp tác đầu tư và nâng cấp trụ sở.
Theo đó, bà Dương Thị Bạch Diệp đã đề xuất với ông Vy Nhật Tảo – Giám đốc Trung tâm Ca nhạc nhẹ – phương án sử dụng một bất động sản khác có giá trị tương đương để hoán đổi lấy mặt bằng tại số 185 Hai Bà Trưng.
Với phương án này, Công ty Diệp Bạch Dương sẽ hợp khối được các bất động sản mà công ty đang sở hữu tại số 179 bis, số 181 và số 183 Hai Bà Trưng với mặt bằng số 185 Hai Bà Trưng – tạo ra một thửa đất có diện tích lớn – nhằm thực hiện dự án xây dựng tổ hợp khách sạn năm sao.
Ở chiều ngược lại, Công ty Diệp Bạch Dương sẽ hỗ trợ xây dựng mới trung tâm tại một địa điểm khác phù hợp, với quy mô lớn và hiện đại hơn.
Thấy phương án hoán đổi của bà Diệp có nhiều ưu điểm và tính khả thi cao hơn so với phương án cải tạo, xây dựng tại chỗ của các đối tác khác nên ông Vy Nhật Tảo ủng hộ. Từ đó, bà Diệp đã mua nhà đất tại số 57 Cao Thắng, quận 3, TPHCM để hoán đổi với nhà đất tại số 185 Hai Bà Trưng. Công ty Diệp Bạch Dương sẽ hỗ trợ Trung tâm ca nhạc nhẹ 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, phương án hoán đổi đất đai này không được lãnh đạo TPHCM chấp thuận do pháp luật không có quy định này.
Sau diễn biến này, bà Diệp tiếp tục vận động, thuyết phục các đơn vị, cá nhân có thẩm quyền để thực hiện việc hoán đổi và đã gửi “Đơn xin hoán đổi tài sản” đến ông Nguyễn Thành Tài đề nghị hoán đổi hai tài sản trên kèm theo để xuất kinh phí sửa chữa, tu bổ theo yêu cầu hoạt động của trung tâm là 20 tỉ đồng.
Tiếp đó, ông Vy Nhật Tảo đã mời ông Nguyễn Thành Rum – lúc đó là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TPHCM - tham quan địa điểm 57 Cao Thắng và trình bày cho ông Rum thấy lợi ích cho Trung tâm ca nhạc nhẹ. Ông Rum đã tổ chức họp Ban giám đốc Sở để thống nhất chủ trương hoán đổi.
Nhưng theo cơ quan điều tra, tài sản nhà đất số 57 Cao Thắng đã được bà Diệp sử dụng để thế chấp tại Agribank Chi nhánh TPHCM nhằm vay vốn. Ngoài ra, khi được cấp Giấy chứng nhận với nhà đất số 185 Hai Bà Trưng, bà Diệp không đưa tài sản này vào Agribank Chi nhánh TPHCM để rút giấy chứng nhận với nhà đất số 57 Cao Thắng ra để bàn giao, sang tên cho Trung tâm ca nhạc nhẹ như cam kết.
Thay vào đó, bà này tiếp tục dùng nhà đất 185 Hai Bà Trưng để thế chấp vay 160 tỉ đồng tại Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) - sau này đổi tên thành Sacombank – nhưng đến nay Công ty Diệp Bạch Dương không có khả năng trả nợ.
Hàng ngàn tỉ đồng nợ xấu nhóm 5 tại Agribank chi nhánh TPHCM
Ngoài việc nhận lô đất tại 57 Cao Thắng làm tài sản thế chấp để cho Công ty Diệp Bạch Dương vay vốn, quan hệ tín dụng giữa Agribank chi nhánh TPHCM và doanh nghiệp này còn ghi nhận năm hợp đồng tín dụng khác tính từ năm 2007. Trong đó, chỉ có hai hợp đồng được tất toán, ba hợp đồng còn lại vẫn tồn tại dư nợ với tổng số tiền giải ngân lên tới 67.000 lượng vàng.
Số tài sản này được dùng để thanh toán tiền mua các căn nhà số 24A, 26, 28 (tầng 1 và 2), 30, 32 Lê Văn Hưu, phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM; nhà 179 bis, 183 Hai Bà Trưng, phường 6, quận 3, TPHCM; nhà 45 Lý Tự Trọng và khu đất 151/6, 151/12, 151/20 tại Gò Ô Môi, quận 7, TPHCM.
Tuy nhiên, những khoản vay này đều dựa trên phương án vay vốn không khả thi, không có khả năng tài chính để trả nợ - có dấu hiệu vi phạm Khoản 3; Khoản 4 Điều 7 về Điều kiện vay vốn và Khoản 2 Điều 15 về Thẩm định và quyết định cho vay được quy định tại Quy chế cho vay ban hành theo Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31-12-2001 của Thống đốc ngân hàng Nhà nước Việt Nam - theo cơ quan điều tra.
Cơ quan điều tra cũng cho rằng, Công ty Diệp Bạch Dương đã có hành vi gian dối khi lập báo cáo tài chính và cung cấp thông tin không trung thực về năng lực kinh doanh năng lực kinh doanh. Ngoài ra, sau khi được vay vốn, Công ty Diệp Bạch Dương đã dùng tiền này để mua nợ của ngân hàng Seabank.
Hoàng Thắng