Bàn tay tài hoa của những người thợ làm gọng kính độc đáo

Bằng những vật liệu thuần Việt như gỗ, sừng, tre và sơn mài, anh Trần Xuân Hiến đã tạo ra những chiếc kính mang tính nghệ thuật độc đáo. Mỗi chiếc kính không chỉ là sản phẩm, mà còn là câu chuyện về văn hóa, sự bền vững và tình yêu nghề của một người trẻ khởi nghiệp từ đôi bàn tay và khát vọng lớn.

Anh Trần Xuân Hiến là người sáng lập của một thương hiệu gọng kính thủ công Việt Nam. Những chiếc gọng kính được làm từ các vật liệu thân thuộc và thuần việt như gỗ, sừng, tre... Từ một xưởng sản xuất nhỏ, tới nay sản phẩm của anh ngày càng được nhiều người yêu thích và tìm đến.

Sinh ra tại làng nghề Phú Xuyên, Hà Nội, nơi nổi tiếng với nghề thủ công như da giày và mộc mỹ nghệ, anh Trần Xuân Hiến từ nhỏ đã nuôi dưỡng niềm đam mê với những vật liệu tự nhiên. Đây là nơi anh bắt đầu đặt những viên gạch đầu tiên cho tình yêu với nghề thủ công.

Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa, anh Hiến bất ngờ rẽ ngang sự nghiệp khi tham gia phỏng vấn thay cho một người bạn tại một thương hiệu kính Nhật Bản. Cuộc gặp gỡ định mệnh với ông Shigeru, một doanh nhân tận tâm, đã đưa anh vào thế giới của thiết kế và chế tác kính.

Trong thời gian làm việc tại TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, anh Hiến không chỉ làm đồ họa mà còn được ông Shigeru tận tình chỉ dạy về cách thiết kế, tạo bản vẽ và chế tác kính. Những năm tháng này đã để lại dấu ấn sâu sắc trong hành trình nghề nghiệp của anh.

Một biến cố xảy ra khi xưởng chế tác bị cháy, ông Shigeru phải trở về Nhật Bản, nhưng ký ức về những chiếc kính và người thầy tận tâm đã thôi thúc anh Hiến bắt đầu hành trình khởi nghiệp. Thương hiệu Shigeru ra đời để tri ân người đã dẫn dắt anh vào nghề.

Với số vốn ít ỏi chỉ 70-80 triệu đồng, anh Hiến bắt đầu thử nghiệm với vật liệu gỗ. Những chiếc kính đầu tiên mộc mạc, đơn sơ nhưng chứa đựng tâm huyết và sáng tạo. Tuy nhiên, việc bán hàng chậm khiến anh không ít lần nản lòng.

Sau một năm sản xuất thử nghiệm, anh Hiến quyết định tạm ngừng để quay lại công việc đồ họa. Ban ngày làm văn phòng, ban đêm anh mày mò chế tác, thử nghiệm các vật liệu khác như sừng trâu nước và tre. Đến năm 2017, thương hiệu Shigeru chính thức ra mắt trên Facebook.

Mỗi chiếc kính được chế tác qua nhiều công đoạn thủ công: từ lên ý tưởng, chọn vật liệu, tạo bản vẽ, đến chế tác tỉ mỉ từng chi tiết. Những đôi bàn tay khéo léo của anh Trần Xuân Hiến và các bạn trẻ đang miệt mài thổi hồn vào từng gọng kính thủ công.

Anh Hiến ưu tiên sử dụng các vật liệu thuần Việt như gỗ, tre, và sừng trâu nước. Những vật liệu này không chỉ thân thiện với môi trường mà còn mang vẻ đẹp độc đáo với các vân màu tự nhiên không thể sao chép.

Những vật liệu như sơn mài và khảm trứng cũng được anh thử nghiệm, đòi hỏi thời gian chế tác từ 2-3 tháng. Mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật, kết tinh của sự tỉ mỉ và sáng tạo.

Điểm khác biệt lớn của Shigeru là dịch vụ "may đo" kính. Khách hàng sẽ được lấy số đo khuôn mặt để tạo ra những chiếc kính phù hợp hoàn hảo, mang dấu ấn riêng.

Năm 2022, bộ gọng kính “Khắc Nhập” làm từ tre và sừng đã giúp anh Hiến giành giải Nhì tại Tuần lễ Thiết kế Việt Nam. Lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian “Cây tre trăm đốt,” thiết kế này vừa sáng tạo vừa mang âm hưởng văn hóa Việt.

Anh Hiến không chạy theo số lượng mà chú trọng đến chất lượng và sự thân thiện với môi trường. Những vật liệu tự nhiên không chỉ đẹp mà còn dễ tái chế, góp phần giảm thiểu gánh nặng lên hệ sinh thái.

Do quy trình hoàn toàn thủ công, hàng tháng anh chỉ sản xuất được 35-40 chiếc kính. Sản phẩm được chia thành dòng phổ thông và Signature, trong đó dòng Signature nổi bật với những thiết kế độc bản.

Tinh thần tận tâm và tỉ mỉ trong từng chi tiết là bài học lớn nhất anh Hiến nhận được từ ông Shigeru. Đây cũng là triết lý anh áp dụng để tạo ra những sản phẩm có chất lượng vượt trội.

Anh Hiến khao khát xây dựng thương hiệu Shigeru trở thành biểu tượng gọng kính thủ công Việt Nam trên trường quốc tế, giới thiệu sự sáng tạo và tay nghề thủ công đến bạn bè năm châu.

Lê Minh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/ban-tay-tai-hoa-cua-nhung-nguoi-tho-lam-gong-kinh-doc-dao-159294.html