Bàn thảo, hoạch định đường hướng mới cho phát triển
Bước vào ngày làm việc thứ 2 của Kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XVIII, các đại biểu đã thảo luận, đánh giá sát, đúng, khách quan và toàn diện thành quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đồng thời tập trung bàn thảo, hoạch định những đường hướng mới cho năm 2024 gắn với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX.
Những thành quả ấn tượng
Đúng như tinh thần được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng gợi mở tại kỳ họp, trên cơ sở báo cáo do UBND tỉnh chuẩn bị và dựa trên thực tiễn sinh động, phong phú của ngành, lĩnh vực và địa phương mình, các đại biểu HĐND tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đi sâu phân tích, làm rõ những điểm sáng ấn tượng, điểm mới và nổi bật trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và những kết quả nổi bật đạt được trong năm 2023. Với tinh thần không “tô hồng” thành tựu nhưng cũng không “bôi đen” hạn chế, khuyết điểm theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, sâu sắc, chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm theo từng lĩnh vực.
Mở đầu phiên thảo luận tại hội trường, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Năm 2023, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, Thanh Hóa đã đạt được kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Rõ nét nhất là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) cán mốc 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Các lĩnh vực kinh tế đều khởi sắc, nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng đều tăng khá so với cùng kỳ; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 40.310 tỷ đồng, vượt 14,1% dự toán và đứng thứ 8 trong các tỉnh, thành phố có tổng số thu ngân sách Nhà nước cao nhất cả nước.
Với tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng 10,73%, ngành công nghiệp được các đại biểu ví như “chìa khóa” để mở ra cánh cửa của sự thịnh vượng, bởi công nghiệp không chỉ tạo ra giá trị gia tăng cao, mà còn tác động đến chất lượng tăng trưởng kinh tế. Là tỉnh có thế mạnh về nông nghiệp, việc Thanh Hóa xác định “lấy nông dân là trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng” để thúc đẩy kinh tế phát triển là phù hợp và đúng hướng.
Theo đại biểu Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, "từ sự định hướng rõ ràng mà năm 2023 sản xuất nông, lâm, thủy sản đã có bước phát triển nhanh và khá toàn diện, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt cao 4,16%. Đây là năm mà hầu hết các loại cây trồng đều được mùa, được giá”.
Đặc biệt, với nguồn tài nguyên tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú, cùng nguồn tài nguyên văn hóa giàu giá trị và đậm đà bản sắc, Thanh Hóa đã sớm xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn để dành nguồn lực đầu tư phát triển.
Đại biểu Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phấn khởi khi năm 2023 du lịch Thanh Hóa đón được 12,35 triệu lượt khách, tăng 11,9% so với cùng kỳ, tổng thu du lịch tăng 20,9%. Vị thế của du lịch Thanh Hóa được nâng cao trên thang bậc phát triển toàn ngành du lịch Việt Nam.
Phát triển bền vững cần sự cân đối, hài hòa giữa kinh tế và văn hóa. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất, thì văn hóa chính là nền tảng tinh thần cho mọi sự phát triển. Kinh tế tăng trưởng sẽ tạo tiền đề vững chắc để các lĩnh vực văn hóa - xã hội tiếp tục chuyển biến tiến bộ. Vì thế, các đại biểu cũng đã đi sâu đánh giá những dấu ấn nổi bật trong lĩnh này với 2 điểm sáng ấn tượng là giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao tiếp tục nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống Nhân dân được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn khoảng 3,59%. Cùng với đó, nhiều sự kiện lớn về văn hóa - xã hội được tổ chức có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo hiệu ứng tốt trong xã hội, để lại dư âm tốt đẹp về đất và người xứ Thanh.
Với kinh nghiệm, tri thức và bản lĩnh được tích lũy, rèn luyện qua nửa nhiệm kỳ HĐND tỉnh khóa XVIII, các đại biểu HĐND tỉnh đã đánh giá khách quan, toàn diện kết quả hoạt động đối ngoại và xúc tiến đầu tư; tiến độ triển khai thực hiện các dự án lớn, các dự án trọng điểm gắn với vấn đề giải ngân vốn đầu tư công; tiến độ lập, trình các quy hoạch; công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tài nguyên khoáng sản; công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
Bày tỏ sự phấn khởi trước những kết quả khá ấn tượng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với nhiều chỉ tiêu quan trọng đạt và vượt so với kế hoạch; so với cùng kỳ, một số chỉ tiêu đứng tốp đầu của cả nước, các đại biểu cho rằng đó là thành quả của sự thống nhất trong ý chí và hành động, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; sự vào cuộc đồng bộ, kịp thời của cả hệ thống chính trị và đặc biệt là tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân. Thành quả ấy sẽ tạo nền tảng vững chắc để Thanh Hóa bước vào thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ của năm mới 2024.
Đánh giá “đúng, trúng” những tồn tại, hạn chế
Vui mừng, phấn khởi trước những kết quả đã đạt được trên các lĩnh vực, song với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật”, xem xét các vấn đề một cách khách quan, đa chiều, nhiều đại biểu HĐND tỉnh đã nói thẳng, nói thật, nói đúng, nói trúng vào những khâu yếu, những mặt còn tồn tại trong năm qua.
Bên cạnh nhiều kết quả khá tích cực, đại biểu Cao Văn Cường đã chỉ rõ những hạn chế của ngành nông nghiệp đó là chưa có sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh, sản lượng lớn, có thương hiệu để quảng bá giới thiệu và cạnh tranh trên thị trường. Tỷ trọng bảo quản, chế biến nông sản còn thấp; sản phẩm chế biến đơn điệu, tính cạnh tranh chưa cao; liên kết trong sản xuất, cung ứng tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị chưa nhiều...
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh, đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã chỉ ra tình trạng ngân hàng, các tổ chức tín dụng thì “thừa tiền” nhưng doanh nghiệp lại “đói vốn” khiến cho sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ. Hiện nay, bảng giá vật liệu xây dựng do UBND tỉnh ban hành rất thấp, không sát với thực tế, khiến cho doanh nghiệp càng làm càng lỗ. Việc cấp phép khai thác khoáng sản cho các mỏ vật liệu xây dựng với trữ lượng quá thấp so với thực tế, không đủ khối lượng để đáp ứng nhu cầu cần thiết trong việc triển khai thực hiện các dự án xây dựng là nguyên nhân dẫn đến thiếu hụt vật liệu xây dựng phục vụ cho dự án, buộc doanh nghiệp phải mua “chui” với giá cao, dạng không hóa đơn. Điều này vô tình đẩy doanh nghiệp vào vòng lao lý và ngành chức năng cũng rất khó quản lý, gây lãng phí và thất thoát cho ngân sách Nhà nước.
Trước nghị trường và trước đông đảo cử tri, Nhân dân trong tỉnh, một số đại biểu HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, có mặt yếu kém cần sớm tập trung khắc phục. Đáng chú ý là một số chỉ tiêu vốn là nền tảng căn bản để thúc đẩy sự phát triển của tỉnh như cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP, tổng giá trị xuất khẩu, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, tổng huy động vốn đầu tư phát triển... vẫn chưa đạt kế hoạch. Một số sản phẩm công nghiệp truyền thống có khả năng cạnh tranh thấp; sản phẩm du lịch chưa thực sự đa dạng, hấp dẫn, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao. Tiến độ thực hiện nhiều dự án lớn, trọng điểm chưa đảm bảo theo yêu cầu; tiến độ đầu tư nhiều dự án hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp còn chậm và thiếu đồng bộ. Công tác chuẩn bị đầu tư một số dự án chưa đáp ứng được yêu cầu cả về tiến độ và chất lượng. Số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động khá lớn.
Kỳ họp ghi nhận sự khách quan, công tâm của nhiều đại biểu khi thẳng thắn nêu lên nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế. Ngoài những yếu tố bất lợi từ bên ngoài thì những bất cập nội tại bên trong vẫn chưa được khắc phục. Đó là công tác phân tích, dự báo, nắm bắt tình hình ở một số lĩnh vực chưa sát thực tế; sự phối hợp giữa một số đơn vị trong giải quyết công việc chưa chặt chẽ, có tình trạng đùn đẩy trách nhiệm; năng lực của nhiều chủ đầu tư, nhà thầu thi công, đơn vị tư vấn còn hạn chế, trách nhiệm chưa cao, nhất là trong công tác chuẩn bị đầu tư và giải ngân vốn đầu tư công. Kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ của một số đơn vị chưa nghiêm.
Quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ năm 2024
Tại kỳ họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Đỗ Trọng Hưng nhấn mạnh: “Năm 2024 là năm có vai trò đặc biệt quan trọng, năm “tăng tốc” để “về đích” nhiều chỉ tiêu quan trọng của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025) và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX”. Để Thanh Hóa tiếp tục có bước chuyển mình mạnh mẽ, đồng thời thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2024, với tinh thần cầu thị, có tính xây dựng cao, tại phiên thảo luận các đại biểu HĐND tỉnh đã đề xuất nhiều nhóm giải pháp lớn để tỉnh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Để tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2024 đạt 11% trở lên như mục tiêu đề ra, đại biểu Lê Minh Nghĩa, Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư và đại biểu Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Huyện ủy Như Thanh đồng quan điểm, cho rằng: Tỉnh cần đẩy mạnh và triển khai quyết liệt công tác thu hồi các dự án chậm tiến độ; xử lý nghiêm các nhà đầu tư đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng không đầu tư hoặc đầu tư chậm, đầu tư cầm chừng. Cùng với việc triển khai đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án cần rà soát lại quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng bảo đảm đồng bộ, hiệu quả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quản lý cũng như thu hút đầu tư vào tỉnh.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong nước, trong tỉnh còn nhiều khó khăn sẽ ảnh hưởng đến thu ngân sách Nhà nước ở các địa phương, để hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2024, đại biểu Ngô Đình Hùng, Cục trưởng Cục thuế Thanh Hóa khẳng định, ngành Thuế sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu cho UBND tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ sản xuất kinh doanh, từ đó bồi dưỡng, phát triển nguồn thu. Đồng thời đề xuất tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy mạnh mẽ “3 động lực” tăng trưởng đó là “đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu”; triển khai các giải pháp phục hồi và phát triển thị trường bất động sản; đẩy mạnh xúc tiến thương mại nhằm thu hút đầu tư và đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư lớn, có khả năng tạo bước tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách trên địa bàn tỉnh.
Ý thức được trách nhiệm và sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp, đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đại biểu Cao Tiến Đoan, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đề nghị, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Để làm được điều này, tỉnh cần quan tâm, tạo cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong thực thi công vụ. Đối với nguồn vốn tín dụng hỗ trợ cho doanh nghiệp, tỉnh cần chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, đồng thời nêu rõ số lượng doanh nghiệp đã, đang được thụ hưởng các các gói hỗ trợ của Chính phủ, có như vậy mới sát với thực tế.
Tại nghị trường, nhiều đại biểu cho rằng, mục tiêu đặt ra cho năm 2024 là khá lớn. Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, các quyết sách đúng đắn của HĐND tỉnh, sự điều hành quyết liệt của UBND tỉnh, đặc biệt là tinh thần đoàn kết “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu HĐND tỉnh tin tưởng và kỳ vọng Thanh Hóa sẽ có bước phát triển mới, với nhiều thành tựu mới trong năm 2024, tạo đà để hoàn thành toàn diện tất cả các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, tâm huyết và trách nhiệm, các đại biểu HĐND tỉnh đã mang đến kỳ họp một lượng thông tin phong phú, đa dạng, mang đậm tính thực tiễn được ghi nhận từ chính quá trình vận hành, chuyển động, phát triển của ngành mình, địa phương mình. Kết thúc phần thảo luận tại hội trường, đồng chí Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao ý kiến của các đại biểu. Trong 17 ý kiến thảo luận, có nhiều ý kiến chất lượng, tâm huyết, làm nổi bật những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với Thanh Hóa, đáp ứng lòng mong đợi của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.