Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số tờ trình, dự thảo nghị quyết
Sáng 28/10, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì hội nghị BTV Tỉnh ủy cho ý kiến vào một số tờ trình, dự thảo nghị quyết về: Tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng; chuyển đổi số (CĐS) của tỉnh; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chính quyền; nâng cao hiệu quả giám sát chuyên đề của HĐND, MTTQ và các tổ chức CT-XH trên địa bàn. Tham dự có lãnh đạo các Ban Xây dựng Đảng T.Ư; các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo một số sở, ban, ngành tỉnh.
Nghe và cho ý kiến vào tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, dự thảo nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước, hội nghị thống nhất đánh giá: Thực hiện tái cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kinh tế tỉnh đã đạt được những thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (2016 - 2020) đạt 6,31%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, mô hình tăng trưởng giảm dần phụ thuộc vào tài nguyên. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Mô hình tăng trưởng kinh tế chủ yếu theo chiều rộng; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững; phân bổ nguồn lực đầu tư còn dàn trải; nguồn thu ngân sách Nhà nước thiếu bền vững. Vì vậy, việc xây dựng nghị quyết của BTV Tỉnh ủy là rất quan trọng đối với tỉnh, cần phải được nghiên cứu, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng.
Đối với tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, dự thảo nghị quyết của BTV Tỉnh ủy về CĐS tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, các đại biểu cho rằng, CĐS là yêu cầu tất yếu khách quan, là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, là 1 trong 15 nhiệm vụ trọng điểm tại Chương trình hành động số 06-CTr/TU, ngày 31/8/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Dự thảo cần phân tích rõ hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội và đối tượng hưởng lợi; bổ sung căn cứ tính toán xây dựng kinh phí dự kiến thực hiện các nhiệm vụ đối với danh mục chương trình, dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp.
Các đại biểu cũng nghe và cho ý kiến vào tờ trình của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Báo cáo và Kết luận của BTV Tỉnh ủy sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 43-CT/TU, ngày 17/8/2018 của BTV Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chính quyền trên địa bàn tỉnh; tờ trình của Ban Dân vận Tỉnh ủy, Báo cáo và Kết luận của BTV Tỉnh ủy sơ kết 3 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TU, ngày 14/9/2018 của BTV Tỉnh ủy về nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND, UB MTTQ và tổ chức CT-XH các cấp trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cơ quan soạn thảo nghiêm túc tiếp thu ý kiến của đại biểu tại hội nghị để hoàn thiện các tờ trình, dự thảo nghị quyết, báo cáo sát thực tế, phù hợp điều kiện của tỉnh, bảo đảm tính khả thi để tổ chức ban hành, thực hiện. Đối với dự thảo nghị quyết về tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phấn đấu sớm đưa kinh tế tỉnh đạt mức trung bình của cả nước, cần bổ sung từng lĩnh vực cụ thể; rà soát lại theo hướng phát huy thế mạnh, phù hợp với điều kiện; khai thác lợi thế phát triển nông nghiệp, dịch vụ, xác định phát triển du lịch là mũi nhọn, đặc biệt phát huy văn hóa đậm đà bản sắc các dân tộc Hòa Bình; phát triển công nghiệp sạch gắn với phát triển đô thị; đặc biệt quan tâm tới cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, quản lý và khai thác tốt nguồn thu ngân sách Nhà nước; quan tâm phát triển giáo dục, y tế. Đối với dự thảo về CĐS cần tập trung nâng cao nhận thức về CĐS, thực hiện số hóa bản đồ quản lý, sử dụng đất để thu hút, khai thác tốt các nguồn lực phát triển KT-XH. Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận chính quyền, cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ, hướng tới mục tiêu cung cấp dịch vụ tốt nhất cho người dân. Đối với nội dung nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của HĐND tỉnh, UBMTTQ và các tổ chức CT-XH trên địa bàn, cần có sự phối hợp chặt chẽ, tập trung lựa chọn nội dung, lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh sai phạm, được dư luận quan tâm để thực hiện giám sát, có kết luận cụ thể, gắn với đánh giá nhiệm vụ tổ chức, cá nhân hàng tháng, hàng năm.