Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa duyệt nội dung Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Thanh
Chiều 8-7, đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy chủ trì hội nghị duyệt các nội dung Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Như Thanh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025.
Toàn cảnh hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy: Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Võ Duy Sang, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy; Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh; tập thể Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh.
Các đại biểu tham dự hội nghị.
Dự thảo báo cáo chính của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Như Thanh khóa XXII trình Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXIII dài 37 trang, gồm 2 phần: Phần thứ nhất, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết đại hội đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015- 2020, với những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; phân tích những hạn chế, khuyết điểm; nguyên nhân những hạn chế, khuyết điểm, đồng thời rút ra 5 bài học kinh nghiệm.
Đại diện lãnh đạo huyện Như Thanh báo cáo tại hội nghị.
Phần thứ 2 là phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu nhiệm kỳ 2020- 2025. Dự thảo báo cáo chính trị nêu bật chủ đề: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân; tranh thủ thời cơ, vận hội để phát triển nhanh, bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu đến năm 2025 trở thành huyện nông thôn mới”. Phương châm hành động của đại hội là “Đoàn kết - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển”. Dự thảo báo cáo chính trị đề ra 29 chỉ tiêu chủ yếu và 2 chương trình trọng tâm, 3 khâu đột phá; các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Toàn cảnh hội nghị.
Tại hội nghị, các ý kiến thảo luận đánh giá cao những kết quả mà Đảng bộ huyện Như Thanh đạt được trong nhiệm kỳ 2015- 2020. Tuy nhiên, những kết quả này chưa được phản ánh đầy đủ, rõ nét trong Dự thảo báo cáo chính trị. Trong phần đánh giá tồn tại, hạn chế cũng chưa toàn diện; dự báo tình hình chưa cụ thể và chưa sát. Với các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giai đoạn 2020- 2025, một số ý kiến cho rằng cần nghiên cứu về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất; tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh; tổng huy động vốn đầu tư phát triển; tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…
Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phạm Thanh Sơn phát biểu tại hội nghị.
Về giải pháp giai đoạn 2020- 2025, các ý kiến đề nghị báo cáo cần nhấn mạnh giải pháp về phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, xây dựng nông thôn mới; tạo cơ chế, môi trường tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp; việc huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển và xây dựng kết cấu hạ tầng; lồng ghép các chương trình, dự án; tập trung nguồn lực phát triển du lịch gắn với nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ…
Đồng chí Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Võ Duy Sang phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn đánh giá cao công tác chuẩn bị Đại hội của huyện Như Thanh; nhất là việc lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công đại hội đại biểu đảng bộ cấp cơ sở; công tác chuẩn bị báo cáo chính trị, nhân sự đại hội; công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025.
Đồng chí Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Thị Thanh Thủy phát biểu tại hội nghị.
Cho ý kiến cụ thể vào từng phần, từng nội dung trong Dự thảo Báo cáo chính trị, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy đề nghị chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết các dân tộc; tranh thủ thời cơ, vận hội đẩy mạnh thu hút đầu tư và các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, nâng cao đời sống Nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; phấn đấu trở thành huyện nông thôn mới trước năm 2025”.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn phát biểu kết luận hội nghị.
Về bố cục, cần tiếp tục rà soát lại các nội dung phần đánh giá tổng kết sao cho ngắn gọn, bổ sung chi tiết các giải pháp, phương hướng nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới. Báo cáo chính trị phải thể hiện sự kết tinh trí tuệ trong toàn Đảng bộ. Trong phần đánh kết quả, cần tập trung vào những vấn đề nổi bật; các chương trình trọng tâm cần đánh giá sâu hơn; những bài học kinh nghiệm phải mang tính đặc thù riêng của huyện và sát với thực tế. Việc xác định các chỉ tiêu cần sát với thực tế, bảo đảm tính khả thi và tính chiến đấu cao, ít nhất phải bằng hoặc cao hơn so với chỉ tiêu mà tỉnh gợi ý.
Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng cho ý kiến điều chỉnh, bổ sung vào các chương trình trọng tâm, các khâu đột phá, nhiệm vụ, giải pháp được nêu trong Dự thảo báo cáo chính trị của huyện; cho ý kiến vào dự thảo báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành, chương trình tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần XXIII, nhiệm kỳ 2020- 2025. Đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Minh Tuấn đề nghị Ban Thường vụ Huyện ủy Như Thanh tiếp thu các ý kiến đóng góp, bổ sung, hoàn chỉnh các báo cáo, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện liên quan để đại hội diễn ra thành công tốt đẹp.