Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy cho ý kiến về một số nội dung phát triển kinh tế - xã hội

Chiều ngày 8/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương các nội dung về phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tỉnh nhiệm kỳ 2022- 2027.

Chiều ngày 8/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị cho ý kiến, chủ trương các nội dung về phát triển kinh tế- xã hội (KT-XH) và công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản (TNCS) Hồ Chí Minh tỉnh nhiệm kỳ 2022- 2027.

Các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: Khương Doanh

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có các đồng chí: Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh; lãnh đạo huyện Thanh Liêm và Thường trực Tỉnh đoàn.

Tại hội nghị, Thường trực Tỉnh ủy đã nghe báo cáo về Quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được điều chỉnh định hướng phát triển mới là xây dựng huyện đạt tiêu chí thị xã, đô thị loại IV trước năm 2030. Theo đó, dân số dự báo và tỉ lệ đô thị các giai đoạn trong quy hoạch vùng huyện Thanh Liêm điều chỉnh năm 2022 đều tăng so với quy hoạch cũ đã phê duyệt nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của huyện Thanh Liêm nói riêng, của tỉnh Hà Nam nói chung. Các định hướng về cơ cấu kinh tế trong quy hoạch điều chỉnh và quy hoạch đã phê duyệt có sự tương đồng, từng bước giảm sự ảnh hưởng của kinh tế nông nghiệp, xu hướng phát triển mạnh về công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận hội nghị.

Quy hoạch phát triển vùng huyện Thanh Liêm đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định mô hình phát triển “2 cánh- 5 trục- 3 trung tâm” gồm: 2 cánh phía Đông phát triển tổng hợp và phía Tây phát triển công nghiệp, khai thác vật liệu xây dựng; các trục hành lang kinh tế gồm: cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, quốc lộ 1A, đường tỉnh 495B, đường vành đai kinh tế T1 và T4; 3 trung tâm nằm tại thị trấn Tân Thanh, thị trấn Kiện Khê và phố Cà. Đối với định hướng phát triển công nghiệp, toàn huyện sẽ có quy mô khoảng 805ha dành cho khu, cụm công nghiệp, dự trữ quỹ đất khoảng 760ha để mở rộng KCN Thanh Liêm và CCN Liêm Túc khi có chủ trương.

Riêng về nông nghiệp, trong quy hoạch điều chỉnh vẫn xác định phát triển nông nghiệp là mũi nhọn có trọng tâm, trọng điểm, theo hướng nông nghiệp tập trung ứng dụng công nghệ cao với vùng Tây sông Đáy phát triển nuôi trồng thủy sản tập trung và phát triển chăn nuôi theo mô hình bán tập trung hộ gia đình; vùng phía Đông sông Đáy và phía Tây quốc lộ 1A duy trì sản xuất nông nghiệp trên phần diện tích đất nông nghiệp hiện có. Trong quy hoạch điều chỉnh có nhấn mạnh Thanh Liêm nằm trong 2 khu vực phát triển du lịch của tỉnh nên sẽ tập trung thực hiện chức năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và thể dục thể thao cao cấp.

Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Quy hoạch cũng định hướng phân bố hệ thống các công trình cơ quan, trụ sở; các khu vực đất quốc phòng- an ninh; các nội dung điều chỉnh về quy hoạch giao thông, quy hoạch hệ thống giao thông, bảo vệ môi trường cùng nhiều các định hướng chuẩn bị kỹ thuật cho triển khai thực hiện xây dựng quy hoạch tổng thể.

Phát biểu tại hội nghị, các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy đã cho ý kiến: Phát triển huyện Thanh Liêm theo hướng đô thị dịch vụ, công nghiệp, thương mại, giảm phát triển nông nghiệp. Quy hoạch huyện Thanh Liêm theo phân khu phía Tây và phân khu phía Đông. Vùng Tây sông Đáy phát triển công nghiệp đa ngành, phát triển thương mại, dịch vụ du lịch. Vùng phía Đông phát triển công nghiệp, dịch vụ thương mại, du lịch gắn với nghỉ dưỡng. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển công nghiệp thu hút các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao; nước sạch quy hoạch lấy nước sông Hồng phục vụ dân sinh; mạng lưới điện đi theo dọc đường lớn và dọc kênh mương. Không khuyến khích khai thác tài nguyên khoáng sản làm vật liệu thông thường. Trồng rừng để bảo vệ môi trường ở những khu vực đã khai thác khoáng sản. Khu vực Tây Đáy ở những vị trí đã khai thác tài nguyên khoáng sản không trồng được cây hình thành được các KCN, CCN để tiết kiệm đất; các KCN, dịch vụ sẽ bám theo đường 495B và hình thành các khu chức năng, khu nghỉ dưỡng.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Cũng trong chiều ngày 8/8, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến về các nội dung: Về việc không thực hiện nội dung dự án xã hội hóa trên địa bàn tỉnh; đề án chiến lược phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Hà Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050; cho ý kiến về biên bản hợp tác giữa tỉnh Hà Nam và tỉnh U Đôm Xay – Lào; chủ trương cho phép Trường Cao đẳng Nghề Hà Nam hợp tác, liên kết đào tạo với Trường Khoa học và Kỹ thuật Dongwon (Hàn Quốc); cho chủ trương tuyển dụng công chức hành chính năm 2022; công tác tiêm chủng trên địa bàn tỉnh Hà Nam.

Phát biểu kết luận về các nội dung trên, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lê Thị Thủy nhấn mạnh: Việc phát triển vật liệu xây dựng phải gắn với bảo vệ môi trường, tiết kiệm và nâng cao giá trị tài nguyên; việc thi tuyển công chức phải thực hiện nghiêm, theo đúng quy định; thực hiện tốt công tác phòng chống dịch Covid – 19, cán bộ, đảng viên từ tỉnh đến cơ sở phải gương mẫu tiêm phòng và vận động gia đình, nhân dân tiêm phòng vắc-xin Covid-19 để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, gia đình và cộng đồng…

Cũng tại hội nghị, Thường trực Tỉnh đoàn đã báo cáo về công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022- 2027. Đại hội cấp tỉnh dự kiến tổ chức trong các ngày 21 và 22/9/2022. Số lượng, đề án nhân sự bảo đảm cơ cấu, độ tuổi, trình độ theo quy định. Hiện nay, Tỉnh đoàn đang tập trung chỉ đạo các cấp bộ đoàn tăng cường thực hiện tốt công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội trên nhiều kênh thông tin, với nhiều hình thức.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tiêm vắc xin mũi tăng cường lần 2 (mũi 4) phòng Covid-19.

Các đồng chí Thường trực Tỉnh ủy tiêm vắc xin mũi tăng cường lần 2 (mũi 4) phòng Covid-19.

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tiêm vắc xin mũi 4 phòng Covid-19.

Lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh tiêm vắc xin mũi 4 phòng Covid-19.

Ngay sau hội nghị BTV Tỉnh ủy, các đồng chí: Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trương Quốc Huy, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; đại diện lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo một số ban, sở, ngành của tỉnh đã được các y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiêm vắc-xin mũi 4 phòng chống dịch Covid -19.

Trần Hữu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/chinh-tri/xay-dung-dang-chinh-quyen/ban-thuong-vu-tinh-uy-thuong-truc-tinh-uy-cho-y-kiena-ve-mot-so-noi-dung-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-71596.html