Bản tin 1/1: Loạt trường đại học mở rộng quy mô kỳ thi riêng
Loạt trường đại học mở rộng quy mô kỳ thi riêng; Nợ xấu ngân hàng sẽ 'hạ nhiệt' trong năm 2025?...
Loạt trường đại học mở rộng quy mô kỳ thi riêng
Ngoài kỳ thi tốt nghiệp THPT, hàng loạt trường tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh năm 2025 như: kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia Tp.HCM; kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM; kỳ thi V-SAT; kỳ thi riêng của trường đại học khối công an, quân đội...
Hầu hết trường đại học tổ chức kỳ thi riêng trong năm 2025 dự kiến mở rộng quy mô tuyển sinh và có nhiều thay đổi phù hợp với Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Từ năm 2025, kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM tiếp tục được thực hiện với các bài thi Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Ngữ văn và Tiếng Anh.
Dự kiến, quy mô của kỳ thi được mở rộng, không chỉ phục vụ cho công tác tuyển sinh của trường mà còn cho các trường đại học khác.
Theo Đại Đoàn Kết, năm 2025, kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ có 3 đợt tổ chức, tại 30 điểm thi. Ngoài 12 tỉnh, thành như năm 2024, trường mở thêm điểm thi ở tỉnh Lào Cai để thí sinh ở các tỉnh vùng Tây Bắc thuận tiện hơn.
Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Tp.HCM được tổ chức hai đợt thi, dự kiến vào ngày 30/3 và ngày 1/6, tại 25 tỉnh/thành phố. Kỳ thi lần này được dự kiến sẽ có hơn 100 trường đại học, cao đẳng sử dụng kết quả để xét tuyển, chủ yếu là bậc đại học.
Tương tự, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2025 của Đại học Quốc gia Hà Nội cũng dự kiến sẽ có gần 100 trường đại học, học viện sử dụng kết quả thi để xét tuyển.
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã có thông báo dự kiến tổ chức kỳ thi riêng và sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển đầu vào.
Ưu điểm của các kỳ thi riêng này là tạo thêm cơ hội cho thí sinh trúng tuyển; đồng thời, cũng giúp các trường chủ động hơn trong việc lựa chọn sinh viên phù hợp.
Nợ xấu ngân hàng sẽ "hạ nhiệt" trong năm 2025?
Năm 2024, nợ xấu tiếp tục là vấn đề nóng đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, phản ánh sức khỏe tài chính của nền kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và đối mặt với nhiều áp lực từ môi trường kinh tế thế giới.
Khi doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn trong việc trả nợ do lãi suất cao, sức ép từ thị trường bất động sản và sản xuất suy giảm, tỉ lệ nợ xấu có xu hướng gia tăng, đòi hỏi sự chủ động và linh hoạt trong cách ứng phó của các ngân hàng. Nợ xấu không chỉ là bài toán tài chính mà còn là phép thử lớn cho khả năng quản trị rủi ro và điều hành chiến lược của ngành ngân hàng.
Theo thống kê từ báo cáo tài chính của 29 ngân hàng đã công bố trong quý III/2024, số dư nợ xấu của 28/29 ngân hàng đã tăng so với thời điểm cuối năm 2023.
Chính thức thưởng đến 5 triệu đồng cho người báo tin vi phạm giao thông, ai cũng nên biết
Cụ thể, tại các Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Nghị định 176/2024/NĐ-CP đã quy định về nội dung chi và mức chi kinh phí thu từ xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông.
Trong đó, nổi bật là nội dung chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông. Khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Mức chi hỗ trợ cá nhân, tổ chức cung cấp thông tin phản ánh hành vi vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông của 1 vụ, việc không quá 10% số tiền xử phạt vi phạm hành chính, tối đa 5.000.000 đồng/01 vụ, việc.
Như vậy, bắt đầu từ ngày 1/1/2025, các cá nhân hay tổ chức khi cung cấp thông tin phản ánh về vi phạm giao thông có thể được thưởng đến 5 triệu đồng của 1 vụ, việc.
Trúc Chi (t/h)