Bản tin 1/8: Hai bố con tử vong do bị đá lăn trúng khi đang di chuyển trên đường
Hai bố con đi trên đường bị đá lăn trúng tử vong; Xuất hiện nhiều ca mắc uốn ván nặng, nguy kịch...
Hai bố con đi trên đường bị đá lăn trúng tử vong
Do ảnh hưởng bởi mưa lớn kéo dài, đất đá từ taluy dương bất ngờ lăn xuống đường, đè trúng hai bố con ông Giàng Seo D. Vụ việc khiến cả hai bố con tử vong tại chỗ.
Thông tin ban đầu trên báo Tiền Phong vào khoảng 16h40 ngày 30/7, ông Giàng Seo D. (sinh năm 1984, dân tộc Mông) và con ruột là Giàng Seo T. (sinh năm 2009, cùng trú tại thôn Chúng Chải, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần) di chuyển bằng xe máy trên đường đi làm về.
Khi đến khu vực thôn Chúng Chải, thị trấn Cốc Pài, cả hai bố con bất ngờ bị lượng đá lớn lăn từ taluy dương xuống đường, đè trúng người. Vụ việc khiến hai bố con ông Giàng Seo D tử vong tại chỗ.
Ngay khi sự việc xảy ra, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai của huyện Xín Mần kết hợp với thị trấn Cốc Pài đã có mặt tại hiện trường, tìm kiếm thi thể các nạn nhân, và tiến hành khắc phục hậu quả do đá lăn gây ra.
Được biết, từ ngày 29 đến 30/7, trên địa bàn huyện Xín Mần liên tục có mưa lớn kéo dài, nhiều khu vực đồi núi tiềm ẩn nguy cơ sạt lở đất.
Các trường công bố điểm chuẩn chậm nhất ngày 19/8
Bắt đầu từ ngày 31/7 đến 17h ngày 6/8, các thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học sẽ nộp lệ phí trực tuyến qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Chậm nhất đến 17h ngày 19/8, các trường phải hoàn thành việc công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1.
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 17h ngày 30/7 - thời điểm khóa cổng đăng ký xét tuyển trực tuyến, hệ thống hỗ trợ xét tuyển chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi nhận tổng số hơn 733.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học, tương đương 68,5% tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là tỷ lệ thí sinh đăng ký xét tuyển đại học cao nhất trong 3 năm gần đây.
Sau khi đóng hệ thống, thí sinh sẽ không thể vào để đăng ký hay điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển. Quá trình lọc ảo sẽ diễn ra từ ngày 13/8 đến 17 giờ ngày 17/8/2024.
Chậm nhất đến 17h ngày 19/8, các trường đại học, cao đẳng phải hoàn thành việc công bố điểm chuẩn và kết quả xét tuyển đợt 1.
Xuất hiện nhiều ca mắc uốn ván nặng, nguy kịch
Theo thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Khoa Cấp cứu của bệnh viện đang điều trị cho gần 10 trường hợp bệnh nhân mắc bệnh uốn ván nặng.
Đặc điểm chung của những bệnh nhân này là chưa tiêm phòng và đều bị các vết thương hở nhưng tự xử lý tại nhà không triệt để, dẫn đến nhiễm vi khuẩn uốn ván. Khi có biểu hiện nặng như cứng hàm, bệnh nhân mới nhập viện điều trị.
Cụ thể, có một số trường hợp nặng như: Bệnh nhân nam (66 tuổi, ở Hải Dương), nhập viện ngày 27/7 vừa qua. Cách đây 1 tháng trước, bệnh nhân bị gai đâm vào chân và tự xử lý tại nhà. Bệnh nhân không tiêm phòng uốn ván. Khi có biểu hiện cứng hàm, khó nuốt, bệnh nhân mới nhập viện điều trị . Sau đó tiến triển nặng lên với biểu hiện co cứng cơ toàn thân, suy hô hấp, phải đặt ống và thở máy.
Bệnh nhân nam (64 tuổi, ở Thái Bình), có bệnh nền tăng huyết áp và suy tim. Khoảng 7 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân bị vết thương ở cẳng tay phải do sinh hoạt. Sau 3 ngày, bệnh nhân bắt đầu cứng hàm, khó nuốt và tiến triển nặng. Khi nhập viện, bệnh nhân cũng trong tình trạng co cứng toàn thân, cũng phải đặt ống thở máy và bị tụt huyết áp.
Hay trường hợp bệnh nhân M.T.H (65 tuổi, ở Bắc Ninh), nhập viện ngày 27/6, có tiền sử đái tháo đường và tăng huyết áp. Khoảng 8 ngày trước khi nhập viện, bệnh nhân bị mảnh gỗ đâm vào ngón tay phải và tự xử lý bằng nước và băng keo cá nhân, dẫn đến vết thương mưng mủ. Bệnh nhân đi khám tại cơ sở y tế trong tình trạng khó há miệng, cứng hàm sau đó được giới thiệu lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vì nghi mắc uốn ván. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng uốn ván toàn thể rõ rệt, ngoài biểu hiện cứng hàm, bệnh nhân còn bị tăng trương lực cơ toàn thân mức độ nặng (co cứng cơ toàn thân), có khởi phát cơn co giật và chẹn ngực gây khó thở ( dấu hiệu của tổn thương cơ hô hấp). Lập tức bệnh nhân được khoa Cấp cứu đặt ống nội khí quản cấp cứu, sử dụng nhiều loại thuốc an thần giảm đau, giãn cơ để kiểm soát cơn co giật.
Đến nay, sau một tháng điều trị tích cực, bệnh nhân đã dần ổn định, dừng hoàn toàn các loại thuốc an thần, giãn cơ, chấm dứt tình trạng co cứng và co giật cơ. Chức năng thận của bệnh nhân cũng đã trở về bình thường, bệnh nhân đã có thể tự thở, kiểm soát được các vấn đề nhiễm trùng và rối loạn chức năng kèm theo.
Trao đổi với Tin Tức bác sĩ Nguyễn Đức Minh, Khoa Cấp Cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Người mắc bệnh uốn ván thường có biểu hiện ban đầu là cứng hàm và khó há miệng, sau đó lan xuống các cơ khiến bệnh nhân không thể đi lại được. Trong trường hợp nặng, bệnh có thể dẫn đến co giật cứng, nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến suy hô hấp và nhanh chóng tử vong do ngực bị chẹn cứng, gãy xương, đứt cơ”.
Theo đó, thời gian ủ bệnh uốn ván có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tháng. Vì vậy người dân cần chú ý đến việc tiêm phòng uốn ván, đặc biệt khi bị các vết thương hở. Việc tự xử lý vết thương tại nhà có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và nguy hiểm đến tính mạng. Trong trường hợp nghi ngờ mắc uốn ván, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Cũng theo Bác sĩ Nguyễn Đức Minh, đối với người mắc uốn ván, nếu điều trị thành công, người bệnh cần tiêm nhắc lại vaccine sau 1 tháng ra viện và nhắc lại sau mỗi năm hoặc 10 năm, hoặc tiêm ngay sau khi có vết thương hở nhiễm bẩn mới.
Bệnh uốn ván có 3 giai đoạn tiến triển của bệnh là: Giai đoạn cấp tính, giai đoạn phục hồi và dự phòng sau phục hồi để tránh bệnh tái phát. Mức độ nặng nhẹ khi tái phát sẽ phụ thuộc vào cơ địa của bệnh nhân và tính chất nhiễm bẩn của vết thương. Hầu như các bệnh nhân uốn ván đều gặp phải tình trạng yếu cơ do nằm lâu, dinh dưỡng kém, rối loạn hấp thu trong bệnh lý uốn ván và tình trạng teo co cứng các cơ. Những trường hợp này thời gian phục hồi cũng khá lâu. Chính vì vậy cần bổ sung dinh dưỡng tích cực bằng đường ăn, đường truyền và tập phục hồi...”
Trúc Chi (t/h)