Bản tin 11/5: Tỉ lệ chọi vào lớp 10 THPT chuyên của Hà Nội giảm mạnh
Tỉ lệ chọi vào lớp 10 THPT chuyên của Hà Nội giảm mạnh; Dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp, lo ngại thiên tai cực đoan...
Tỉ lệ chọi vào lớp 10 THPT chuyên của Hà Nội giảm mạnh
Thông tin trên VTC News theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm nay 11.191 thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 vào bốn trường THPT chuyên, giảm 92 thí sinh so với năm ngoái. Tuy nhiên năm nay, tổng chỉ tiêu hệ chuyên của các trường này là 2.240, tăng gần 500 suất vào chuyên cho các học sinh.
Trường THPT chuyên Nguyễn Huệ đông nhất với 4.335 thí sinh đăng ký, tiếp đến là THPT Chu Văn An 2.840 thí sinh, THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có 2.838 thí sinh, THPT Sơn Tây 1.182 thí sinh.
Sắp xếp theo tỉ lệ chọi từng lớp, chuyên tiếng Anh (THPT chuyên Nguyễn Huệ) cao nhất 1 chọi 19,51, tiếp đến lớp chuyên Anh (THPT Chu Văn An) 1 chọi 12,27. Do lượng thí sinh giảm, các trường đồng loạt tăng chỉ tiêu nên tỉ lệ chọi năm nay thấp hơn năm ngoái.
Phần lớn tỉ lệ chọi vào các lớp chuyên tại 4 trường dao động từ 1 chọi 3 đến 1 chọi 5. Chỉ có lớp chuyên tiếng Trung trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam có số thí sinh đăng ký thấp hơn chỉ tiêu tuyển sinh (27/35 học sinh).
Điểm xét tuyển vào lớp 10 chuyên là tổng 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thi chuyên nhân hệ số hai, tối đa 50 điểm.
Theo thống kê của Sở GD&ĐT, năm nay Hà Nội có khoảng 133.000 học sinh tốt nghiệp THCS, tăng hơn 5.000 so với năm ngoái. Tổng số 106.492 đăng ký nguyện vọng 1 vào các trường công lập trên địa bàn. Trong đó, trường THPT Yên Hòa (Cầu Giấy) có lượng đăng ký nguyện vọng 1 nhiều nhất với 2.079 thí sinh, đồng nghĩa tỉ lệ chọi vào trường này cũng cao nhất, tới 3,11. Trong khi năm ngoái, THPT Yên Hòa tỉ lệ chọi xếp thứ 9 toàn thành phố với 2,99.
Năm nay, kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội diễn ra ngày 8-9/6. Thí sinh thi Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ vào hai ngày 8/6 và 9/6. Ngày 10/6, thí sinh thi môn chuyên. Học sinh được đăng ký tối đa hai nguyện vọng chuyên, miễn không trùng lịch.
Sở GD&ĐT Hà Nội dự kiến công bố điểm thi chậm nhất vào ngày 2/7.
Dự báo sẽ có khoảng 11-13 cơn bão và áp thấp, lo ngại thiên tai cực đoan
Theo Người Lao Động sáng 10/5, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2024.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, từ đầu năm 2024 đến nay một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ ghi nhận rét đậm, rét hại liên tiếp. Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên hứng chịu hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhiều tháng; sạt lở, sụt lún đất và ngập lụt do triều cường xảy ra tại nhiều nơi, nghiêm trọng nhất là tại Cà Mau. Các loại hình thiên tai xảy ra từ đầu năm 2024 đến nay đã khiến 14 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 399 tỉ đồng.
Ông Hoàng Đức Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN-MT), cho biết nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) từ 0,5-1,5 độ C. Riêng trong tháng 4-2024 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nhiệt độ cao hơn từ 3,1-3,6 độ C.
110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28-4 đo được là 44 độ C - đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị. Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ cũng đã xuất hiện nắng nóng và nắng nóng gay gắt kéo dài trong tháng 4.
Dòng chảy trên các sông, hồ chứa khu vực Bắc Bộ phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 30-60%, thiếu hụt nhiều trên sông Thao và sông Lô từ 50-60%, dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ, Tây Nguyên phổ biến thiếu hụt so với TBNN từ 25-50%.
Xâm nhập mặn tại khu vực Nam Bộ trong mùa khô năm 2023-2024 đã đến sớm và gay gắt hơn TBNN và năm 2022-2023. Các đợt xâm nhập mặn trong thời gian vừa qua đã gây ra tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ.
Theo ông Cường, biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan, nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai khí tượng thủy văn phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc, mưa đá. Mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động khá giống với hình thái diễn biến ENSO năm 2020.
Khu vực Bắc Bộ, các tỉnh miền Trung, giai đoạn từ ngày 12 đến 31-5 có khả năng xuất hiện 2 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng, nhiệt độ cao nhất có nơi trên 42 độ C.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ 11 đến 16-5 có thể xuất hiện 1 đợt nắng nóng với nhiệt độ cao nhất 35-38 độ C. Giai đoạn nửa cuối tháng 5-2024 ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa chuyển mùa, nắng nóng sẽ giảm dần.
Từ tháng 6 đến hết năm 2024, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với TBNN trong tháng 7, tháng 8-2024, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt.
Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ. Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 5-8-2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận..
"Năm 2024 dự báo có khoảng 11 đến 13 cơn trên biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền nước ta, tập trung vào cuối mùa bão - từ tháng 9 đến 11-2024" - ông Hoàng Đức Cường cho hay.
Bộ Y tế: Đã tiêm vắc-xin AstraZeneca không cần xét nghiệm D-dime
Những ngày qua, thông tin AstraZeneca thừa nhận vắc-xin Covid-19 có thể gây cục máu đông nhận được sự quan tâm của người dân.
Ngày 10/5, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có thông tin chi tiết về tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca tại Việt Nam cũng như khuyến cáo từ Bộ Y tế.
Theo đó, tại Việt Nam, vắc-xin AstraZeneca đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng có điều kiện từ ngày 1/2/2021 để đáp ứng nhu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đây là loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên được Việt Nam nhập khẩu và triển khai tiêm chủng.
Quá trình tiêm chủng diễn ra theo quy trình nghiêm ngặt do Bộ Y tế xây dựng và liên tục cập nhật để đảm bảo an toàn, hiệu quả, bao gồm các hướng dẫn chi tiết về khám sàng lọc trước tiêm, tổ chức buổi tiêm và theo dõi phản ứng sau tiêm.
Các tiêu chuẩn chỉ định đối tượng tiêm và các mũi tiêm cũng được cập nhật liên tục theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.
Tính đến nay, Việt Nam đã triển khai tiêm hơn 266 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân từ 5 tuổi trở lên, trong đó có 70 triệu liều vắc-xin AstraZeneca đã được sử dụng cho các mũi tiêm đầu tiên và các mũi nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên.
Căn cứ trên các khuyến cáo của các tổ chức y tế trên thế giới về khả năng có biến chứng rối loạn đông máu sau tiêm vắc-xin Covid-19, ngày 22/4/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, cục máu đông sau tiêm vắc-xin Covid-19 (kèm Quyết định số 1966 ngày 22/4/2021).
Đến ngày 19/10/2023, theo Quyết định số 3896 của Bộ Y tế, Covid-19 đã được chuyển từ nhóm A sang nhóm B theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007. Sự thay đổi này phản ánh sự điều chỉnh của chính sách y tế công cộng phù hợp với diễn biến dịch bệnh hiện tại và các hoạt động phòng, chống dịch bệnh sẽ tiếp tục được thực hiện theo các quy định mới..
Nhờ chiến dịch tiêm chủng rộng rãi và đạt tỉ lệ cao, vắc-xin AstraZeneca cùng các loại vắc-xin Covid-19 khác đã giúp Việt Nam kiểm soát hiệu quả đại dịch, giảm thiểu đáng kể tỉ lệ mắc bệnh và tử vong do Covid-19, góp phần đưa cuộc sống trở lại bình thường.
Bộ Y tế khuyến cáo, vì huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu liên quan đến vắc-xin AstraZeneca là tác dụng phụ rất hiếm gặp và thường chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn sau tiêm.
Kể từ tháng 7 năm 2023, Việt Nam đã sử dụng hết loại vắc-xin này, nên hiện tại không còn rủi ro phát triển huyết khối kèm theo hội chứng giảm tiểu cầu sau khi tiêm vắc-xin AstraZeneca.
Do vậy, đối với những người đã tiêm vắc-xin này, không cần thực hiện xét nghiệm D-dimer hay bất kỳ xét nghiệm đông máu do không còn nguy cơ gây huyết khối và giảm tiểu cầu ở những người đã tiêm vắc-xin AstraZeneca từ gần một năm trước.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần liên tục cập nhật thông tin từ các nguồn đáng tin cậy và chính thức để có cái nhìn đầy đủ hơn về các biện pháp phòng, chống dịch và hiểu rõ lợi ích của việc tiêm chủng.
Bộ Y tế thông tin, vắc-xin AstraZeneca (AZD1222) là 1 trong 14 loại vắc-xin Covid-19 được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép sử dụng khẩn cấp (WHO vào ngày 15/2/2021, Cơ quan Dược phẩm Châu Âu - EMA cấp phép sử dụng có điều kiện trên toàn châu Âu từ ngày 29/01/2021).
Vắc-xin này hiện là một trong những vắc-xin được sử dụng phổ biến nhất trên thế giới, với hơn 170 quốc gia đã cấp phép sử dụng khẩn cấp và hơn 2 tỷ liều đã được tiêm chủng toàn cầu.
Vắc-xin AstraZeneca đã được chứng minh qua thực tiễn sử dụng rộng rãi là rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các triệu chứng nghiêm trọng và giảm tử vong do Covid-19. Phân tích dữ liệu từ nhiều nghiên cứu và theo dõi sau tiêm chủng chỉ ra rằng vắc-xin này an toàn và hiệu quả cho mọi nhóm tuổi.
Các thử nghiệm toàn cầu đã ghi nhận hiệu quả của vắc-xin chống lại SARS-CoV-2 có triệu chứng là 74% và không có trường hợp bệnh nặng hoặc nguy kịch nào được báo cáo trong số những người đã tiêm chủng.
WHO khuyến cáo, sử dụng vắc-xin AstraZeneca là an toàn và hiệu quả cho tất cả mọi người từ 18 tuổi trở lên. Tác dụng phụ hiếm gặp như huyết khối kèm Hội chứng giảm tiểu cầu số liệu từ Anh và Châu Âu cho thấy nguy cơ xuất hiện huyết khối kèm Hội chứng giảm tiểu cầu ước tính là 1 trên 100,000 người lớn được tiêm và xảy ra trong khoảng 3-21 ngày và có một số ít trường hợp xảy ra sau 42 ngày.
Một thống kê khác của GAVI cho thấy, tỉ lệ ghi nhận tại Anh là 4/1.000.000 người (tương đương 0.4/100.000 người).
Nghiên cứu thống kê cho thấy tỉ lệ huyết khối giảm tiểu cầu sau tiêm vắc-xin là thấp hơn nhiều so với tỉ lệ mắc phải hội chứng này sau khi nhiễm Covid-19.
Bên cạnh đó, cục máu đông có thể xuất phát từ việc mắc Covid-19, thậm chí xảy ra đến tận 6 tháng sau khi mắc Covid-19. Với tỉ lệ rất hiếm gặp của huyết khối kèm giảm tiểu cầu, WHO và EMA đều khẳng định lợi ích của việc tiêm chủng vắc-xin AstraZeneca trong việc bảo vệ chống lại Covid-19 vượt xa so với rủi ro.
Trúc Chi (t/h)