Bản tin 18/8: Hà Nội quan tâm hơn đến học sinh lớp 1 trong năm học tới
Hà Nội quan tâm hơn đến học sinh lớp 1 trong năm học tới; Xe khách giường nằm tông liên hoàn 9 nhà dân lúc nửa đêm...
Hà Nội quan tâm hơn đến học sinh lớp 1 trong năm học tới
Theo số liệu trên Kinh Tế Đô Thị, năm học 2022 – 2023 là năm thứ 3 ngành giáo dục thực hiện Chương trình GDPT 2018. Với cấp tiểu học, lớp 1, 2, 3 học chương trình mới, còn lớp 4, 5 học chương trình cũ.
Để thực hiện tốt Chương trình mới, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT các quận, huyện, thị xã, các cơ sở giáo dục tiểu học đã phối hợp tổ chức tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên sử dụng SGK mới, đảm bảo 100% giáo viên được tập huấn trước khi đứng lớp. Các cơ sở giáo dục đều ưu tiên chọn lựa, phân công giáo viên có trình độ, kinh nghiệm và trách nhiệm dạy lớp 1, 2, 3.
Kết thúc năm học 2022 - 2023, toàn TP có 99,36 học sinh lớp 1, 2, 3 hoàn thành chương trình; trong đó hoàn thành xuất sắc chiếm 39,52%, hoàn thành tốt chiếm 11,8%, hoàn thành chiếm 47,95%, chưa hoàn thành chiếm 0,64%.
Tỉ lệ hoàn thành chương trình của học sinh lớp 4, 5 đạt 99,87%, trong đó hoàn thành tốt chiếm 52,01%, hoàn thành chiếm 47,86%, chưa hoàn thành chiếm 0,13%. Có 99,95% học sinh lớp 5 hoàn thành chương trình tiểu học.
Theo Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD&ĐT) Đào Tân Lý, số học sinh chưa hoàn thành lớp 1 chiếm tỉ lệ cao hơn các lớp còn lại. Tuy đây là điều bình thường nhưng năm học tới, phòng sẽ chỉ đạo các đơn vị tích cực, quan tâm nhiều hơn với học sinh lớp 1 để các em tự tin hoàn thành nội dung chương trình học.
Tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023; triển khai nhiệm vụ năm học 2023- 2024 cấp tiểu học diễn ra sáng 17/8, Sở GD&ĐT Hà Nội ghi nhận: Năm học qua, toàn cấp học đã tiếp tục tổ chức và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết, các cuộc vận động, phong trào thi đua của các cấp, các ngành. Quá trình thực hiện nhiệm vụ có nhiều biện pháp cải tiến đổi mới, sáng tạo, đem lại hiệu quả thiết thực.
Cùng việc thực hiện đúng các quy định, cấp tiểu học đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch nhà trường khoa học, khả thi và triển khai thực hiện linh hoạt, hiệu quả; chất lượng giáo dục đạo đức, chất lượng dạy học tiếp tục nâng cao; công tác quản lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện đổi mới phương pháp dạy học luôn chủ động, tích cực.
Hiện, cấp tiểu học tại Hà Nội còn tình trạng thiếu giáo viên, nhất là với các môn Tin học, ngoại ngữ; vẫn có trên 1.600 lớp có sỹ số trên 50 em/lớp, một số quận chưa đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, nhiều khu đô thị không có trường học; chưa có tài liệu in để thực hiện hoạt động giáo dục địa phương…
Tp.HCM lần đầu tiên có ngân hàng huyết thanh, giúp kiểm soát tốt dịch bệnh
Ngày 17/8, ngân hàng huyết thanh thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Tp.HCM (HCDC) chính thức đi vào hoạt động. Ông Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc HCDC cho biết đây là đơn vị tổ chức thu thập, bảo quản và cung cấp các nguồn mẫu để xét nghiệm, phục vụ công tác kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm.
Bốn mục tiêu chính của ngân hàng huyết thanh là dự đoán dịch hoặc phát hiện sớm khả năng bùng phát dịch, đánh giá tình hình miễn dịch cộng đồng, đánh giá hiệu quả của một số biện pháp can thiệp, khảo sát sự lưu hành thầm lặng của tác nhân gây bệnh.
Trao đổi với Vietnamnet, bác sĩ Tâm, các mẫu huyết thanh như “bộ dữ liệu sống” về sức khỏe của người dân Tp.HCM với rất nhiều thông tin như mầm bệnh tiềm ẩn, kháng thể của các bệnh đã mắc, thậm chí cơ thể có hóa chất hay dấu ấn của phương pháp điều trị nào hay không…
Được biết, tại HCDC, ngân hàng huyết thanh có sức chứa lưu trữ từ 400.000-450.000 mẫu huyết thanh. Dự kiến, trong giai đoạn 2024-2030, ngân hàng sẽ được đầu tư mở rộng. “Đây là bộ dữ liệu phong phú, là tài sản quý giá về dữ liệu sức khỏe của người dân thành phố", ông nói.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Tấn, Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), cho hay mục đích của việc điều tra huyết thanh là theo dõi mức độ miễn dịch trong cộng đồng đối với một tác nhân gây bệnh. Từ đó, cung cấp dữ liệu khoa học giúp đề ra các chính sách y tế phù hợp, như chính sách tiêm chủng hay ứng phó với dịch bệnh mới nổi.
Thiết lập ngân hàng huyết thanh có tính đại diện cao cho người dân thuộc một vùng lãnh thổ là mấu chốt đảm bảo việc điều tra huyết thanh có độ tin cậy và chính xác cao.
Tại Việt Nam, một số ngân hàng huyết thanh đã được thành lập thông qua chương trình nghiên cứu điều tra dịch tễ của Bộ Y tế, Viện vệ sinh dịch tễ trung ương, Viện Pasteur Tp.HCM. Trọng tâm các chương trình giám sát có thể kể đến như HIV, virus Zika, viêm gan siêu vi B và C, cúm A H5N1.
Để đánh giá tình trạng miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19, trong năm 2022 HCDC đã phối hợp với OUCRU thực hiện 3 đợt khảo sát thu thập mẫu huyết thanh. Theo đó, kết quả cho thấy hầu hết người dân Tp.HCM ở cả 4 khu vực địa lý đều đã có kháng thể kháng SARS-CoV-2 do nhiễm tự nhiên hoặc do tiêm vắc xin. Tất cả các nhóm tuổi đều có kháng thể kháng SARS-CoV-2 với tỉ lệ trên 70%.
Khảo sát trên cũng là bước chuẩn bị ban đầu cho sự ra đời của ngân hàng huyết thanh tại HCDC.
Xe khách giường nằm tông liên hoàn 9 nhà dân lúc nửa đêm
Theo Nhà báo & Công luận ngày 17/8, Công an huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận thông tin cho biết đang phối hợp cơ quan chức năng xử lý vụ tai nạn xe khách giường nằm lao vào nhà dân vừa xảy ra tại thị trấn Phú Long.
Thông tin ban đầu, vào rạng sáng 17/8, tài xế Nguyễn Văn Tư (56 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) điều khiển xe khách giường nằm chạy tuyến Bình Định - Vũng Tàu chạy hướng Tp.Phan Rang (Ninh Thuận) đi Tp.Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận).
Khi đến Km 1796+700 quốc lộ 1A, đoạn qua thị trấn Phú Long, huyện Hàm Thuận Bắc xe khách mất lái tông liên tiếp vào phía trước 9 nhà dân và 1 xe con đỗ trên lề đường bên phải.
Vụ tai nạn đã khiến cho nhiều mái tôn hiên nhà bị tông sập, tường bê tông ngã đổ xuống đường, cột điện bị tông gãy. Rất may, tài xế cùng 19 hành khách trên xe không ai bị thương. Vụ tai nạn làm nhiều người trên xe hoảng loạn.
Sau khi xảy ra vụ việc, công an huyện Hàm Thuận Bắc đến khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ tai nạn và thống kê thiệt hại tài sản của người dân.
Trúc Chi (t/h)