Bản tin 2/12: Từ nay đến 2030, cả nước cần bổ sung gần 400.000 giáo viên, CBQL, nhân viên
Từ nay đến 2030, cả nước cần bổ sung gần 400.000 giáo viên, CBQL, nhân viên; Nam sinh 17 tuổi phổi như người già vì ma túy có trong thuốc lá điện tử...
Từ nay đến 2030, cả nước cần bổ sung gần 400.000 giáo viên, CBQL, nhân viên
Theo đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, mạng lưới cơ sở đào tạo giáo viên (các trường sư phạm) có độ bao phủ cao, gắn với các vùng và địa phương, dần hình thành mạng lưới cơ sở đào tạo đa ngành có đào tạo giáo viên; cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông; tuy nhiên, sự phân bổ chưa đồng đều, có sự tập trung của một số trường đại học sư phạm lớn tại các trung tâm kinh tế - xã hội của đất nước; vai trò của các trường cao đẳng sư phạm ngày càng mờ nhạt.
Tính đến nay, Việt Nam có 103 cơ sở đào tạo giáo viên, trong đó có: 15 trường đại học sư phạm (bao gồm: 06 trường đại học sư phạm, 06 trường đại học sư phạm kỹ thuật; 02 trường đại học sư phạm Thể dục thể thao và Trường đại học sư phạm Nghệ thuật Trung ương); 50 trường đại học đa ngành và trường đại học đặc thù (ngoại ngữ, nghệ thuật, thể thao) có đào tạo giáo viên; 20 trường cao đẳng sư phạm và 18 trường cao đẳng đa ngành có đào tạo giáo viên.
Mạng lưới các cơ sở đào tạo giáo viên cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo giáo viên từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, hầu hết các cơ sở đào tạo giáo viên khá độc lập trong hoạt động đào tạo, chưa thật sự tạo thành một mạng lưới thống nhất, tính liên thông trong hệ thống còn yếu, chưa có sự chia sẻ nguồn lực để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đào tạo giáo viên của toàn ngành.
Số lượng các trường cao đẳng sư phạm trong những năm gần đây giảm một phần do thực hiện Nghị quyết 19-NQ/TW về tinh giảm đầu mối và biên chế, và thực hiện Luật Giáo dục 2019, yêu cầu trình độ của giáo viên tiểu học và trung học cơ sở được nâng lên đại học, do đó các trường cao đẳng chỉ còn đào tạo giáo viên mầm non. Để sử dụng hiệu quả nguồn lực, một số trường cao đẳng sư phạm trở thành phân hiệu của các trường đại học sư phạm hoặc trường đại học đa ngành hoặc sáp nhập với các trường cao đẳng địa phương.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tổng số nhu cầu cần bổ sung cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp học từ mầm non đến phổ thông đến năm 2045 là khoảng 500.000 người. Như vậy thì mỗi năm cần cung cấp bổ sung khoảng 43.000 giáo viên, cán bộ quản lý và nhân viên các cấp, trong đó bậc học mầm non cần bổ sung khoảng 16.000 người, bậc tiểu học cần khoảng 7.000 người, bậc trung học cơ sở cần khoảng 7.000 và bậc trung học phổ thông cần khoảng 12.000 người.
Hiện nay, hệ thống các trường, khoa sư phạm cung cấp hàng năm khoảng hơn 20.000 sinh viên tốt nghiệp. Với nhu cầu giáo viên cần được đào tạo hằng năm như trên, thì việc tập trung năng lực đào tạo cho các trường đại học đa ngành có đào tạo giáo viên, trong đó có từ hai đến ba trường đại học sư phạm trọng điểm và từ 5-6 trường đại học sư phạm chủ chốt đào tạo giáo viên với chỉ tiêu tuyển sinh chiếm khoảng 70% chỉ tiêu đào tạo đại học đối với ngành sư phạm trong cả nước, theo Gíao dục Việt Nam.
Xe ben tông 2 vợ chồng thương vong tại gác chắn đường sắt
Theo Giáo dục và Thời đại, vào khoảng 10h30 trưa 1/12, tại khu vực gác chắn đường sắt đoạn giao nhau với đường bộ Lê Duẩn, Tp.Huế đã xảy ra vụ tai nạn giao thông khiến 1 người chết, 1 người bị thương.
Vào thời điểm trên, xe ô tô ben biển số 75C-062.69 do anh Tôn Thất Thông (SN 2000, trú xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế) điều khiển hướng qua đoạn giao với đường sắt Bắc – Nam đã tông trúng xe máy chạy cùng chiều do ông Lê Văn M. (SN 1956) điều khiển, chở vợ là bà Nguyễn Thị H. (SN 1956, cùng trú đường Bùi Thị Xuân, Tp.Huế).
Cú va chạm đã khiến vợ chồng ông M. bị ngã xuống đường. Hậu quả bà H. tử vong tại chỗ, còn người chồng bị thương.
Ngay sau tai nạn xảy ra, công an đã có mặt để phân luồng giao thông và khám nghiệm hiện trường.
Vụ việc đang được Công an Tp.Huế điều tra, làm rõ.
Nam thanh niên 17 tuổi phổi như người già vì ma túy có trong thuốc lá điện tử
Nam sinh học lớp 12 được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai do các biểu hiện ngộ độc ma túy có trong thuốc lá điện tử. Kiểm tra phổi, bác sĩ bất ngờ vì phát hiện tình trạng tắc nghẽn, xơ hóa như người già hút thuốc lâu năm.
Cụ thể cuối tháng 11, các bác sĩ Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đã tiếp nhận một nam sinh 17 tuổi, học lớp 12 tại Hà Nội vào viện sau khi sử dụng thuốc lá điện tử dạng như hộp sữa tươi. Nam sinh nhập viện trong tình trạng đa bệnh lý từ rối loạn tâm thần, trầm cảm, có ý định tự tử và các biểu hiện ở tim mạch, hô hấp.
Kết quả xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng cho thấy nam sinh này bị ngộ độc ma túy tổng hợp có trong thuốc lá điện tử. Đặc biệt, khi đo chức năng hô hấp, bác sĩ đánh giá tình trạng nam sinh bị xơ hóa phổi, thông khí kém, tắc nghẽn mạn tính.
Bác sĩ Nguyên cho biết trường hợp tổn thương phổi này tương tự ở người già, hút thuốc lá hàng chục năm. Tuy nhiên, bệnh nhân chỉ hút thuốc lá truyền thống kết hợp với thuốc lá điện tử khoảng 1 năm. Sau thời gian điều trị ngộ độc chất, nam sinh được chuyển sang Viện Sức khỏe Tâm thần để điều trị các vấn đề về thần kinh, rối loạn tâm thần.
Ca bệnh được Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, chia sẻ tại Hội nghị Quốc tế chuyên ngành Chống độc - Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Trung tâm Chống độc do Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tổ chức vào ngày 1/12.
Qua ca bệnh điển hình này, bác sĩ Nguyên cảnh báo hiện nay trào lưu sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ rất nguy hiểm. Những bệnh nhân trẻ vào viện vì sử dụng thuốc lá điện tử đều phải làm tất cả xét nghiệm lâm sàng, cận lâm sàng, đánh giá chức năng các cơ quan và xét nghiệm độc chất.
Thông qua đó, các bác sĩ phát hiện số lượng khổng lồ các loại hóa chất có trong các loại thuốc lá điện tử và thay đổi thường xuyên, từ đó sinh ra hoạt loạt bệnh, tình trạng ngộ độ mới. Thậm chí, nhiều chất y học chưa được biết đến.
Trúc Chi (t/h)