Bản tin 20/6: Bao giờ Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10?

Bao giờ Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10?; Hơn 30 người ở Việt Nam qua đời mỗi ngày vì không có tạng để ghép...

Bao giờ Hà Nội công bố điểm thi vào lớp 10?

Sở GD&ĐT Hà Nội vừa cho biết, công tác chấm thi kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập năm học 2024-2025 đang được khẩn trương triển khai theo tiến độ và bảo đảm nghiêm túc, an toàn.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm nay Hà Nội có hơn 2.100 giáo viên đã được huy động làm nhiệm vụ chấm thi. Theo kế hoạch, công tác chấm thi sẽ hoàn thành vào ngày 23/6.

Từ ngày 24/6, Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức ghép điểm xét tuyển cho từng thí sinh; in phiếu báo kết quả thi cho từng thí sinh; đồng thời cấp phiếu báo kết quả thi cho các phòng giáo dục và đào tạo quận, huyện, thị xã.

Theo kế hoạch, chậm nhất ngày 2/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm bài thi các môn của thí sinh trên Cổng thông tin điện tử của Sở, Cổng tuyển sinh đầu cấp của thành phố.

Sau khi công bố điểm bài thi, từ ngày 3/7 đến ngày 9/7, thí sinh có nguyện vọng nộp đơn phúc khảo tại trường phổ thông - nơi học lớp 9.

Từ ngày 6/7 đến ngày 9/7, Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ công bố điểm chuẩn vào lớp 10 tại các trường. Căn cứ tình hình thực tế của công tác chấm thi, thời gian công bố điểm thi, điểm chuẩn có thể được điều chỉnh.

Theo Sức khỏe & Đời sống liên quan đến vụ việc "lộ đề Ngữ văn" trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập vừa qua, Thượng tá Ngô Xuân Hải - Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP. Hà Nội cho biết: Ngay sau khi xuất hiện thông tin lộ đề thi Ngữ văn tại kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2024-2025 tại Hà Nội, lực lượng công an đã vào cuộc điều tra, xác minh; qua đó, khẳng định thông tin trên là sai sự thật. Công an TP sẽ xử phạt một số trường hợp lan truyền thông tin sai sự thật nêu trên theo quy định.

Chia sẻ thêm với báo chí, Thượng tá Ngô Xuân Hả cho hay, vụ lan truyền thông tin lộ đề thi tuyển sinh lớp 10 qua xác minh phát hiện có hai nhóm gồm "học sinh Hà Nội" và nhóm "Đồng hành...". Tuy nhiên, đối với các trường hợp tung tin là học sinh, trong quá trình xử lý sẽ giữ danh tính của các cháu nhưng vẫn phải truy nguồn gốc thông tin từ đâu. Một số trường hợp khác, sau khi xác minh sẽ bị xử lý nhằm cảnh báo tới người sử dụng mạng xã hội đưa tin sai sự thật.

Hơn 30 người ở Việt Nam qua đời mỗi ngày vì không có tạng để ghép

Trao đổi với Vietnamnet PGS.TS Đồng Văn Hệ, Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia, chia sẻ tại chương trình đào tạo, cập nhật kiến thức về hiến, ghép tạng từ người chết não tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), ngày 18/6.

Ghép tạng là phương pháp điều trị duy nhất để cứu sống bệnh nhân trong một số trường hợp. Hiện, nước ta đã ghép thành công hầu hết các tạng như nhiều nước phát triển, gồm: thận, gan, tim, phổi, tụy và ruột.

Trong 2 năm 2022-2023, mỗi năm, các bác sĩ Việt Nam ghép được hơn 1.000 ca, trở thành nước có tổng số ca ghép tạng mỗi năm cao nhất Đông Nam Á, cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực ASEAN đạt được thành tựu này.

Số ca ghép dù đã cao nhất trong hàng chục năm qua nhưng chỉ bằng 1/5 so với Hàn Quốc, quốc gia có dân số bằng nửa Việt Nam.

Thực tế cho thấy 94% nguồn tạng hiến ở nước ta từ người cho sống, chỉ có 6% tạng hiến từ người chết não, ngược lại với các nước phát triển. Ở Thái Lan, năm 2022, các bác sĩ đã thực hiện 722 ca ghép thận, gần 76% từ người cho chết não, trong khi con số này ở Việt Nam là 6% (nghĩa là 94% từ người cho sống). Tại Trung Quốc, khoảng 20% số ca ghép thận từ người hiến sống.

Một người chết não có thể hiến tạng cứu sống 8 người và giúp chữa bệnh cho 100 người khác qua việc hiến mô (giác mạc, da, xương, mạch máu, gân).

Lần đầu tiên ở Việt Nam có ca chết não hiến tạng là vào tháng 5/2010 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Từ năm 2010 đến 2022, mỗi năm có từ 10-11 ca chết não hiến tạng tại nước ta. Năm 2023 có 16 ca; 6 tháng đầu năm 2024 có 10 ca.

"Dù số ca chết não hiến tạng tăng lên nhưng tình trạng thiếu tạng ở Việt Nam đang ở mức rất trầm trọng", ông Hệ nhận định. Ước tính mỗi ngày có 36 người Việt qua đời vì không có tạng để ghép.

Mạng lưới vận động hiến tặng mô, tạng ở Việt Nam đã được xây dựng tại 68 bệnh viện nhưng hoạt động chưa hiệu quả như mong muốn. Ông Hệ cho rằng, cần khoảng 600 bệnh viện có nguồn ca chết não “tiềm năng” tham gia mạng lưới này để giúp các cơ sở y tế có nguồn tạng ghép.

Để làm được điều đó, việc đào tạo, tập huấn cần phải tổ chức cho chính nhân viên y tế trong bệnh viện. Nhân viên y tế hiểu đúng về khái niệm chết não, chết tim, phát hiện chết não "tiềm năng", sẽ là cầu nối giữa gia đình có người chết não đến với cơ sở ghép mô, tạng.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, cho biết tới đây bệnh viện sẽ thành lập ban tư vấn liên quan đến hiến tặng mô, tạng để tăng cơ hội cứu được nhiều người bệnh nặng đang chờ sự sống nhờ ghép tạng.

Vì sao ở trong nhà vẫn bị sét đánh?

Mặc dù ở trong nhà an toàn hơn khi có giông sét, nhưng vẫn có những rủi ro nếu không thực hiện đúng các biện pháp phòng tránh.

Theo National Weather Service, lý do bị sét đánh khi ở trong nhà có thể kể đến như:

- Đường dây điện và thiết bị điện tử: Sét có thể truyền qua các đường dây điện và dây cáp dẫn vào nhà, gây ra sét lan truyền. Nếu đang sử dụng hoặc tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, TV, hoặc các thiết bị gia dụng vẫn sẽ có khả năng bị sét đánh.

- Đường ống nước và các vật dụng kim loại: Sét có thể truyền qua hệ thống ống nước và các vật dụng kim loại trong nhà. Việc sử dụng vòi nước, bồn tắm, hoặc máy giặt khi có giông sét rất nguy hiểm.

- Cửa sổ và cửa ra vào: Sét có thể phóng qua các khe hở như cửa sổ và cửa ra vào, đặc biệt nếu các cửa này làm bằng kim loại hoặc có khung kim loại. Đứng gần các cửa sổ hoặc cửa ra vào khi có giông sét cũng làm tăng nguy cơ bị sét đánh.

Tránh xa các thiết bị điện tử: Rút phích cắm các thiết bị điện tử và không sử dụng điện thoại cố định, máy tính, TV, hoặc các thiết bị điện khi có giông sét.

Tránh xa đường ống nước: Hạn chế tắm, rửa tay, rửa chén, hoặc sử dụng các thiết bị có liên quan đến nước khi có giông sét.

Đóng kín cửa sổ và cửa ra vào: Đóng kín các cửa sổ và cửa ra vào để giảm nguy cơ sét phóng vào nhà qua các khe hở.

Tránh xa các vật dụng kim loại: Không tiếp xúc với các vật dụng kim loại như khung cửa sổ, cửa ra vào, hoặc bất kỳ vật dụng kim loại nào khác trong nhà.

Sử dụng hệ thống chống sét: Đảm bảo nhà có hệ thống chống sét hiệu quả, bao gồm các cột thu lôi và hệ thống dây dẫn nối đất để dẫn sét an toàn ra khỏi nhà.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-206-bao-gio-ha-noi-cong-bo-diem-thi-vao-lop-10-a669034.html