Bản tin 21/8: Gần 1.600 thí sinh bị sai lệch điểm thi vào lớp 10

Gần 1.600 thí sinh bị sai lệch điểm thi vào lớp 10; Bé gái 5 tháng tuổi có quả thận 'khổng lồ' chứa gần 1,5 lít nước...

Gần 1.600 thí sinh bị sai lệch điểm thi vào lớp 10

Sáng 20/8, ông Phạm Văn Nghiêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chủ trì buổi họp báo thông tin về kết quả kỳ tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Thái Bình năm học 2024 - 2025.

Kết quả thanh tra xác định, trong quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận, số lượng bài thi được kiểm tra khớp phách bằng tay chỉ đạt tỉ lệ 0,71%, không đảm bảo ít nhất 20% số bài thi tự luận theo quy định.

Họp báo thông tin về kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sáng 20/8. Ảnh: VOV.

Họp báo thông tin về kết quả kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024-2025 sáng 20/8. Ảnh: VOV.

Khi phát hiện sai sót, Ban Thư ký không lập biên bản mà chỉ ghi lại thông tin những thí sinh có sai sót và chuyển cho Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi dẫn đến không xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp khắc phục.

Thanh tra tỉnh Thái Bình bước đầu xác định, Trưởng Ban Chỉ đạo kỳ thi và Ban Thư ký đã không thực hiện đúng quy định trong quá trình thực hiện hồi phách bài thi tự luận kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT tỉnh Thái Bình, năm học 2024 - 2025.

Các hội đồng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Thái Bình có thí sinh bị lệch tổng điểm. Ảnh: VOV.

Các hội đồng thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT Thái Bình có thí sinh bị lệch tổng điểm. Ảnh: VOV.

Việc này dẫn đến công bố sai tổng điểm của 1.589 thí sinh, sai điểm chuẩn xét tuyển đợt 1 của 4/12 lớp chuyên và 11/29 hội đồng tuyển sinh các trường THPT đại trà, sai kết quả tuyển sinh của 510 thí sinh.

Thông tin trên Đài phát thanh & Truyền hình Hà Nội Thanh tra tỉnh Thái Bình kiến nghị, Sở Giáo dục và Đào tạo công bố kết quả điểm thi và tổ chức việc xét tuyển theo quy định. Sở Nội vụ tham mưu gia hạn thời gian đình chỉ công tác đối với ông Nguyễn Viết Hiển – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh để tiếp tục phục vụ công tác thanh tra.

Bé gái 5 tháng tuổi có quả thận "khổng lồ" chứa gần 1,5 lít nước

Bệnh nhi điều trị tạo viện.

Bệnh nhi điều trị tạo viện.

Mới đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 kịp thời giải phóng gần 1,5 lít nước trong thận cứu bệnh nhi. Cụ thể, trường hợp là bệnh nhi X.Y.X. giới tính nữ ở Khánh Hòa, được chẩn đoán mắc bệnh thận ứ nước từ trong bào thai.

Đáng lưu tâm do phụ huynh chủ quan nên khối nước phát triển khổng lồ gây giảm chức năng thận và có thể nguy hiểm đến tính mạng.

ThS.BS Phan Lê Minh Tiến – Khoa Thận – Niệu của bệnh viện cho biết thời điểm nhâp viện bụng bệnh nhi rất to, ăn uống kém, mệt mỏi, thở mệt nhọc và không hoạt bát.

Kết quả siêu âm bụng cho thấy bé X. có khối nước rất to chiếm toàn bộ ổ bụng, tại vị trí to nhất đường kính lên đến 80cm. Ngoài ra trên siêu âm không thấy thận phải của bé, nghi ngờ thận chính là khối ứ nước khổng lồ.

Không thấy dấu hiệu hoạt động của đài – bể thận và niệu quản bên phải, cuối cùng bé X. được Bác sĩ kết luận mắc thận ứ nước khổng lồ làm giảm chức năng trầm trọng, nghi ngờ do hẹp khúc nối bể thận – niệu quản bẩm sinh.

Phẫu thuật viên chính cho bệnh nhi này, ThS.BS Lê Nguyễn Yên – Phó khoa Thận – Niệu thông tin thêm. Ngay khi có kết quả chẩn đoán bé X. được lên kế hoạch phẫu thuật nhằm sớm giải phóng tình trạng tắc nghẽn, hy vọng cứu quả thận còn lại bên phải.

Sau gần hai giờ phẫu thuật, kíp mổ đã chuyển lưu 1,5 lít nước tiểu ra da, giảm được áp lực tối đa cho chủ mô mỏng manh còn lại của thận.

Các y bác sĩ đã cắt bỏ đoạn hẹp bẩm sinh giữa thận và niệu quản. Đây chính là nguyên nhân gây ra sự tắc nghẽn lâu nay, khiến chức năng thận bị ảnh hưởng.

Sau phẫu thuật bệnh nhi dần hồi phục, chứng tỏ chức năng thận của bé X. đã cải thiện. Khối nước giải phóng đã giúp bé giảm một kg cân nặng, bụng xẹp, ăn uống và thở trở nên dễ dàng.

Khai thác bệnh án, người nhà bệnh nhi cho biết bé X. đã được chẩn đoán bị thận ứ nước khi còn trong bào thai qua siêu âm thai kỳ.

Do chủ quan nên gia đình không thường xuyên theo dõi sau sanh, khi bé có những triệu chứng trở nặng, mệt mỏi chán ăn và bụng ngày càng to mới được đưa đến bệnh viện thăm khám.

Siêu âm tiền sản giúp phát hiện nhiều dị tật bẩm sinh trong bào thai trong đó có thận ứ nước. Tuy nhiên khi thấy con trẻ đi tiểu bình thường, tâm lý phụ huynh thường bỏ qua.

Để tránh những hệ lụy khôn lường, BS.CK2 Phan Tấn Đức – Trưởng khoa Thận – Niệu của bệnh viện nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc thăm khám thận cho trẻ. Theo đó mỗi người đều có hai quả thận. Một quả thận bị bệnh thì quả thận còn lại phải "gồng gánh" chức năng cho đến khi quá tải.

Vì vậy không thể chờ đợi những bất thường bộc phát mà cần đưa con em mình kiểm tra ngay sau sinh. Qua đây các bác sĩ sẽ theo dõi sát tình trạng thận ứ nước cho trẻ để kịp thời xử lý khi cần thiết.

Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch – Phó Giám đốc bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, hằng năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị khoảng hơn 100 trường hợp mắc bệnh. Việc phát hiện sớm và giải quyết tắc nghẽn là giải pháp duy nhất nhằm bảo tồn chức năng thận.

Một số bệnh về mắt vẫn có thể đi nghĩa vụ quân sự

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thông tư số 105/2023/TT-BQP (Thông tư 105) đã quy định nhiều thay đổi về việc khám sức khỏe để gọi công dân đi nghĩa vụ quân sự.

Với tiêu chuẩn sức khỏe về mắt, cụ thể là loạn thị, tại phụ lục ban hành kèm Thông tư 105 này, Bộ Quốc phòng quy định như sau:

- Với loạn thị do sinh lý hoặc có độ loạn bé hơn 1 đi ốp thì sức khỏe sẽ được xếp loại 2 tức là tình trạng sức khỏe tốt. Với loạn thị có độ lớn hơn hoặc bằng 1 đi ốp thì sức khỏe được xếp loại khá tương đương với loại 3. Với loạn thị đã phẫu thuật, hết loạn thì sẽ tính như trên nhưng được tính tăng lên 1 điểm.

Trong khi đó, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16 năm 2016, tất cả các loại loạn thị đều thuộc sức khỏe loại 6 là tình trạng sức khỏe rất kém và không đủ điều kiện để đi nghĩa vụ quân sự.

Như vậy, người loạn thị bị chấm điểm 2 hoặc 3 mà các tiêu chuẩn sức khỏe khác không bị điểm 3, 4, 5, 6 thì sẽ đạt sức khỏe loại 2 hoặc loại 3 tương ứng và đủ điều kiện nhập ngũ.

Tương tự như loạn thị, về bệnh mù màu, Thông tư mới đã có nhiều thay đổi so với Thông tư liên tịch số 16 năm 2016. Cụ thể:

Quy định cũ: Thông tư liên tịch số 16 chỉ đưa ra tiêu chí xác định người mắc bệnh mù màu dù là 01 màu hay toàn bộ đều bị xếp vào sức khỏe rất kém (tức loại 6 hoặc 6 điểm). Do đó, người bị mù màu không đủ điều kiện để đi nghĩa vụ quân sự.

Quy định mới: Thông tư 105 đã sửa đổi tiêu chí về bệnh mù màu theo hướng cho phép người bị mù màu ở mức độ nhẹ vẫn đủ điều kiện nhập ngũ nếu các tiêu chí khác đạt yêu cầu. Cụ thể:

Xếp sức khỏe loại 3 nếu mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nhẹ.

Xếp sức khỏe loại 4 - 5 nếu mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nặng.

Xếp sức khỏe loại 6 nếu mù màu hoàn toàn hoặc mù màu khác.

Như vậy, trong trường hợp các tiêu chuẩn sức khỏe khác vẫn đạt yêu cầu (không bị chấm điểm 3, 4, 5, 6) thì người mù màu trục xanh lá - đỏ mức độ nhẹ vẫn đủ tiêu chuẩn đi nghĩa vụ quân sự theo quy định mới.

Ngoài ra, Thông tư 105 còn đưa ra các yêu cầu để kiểm tra mù màu (quy định cũ không có) như sau:

- Chỉ được đọc mỗi hình trong thời gian tối đa là 3s.

- Đọc từ hình 1 - 15, nếu đọc chính xác được 13 chữ thì công dân đó không mắc mù màu.

- Đọc chính xác từ 09 chữ trở xuống thì được coi là bất thường.

Lưu ý về khám mắt nếu người khám không trung thực

Theo Thông tư liên tịch 16, khi khám mắt, nhân viên chuyên môn phải trực tiếp hướng dẫn cách đọc cũng như thực hiện quy trình khám đúng kỹ thuật. Đặc biệt, Thông tư liên tịch này chỉ yêu cầu nhân viên chuyên môn chú ý phát hiện các trường hợp đọc không trung thực hoặc không biết đọc theo hướng dẫn.

Trong khi đó, theo quy định mới hiện nay, Bộ Quốc phòng đã đưa ra giải pháp cho trường hợp này. Cụ thể, vẫn yêu cầu nhân viên chuyên môn phải trực tiếp hướng dẫn cách đọc cũng như thực hiện quy trình khám đúng kỹ thuật của chuyên ngành Nhãn khoa.

Với trường hợp người đọc không trung thực hoặc không biết đọc theo hướng dẫn thì nhân viên chuyên môn sử dụng máy đo khúc xạ tự động để kiểm tra.

Trúc Chi (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/ban-tin-21-8-gan-1600-thi-sinh-bi-sai-lech-diem-thi-vao-lop-10-204240820154946786.htm