Bản tin 3/10: Học sinh lớp 4 bị cô giáo đánh 'không thương tiếc'
Không làm bài tập, học sinh lớp 4 bị cô giáo đánh 'không thương tiếc'; Hơn 25.300 người tử vong mỗi năm vì loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam...
Không làm bài tập, học sinh lớp 4 bị cô giáo đánh "không thương tiếc"
Theo báo Sức khỏe & Đời sống, ngày 30/9, bà Lê Thị Quý, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hải Hòa, Thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho biết, nhà trường vừa có báo cáo lên UBND Thị xã Nghi Sơn về việc một học sinh lớp 4 của trường này bị cô giáo dùng roi tre đánh bầm lưng,
Bà Nguyễn Thị Thảo là bà nội (người trực tiếp nuôi dưỡng em P.Đ.Q.), học sinh lớp 4B, trường tiểu học Hải Hòa đến trường phản ánh cháu mình bị cô giáo L.T.H. đánh bầm tím lưng vào sáng ngày 30/9.
Ngay sau khi nhận được phản ánh của bà Thảo, Ban giám hiệu nhà trường mời cô H. lên gặp gỡ phụ huynh, học sinh và viết báo cáo tường trình vụ việc.
Làm việc với nhà trường, cô H. thừa nhận có đánh em Q. Lý do cô H. đưa ra do em không làm bài tập. "Dù trước đó, cô giáo đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng học sinh vẫn không tập trung học bài, bực tức cô H. đã dùng roi đánh vào lưng học sinh", trích bản tường trình của cô H.
Nắm bắt được thông tin, ông Mai Sỹ Lân, Phó Chủ tịch UBND thị xã Nghi Sơn, cho biết, sau khi nhận được thông tin đơn vị yêu cầu phường Hải Hòa phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo làm việc với nhà trường.
"Nhà trường cùng cô H. đến nhà học sinh bị đánh để xin lỗi. Hiệu trưởng nhà trường đã ra quyết định tạm đình chỉ công việc giảng dạy và chủ nhiệm lớp 4B đối với cô L.T.H. 15 ngày, bắt đầu từ ngày 2/10", ông Lân cho biết.
Trước đó, do bức xúc về việc con mình bị đánh khi đến trường, gia đình nam học sinh đã đăng tải nội dung sự việc lên mạng xã hội và thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Qua hình ảnh được người thân của học sinh đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, lưng của em học sinh có nhiều vết bầm tím.
Được biết, cô giáo H. là giáo viên mới nghỉ hưu. Do thiếu giáo viên nên Trường tiểu học Hải Hòa ký hợp đồng lao động với cô giáo này từ đầu năm học 2023 - 2024.
Bé gái sơ sinh bị bỏ rơi bên bờ sông
Theo báo Tiền Phong, người dân đi tập thể dục đã phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi bên bờ sông Tắc, ở xã Vĩnh Trung, Tp. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Theo thông tin ban đầu, khoảng 6h sáng 2/10, người dân đi tập thể dục ở khu vực bờ sông Tắc (xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang) thì phát hiện một bé gái sơ sinh bị bỏ rơi nặng 3,2kg được đặt trong túi xách yến sào, còn nguyên dây rốn và không có quần áo. Trên người đứa trẻ sơ sinh có dính bùn đất, da tím tái và nổi mẩn đỏ nghi nhiễm trùng da.
Sau đó, người dân lấy áo quần ủ lại cho bé và báo cho Trạm Y tế xã Vĩnh Trung.
Khi tiếp nhận bé sơ sinh này, các bác sĩ Trạm Y tế xã Vĩnh Trung đã cắt dây rốn, sơ cứu ban đầu và sau đó chuyển lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa.
Hiện bé gái sơ sinh đã được chuyển lên Khoa nhi - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa để kiểm tra sức khỏe và điều trị.
Hơn 25.300 người tử vong mỗi năm vì loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam
Thông tin trên báo Vietnamnet, vượt qua ung thư phổi, hiện nay, ung thư gan đang đứng đầu với số ca mắc mới và số ca tử vong mỗi năm ở Việt Nam. Trong đó, 77% số ca ung thư gan là nam giới.
Theo Globocan 2020, hiện nay, ung thư gan đã vượt qua ung thư phổi để trở thành loại ung thư đứng đầu ở Việt Nam với gần 26.500 ca mắc mỗi năm. 77% số ca ung thư gan là nam giới. Đây cũng là loại ung thư có số ca tử vong dẫn đầu với gần 25.300 ca, chiếm 21% tổng số tử vong do ung thư, gấp 3,8 lần tổng số ca tử vong do tai nạn giao thông năm 2020.
Trong khi đó, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỉ lệ mắc mới tại Việt Nam với khoảng 26.000 ca và khoảng 23.000 ca tử vong mỗi năm.
Phó giáo sư, bác sĩ Bùi Hữu Hoàng, Trưởng khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, cho biết Việt Nam thuộc vùng dịch tễ viêm gan siêu vi B, C. Những người mắc bệnh viêm gan B, C mạn tính, xơ gan có nguy cơ cao bị ung thư gan.
Bên cạnh đó, người bị đái tháo đường type 2, bệnh gan do di truyền, uống nhiều rượu bia, nhiễm độc chất aflatoxin (có trong các loại ngũ cốc bị mốc), dioxin, hút nhiều thuốc lá,... cũng có nguy cơ cao của ung thư gan.
Bác sĩ Hoàng cho biết thêm chế độ ăn quá nhiều năng lượng, giàu chất béo, đường dẫn tới thừa cân béo phì, gan nhiễm mỡ, ngay cả ở người trẻ và trẻ em cũng đang tăng cao tỉ lệ gan nhiễm mỡ. Đây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc loại ung thư đứng đầu ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Công Duy Long, Phó trưởng khoa Ngoại gan mật tụy, Bệnh viện Đại học Y Dược Tp.HCM, điều trị ung thư gan là điều trị đa mô thức, lựa chọn phác đồ thích hợp phải phụ thuộc vào tổn thương và tình trạng xơ của gan.
Bệnh nhân có thể được điều trị bằng các phương pháp như hủy u bằng sóng cao tần hoặc vi sóng, phẫu thuật, ghép gan, bơm hóa chất làm tắc mạch nuôi khối u (TACE), liệu pháp toàn thân như hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp nhắm trúng đích kết hợp miễn dịch.
Các bác sĩ cho biết tầm soát ung thư gan định kỳ được xem là giải pháp hiệu quả giúp phát hiện sớm các bất thường. Theo đó, ung thư gan từ lúc mới hình thành đến khi sang giai đoạn tiến triển thường kéo dài. Việc theo dõi định kỳ mỗi 6 tháng bằng siêu âm bụng và AFP ở các đối tượng nguy cơ sẽ giúp phát hiện sớm khi khối u dưới 2cm.
AFP là protein do tế bào ung thư gan sản xuất. Ngoài ra, AFP có trong ung thư tế bào mầm, giai đoạn viêm gan nặng và trong thai kỳ.
Khi siêu âm ổ bụng, bác sĩ thấy có khối bất thường ở gan sẽ làm các biện pháp chuyên sâu hơn để tìm ra được khối u phát hiện sớm từ khi bệnh mới hình thành, có biện pháp điều trị hiệu quả.
Trúc Chi (t/h)