Bản tin đặc biệt trên cánh sóng Trường Sa

Giữa muôn trùng sóng nước, 1 bản tin đặc biệt được xuất bản hàng ngày thông qua hệ thống phát thanh của tàu KN 290 như sợi dây kéo đất liền đến gần Trường Sa.

Trên hành trình vượt ngàn hải lý đến với quần đảo Trường Sa, vào lúc 21g hàng ngày, trên hệ thống phát thanh của tàu Kiểm ngư 290 (KN 290) lại vang lên câu nói quen thuộc “Đây là bản tin Tiếng sóng Trường Sa” của Sinh viên Việt Nam. Giữa biển khơi muôn trùng sóng nước của biển đảo quê hương, lời xướng của phát thanh viên được vang lên trên nền nhạc của các bài hát Xin chào Việt Nam hay Nơi đảo xa càng làm cho mỗi thành viên của Đoàn công tác số 17 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 đầu tháng 6 vừa qua như được tiếp thêm năng lượng, sự tự hào về từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

 Các thành viên của Tổ đội phát thanh thực hiện bản tin "Tiếng sóng Trường Sa"

Các thành viên của Tổ đội phát thanh thực hiện bản tin "Tiếng sóng Trường Sa"

Nội dung của bản tin gần gũi, tự nhiên như hơi thở của cuộc sống với những tin, bài bám sát các hoạt động thường nhật của đoàn. Có lẽ vì thế mà bản tin “Tiếng sóng Trường Sa” ngay từ lần phát sóng đầu tiên đã nhận được sự thương mến của mọi người. Trên những boong tàu, thông qua hệ thống phát thanh, các thành viên là các nhà báo và sinh viên đã tập hợp thành một “tòa soạn hội tụ” mang tên “Tiểu đội phát thanh”. Các thành viên sẽ phân chia nhau công việc cụ thể như: Viết tin, bài, biên tập viên, phát thanh viên, làm nhạc hiệu, lên khung chương trình.

Mỗi bản tin kéo dài 30 phút, gồm 5 phần chính mang tên gọi: Nhật ký hành trình, Thông tin thời tiết, Góc kiến thức, Nhân vật hôm nay, Góc tâm tình, Góc quà tặng.

Điều đặc biệt nhất, “tòa soạn ấy” không phải nơi có đủ bàn ghế, máy tính mà được thực hiện ngay trên đài chỉ huy, tầng cao nhất của con tàu, ở độ cao gần 15m so với mặt nước biển. Phương tiện để mang “hơi ấm” của đất liền đến với Trường Sa là chiếc micro, tay cầm của điện thoại để bàn, thường được các kiểm ngư viên dùng vào việc thông báo thông tin nội bộ cho toàn tàu. Ấy vậy mà, việc tham gia sản xuất bản tin đã trở thành “bữa tiệc báo chí” vào mỗi tối trong suốt hành trình đối với hơn 200 đại biểu là cán bộ, sinh viên ưu trú trên cả nước trên “hải trình đặc biệt ấy”. Với tôi, “bữa tiệc báo chí” ấy thật đặc biệt mà cả quãng đường làm báo từ trước đến nay tôi chưa từng được trải nghiệm.

Để thực hiện bản tin đều đặn, ngay cuối giờ chiều hàng ngày, gác lại sự “tròng trành” do những con sóng nối tiếp nhau vỗ vào mạn tàu, các thành viên của Tổ đội phát thanh sẽ bám sát các sự kiện, rồi thực hiện tác nghiệm, phỏng vấn, liên hệ nhân vật, biên tập tin bài.

Mỗi bản tin 2 kíp thực hiện gồm 2 giọng đọc, một nam, một nữ; một Bắc, một Nam. Giọng nữ là âm thanh quen thuộc của MC Khánh Vy của Đài Truyền hình Việt Nam và giọng nam đến từ một cán bộ của Hội Sinh viên Việt Nam thực hiện. Có hôm, phát thanh viên đang “lâng lâng” vì những con sóng nhưng khi cầm micro lên mọi cảm giác của mệt mỏi như… tan biết, lại hòa mình với các dòng tin nóng hổi. Có lẽ chính vì sự gần gũi, thân thuộc ấy mà bản tin đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của mỗi thành viên trong đoàn công tác.

Mỗi chuyên mục của bản tin sẽ có những điểm nhấn cụ thể như điểm lại các công việc của một ngày với “Nhật ký hành trình”. Những hải trình, điểm đến tiếp theo sẽ được truyền tải qua “Điểm hẹn ngày mới”. Đáng chú ý, đến với chuyên mục “Góc kiến thức”, nội dung của bản tin mang đến cho độc giả những kiến thức về từng hòn đảo nơi sẽ được đặt chân đến. Những khái niệm cơ bản về vùng biển Việt Nam, hiểu hơn thế nào là lãnh hải, thềm lục địa… thiêng liêng của Tổ quốc mình.

Đặc biệt, bản tin còn có chuyên mục “Nhân vật hôm nay” giới thiệu những “vị khách có một không hai” trên hải trình đến với Trường Sa. Các phóng viên, biên tập viên đã khai thác những nhân vật với niềm tin, nghị lực, sự nỗ lực của bản thân để đến được với Trường Sa. Đó là hành trình “vượt vũ môn” để khẳng định mình của chàng sinh viên khuyết tật Lã Minh Trường đang học Đại học Sư phạm Hà Nội. Thông qua sóng radio hòa cùng tiếng sóng biển, chàng sinh viên nghị lực đã đạt Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng quốc tế tại cuộc thi “Thách thức công nghệ thông tin toàn cầu cho thanh thiếu niên khuyết tật (GITC), năm 2018, 2019” gửi gắm thông điệp: “Mình muốn gửi đến các bạn thanh niên nói chung, sinh viên khuyết tật nói riêng chúng ta hãy cùng sống và đóng góp nhiều hơn nữa. Đối với người khuyết tật không có gì là không thể chúng ta hãy cùng vươn lên hướng về phía mặt trời và bóng tối ở phía sau lưng ta”. Thông điệp giản dị ấy được vang lên giữa Trường Sa thân yêu, nơi đầy nắng và gió; đầy cam go và thử thách càng khơi dậy tình yêu, sự quyết tâm, sống có trách nhiệm với từng tấc đất máu thịt của Tổ quốc.

Không chỉ có nhân lên tình yêu, “Góc nhân vật” còn mang đến “hơi ấm”, tình cảm máu thịt từ đất liền với các chiến sĩ đang công tác trên quần đảo tiền tiêu khi giới thiệu Nguyễn Thị Diệu Linh, sinh viên của Đại học Điều dưỡng Nam Định. Vượt muôn trùng khơi, Diệu Linh không chỉ mang đến sức trẻ, năng lượng của các bạn sinh viên mà hơn hết Linh còn “gửi gắm” tình cảm của mẹ, của em, của gia đình đến với người bố là quân nhân đang công tác tại đảo Trường Sa.

Chia sẻ ngay trên “sóng” của bản tin, Linh không giấu được cảm xúc khi cho biết đã phải nỗ lực học tập, rèn luyện, trở thành “Sinh viên 5 tốt” để có cơ hội ra Trường Sa thăm bố. Khi nhận được trở thành đại biểu tham gia chương trình Linh đã bật khóc và gọi điện ngay cho bố để báo tin.

Trong chuyến hải trình này, hành trang mang theo của Linh là những món quà như 2 chiếc mũ phớt bố yêu thích và tình cảm gửi gắm của người mẹ nơi quê nhà Thanh Hóa.

"Em muốn nói với bố rằng, bố cứ yên tâm công tác bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, mọi việc ở nhà con sẽ giúp mẹ. Con tự hào về bố!” - Linh chia sẻ.

Không chỉ có vậy, bản tin còn là nơi các thành viên trong đoàn thể hiện những cảm xúc, tình yêu với biển đảo, đồng đội, với người bạn vừa quen trên boong tàu qua “Góc tâm tình”. Đôi khi là những dòng thư viết vội, những câu chuyện, khúc hát về đời lính và có cả gửi gắm một chút “say nắng” đối với cậu lính trẻ vừa mới quen.

Tác giả tác nghiệp trên đảo Sinh Tồn

Tác giả tác nghiệp trên đảo Sinh Tồn

Chính những cảm xúc mộc mạc ấy làm cho hành trình đến với Trường Sa như gần lại. "Tôi đã từng ra Trường Sa nhiều lần nhưng chưa có đoàn công tác nào lại nhiều các bạn trẻ tham gia vào bản tin như này. Chính các bạn đã tiếp thêm năng lượng, sức trẻ cho cả hành trình đến với khúc ruột Trường Sa”- đại tá Hoàng Hữu Sơn - Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân chia sẻ.

Kể về sự ra đời của bản tin, anh Lâm Tùng - Phó Trưởng ban Thanh niên, trường học thuộc Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh cho biết, năm 2011, khi là đại biểu ra thăm Trường Sa, do điều kiện thời tiết nên tàu không thể ghé thăm được một điểm đảo. Bất ngờ, thông qua hệ thống loa và bộ đàm, một chiến sĩ đã yêu cầu được nghe một bài hát để như được thấy tiếng nói của đất liền. Chính vì vậy, ý tưởng về một bản tin được phát thanh trên suốt hành trình đến với Trường Sa được hình thành. Từ năm 2012, bản tin được “xuất bản” trên cánh sóng đến với Trường Sa đã trở nên cố định. Đồng thời, ngay trên hành trình của sinh viên Việt Nam đến với Tổ quốc, bản tin ấy lại được tái hiện, là cầu nối để chia sẻ tâm tư, tình cảm sinh viên, của đất liền với biển đảo quê hương thông qua những vần thơ, bài hát và cả những tâm sự đầy tâm huyết, cảm xúc về mỗi tuyến đảo.

Giữa biển trời sóng nước, những mẩu tin viết vội vẫn vang lên qua sóng radio như tiếp thêm niềm tin và ý chí. Chính năng lượng và sức sống đang đơm hoa, kết trái và lớn mạnh từng ngày, cùng tinh thần đoàn kết, sự quyết tâm vượt khó của quân và dân nơi quần đảo tiền tiêu đã giúp cho mỗi tấc đất non sông “nghìn thuở vững âu vàng”.

Nguyễn Cường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ban-tin-dac-biet-tren-canh-song-truong-sa-258851.html