Bản tin Năng lượng Quốc tế 17/10: Mỹ tăng công suất điện khí đốt tự nhiên năm 2023

PetroTimes xin gửi đến Quý độc giả những tin tức mới nhất về các lĩnh vực năng lượng thế giới.

1. Giá dầu hôm nay 17/10 giảm bởi kỳ vọng Mỹ và Venezuela có thể sẽ sớm đạt được thỏa thuận nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Venezuela, trong khi các thương nhân cho biết xung đột Israel - Hamas dường như không đe dọa đến nguồn cung dầu trong ngắn hạn.

Tính đến đầu giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 86,92 USD/thùng, trong khi giá Brent dừng lại ở mức 89,65 USD/thùng.

2. Dầu đang trên đà trở thành mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Mỹ trong năm nay và cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, làm nổi bật ảnh hưởng ngày càng tăng của việc khai thác và xuất khẩu dầu của Mỹ trên thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Sản lượng dầu thô của Mỹ tăng trong những năm gần đây và xuất khẩu ngày càng tăng sau khi lệnh cấm xuất khẩu được dỡ bỏ vào năm 2015 đã khiến dầu của Mỹ ngày càng trở thành mặt hàng quan trọng trên thị trường, đặc biệt là sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, cũng như các lệnh trừng phạt đối với dầu thô của Nga ở phương Tây.

3. Giá cổ phiếu của các công ty Big Oil tăng vọt vào ngày 16/10, trong đó giá cổ phiếu của Shell đạt mức cao kỷ lục, khi thị trường dầu phản ứng trước sự leo thang xung đột Hamas-Israel.

Lúc 11:20 sáng 16/10 (giờ ET), cổ phiếu của Shell giao dịch tăng 1,10% ở mức 68,12 USD/cổ phiếu.

4. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) ngày 16/10 cho biết nước này dự kiến sẽ bổ sung tổng cộng 8,6 gigawatt (GW) công suất phát điện chạy bằng khí đốt tự nhiên vào năm 2023, nhiều hơn mức bổ sung vào năm 2022 và 2021.

Cho đến nay, có tới 10 nhà máy điện chạy bằng khí đốt tự nhiên đã đi vào hoạt động, bổ sung thêm 6,8 GW công suất phát điện, bản kiểm kê máy phát điện hàng tháng của EIA cho thấy.

5. Reuters dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, việc thanh toán bằng đồng tiền Trung Quốc cho 7 lô hàng dầu thô của Nga được nhập khẩu bởi các nhà máy lọc dầu nhà nước của Ấn Độ đang bị trì hoãn do chính phủ quốc gia Nam Á do dự trong việc chấp nhận hình thức thanh toán này.

Trong khi có một số chậm trễ trong thanh toán đối với một số lô hàng, các công ty dầu mỏ của Nga vẫn tiếp tục cung cấp cho các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ, trong đó Ấn Độ trong năm nay trở thành nhà nhập khẩu dầu thô đường biển lớn nhất của Nga.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/ban-tin-nang-luong-quoc-te-1710-my-tang-cong-suat-dien-khi-dot-tu-nhien-nam-2023-696761.html