Bản tin Năng lượng xanh: Campuchia đầu tư vào năng lượng mặt trời, nhập khẩu điện từ các nước láng giềng
Theo Bộ trưởng năng lượng Keo Rottanak, Campuchia sẽ đầu tư vào việc mở rộng quy mô các dự án năng lượng mặt trời và nhập khẩu điện từ các nước láng giềng thông qua kết nối lưới điện trong khu vực để giải quyết sự biến động về sản lượng thủy điện và nhu cầu điện ngày càng tăng.
Campuchia đầu tư vào năng lượng mặt trời, nhập khẩu điện từ các nước láng giềng
Thủy điện chiếm gần một nửa lượng điện sử dụng hàng năm của Campuchia nhưng sự biến động về sản lượng do sự gián đoạn ngày càng thường xuyên liên quan đến thời tiết đã khiến việc đa dạng hóa nguồn nhiên liệu trở nên quan trọng.
Hôm thứ Hai (23/10), bên lề Tuần lễ Năng lượng Quốc tế Singapore, Bộ trưởng Năng lượng Keo Rottanak cho biết Campuchia sẽ tập trung nhiều vào năng lượng mặt trời và gió để bổ sung cho những gì thủy điện có thể mang lạị. Ông nhấn mạnh “Chúng tôi muốn tận dụng điều đó với sự kết nối giữa Việt Nam và Lào.”
Phát biểu với Reuters, Bộ trưởng cho biết: “Thủy điện có một vai trò quan trọng, nhưng thủy điện có thể bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu hoặc hiện tượng nóng lên toàn cầu”. “Chính sách của chúng tôi là đưa năng lượng tái tạo, về cơ bản là năng lượng mặt trời, đến mức tối đa mà lưới điện có thể duy trì”.
Trong những năm tới, Campuchia vẫn coi thủy điện là trọng tâm trong cơ cấu nguồn điện. Bộ trưởng cho biết trong hai tuần tới, Campuchia sẽ công bố dự án thủy điện có công suất 1.000 MW. Ông tin rằng các thỏa thuận trao đổi năng lượng đa phương sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng trong khu vực.
“Đã đến lúc kêu gọi chấm dứt thỏa thuận song phương. Đã đến lúc bắt đầu kết nối tiểu khu vực và khu vực”. Campuchia sẽ đóng “vai trò tích cực để đảm bảo các nhà lãnh đạo xem xét lại khái niệm về lưới điện ASEAN”.
Trong nhiều thập kỷ, 10 thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cố gắng hình thành một mạng lưới khu vực nhằm tạo thuận lợi cho thương mại điện đa phương, nhưng tiến bộ mới giới hạn ở các thỏa thuận song phương. Ông Keo Rottanak nhấn mạnh: “Nếu chúng ta có thể lắp đặt cáp ngầm dưới biển cho Internet thì chúng ta cũng phải có khả năng lắp đặt cáp ngầm dưới biển để cung cấp điện”.
Dự báo ảm đạm của Solaredge phủ bóng đen lên ngành năng lượng mặt trời
Cổ phiếu của công ty năng lượng mặt trời SolarEdge Technologies giảm khoảng 27% trong giao dịch sau khi dự báo doanh thu quý III yếu hơn dự kiến, do hàng tồn kho cao và quá trình lắp đặt chậm hơn ở châu Âu.
Dự báo tồi tệ đè nặng lên toàn bộ lĩnh vực năng lượng mặt trời, với các công ty cùng ngành bao gồm Sunrun RUN.O, First Solar FSLR.O và Enphase Energy ENPH.O giảm từ 8% đến 16,50% trước đóng cửa.
Hôm thứ Năm tuần trước, SolarEdge cho biết họ dự kiến doanh thu quý III sẽ từ 720 triệu đến 730 triệu USD, thấp hơn so với dự đoán trước đó là 880 triệu đến 920 triệu USD. Theo dữ liệu của Refinitiv, kỳ vọng doanh thu được cập nhật cũng không đạt được ước tính của các nhà phân tích là 857,19 triệu USD.
Công ty có trụ sở tại Israel cho biết "hàng tồn kho trên các kênh cao hơn dự kiến và tốc độ lắp đặt chậm hơn dự kiến" đã dẫn đến số lượng đơn đặt hàng bị hủy bỏ đáng kể và việc giải quyết tồn đọng từ các nhà phân phối châu Âu trong quý.
Các nhà phân tích đã cảnh báo về một mùa thu nhập quý III khó khăn đối với các công ty năng lượng mặt trời do tồn kho quá mức và khả năng giảm triển vọng của SolarEdge.
Trong một ghi chú hôm thứ Sáu tuần trước (20/10), nhà phân tích Vikram Bagri của Citi cho biết: “Chúng tôi dự đoán doanh thu không đạt kỳ vọng này sẽ đè nặng lên toàn bộ không gian năng lượng mặt trời, đặc biệt ở thị trường châu Âu. Châu Âu từng được coi là động lực tăng trưởng chính, nhưng động cơ này hiện có vẻ đang chững lại”.
Solaredge cho biết họ dự kiến việc hàng tồn kho sẽ tiếp tục làm giảm đáng kể doanh thu trong quý IV.
Các nhà phân tích của TD Cowen cho biết việc không đạt doanh thu không phải là một bất ngờ lớn đối với thị trường ở châu Âu, nhưng việc không đạt tỷ suất lợi nhuận gộp lại đáng lo ngại hơn.
Các nhà phân tích của Morningstar cho biết, sự sụt giảm giá cổ phiếu của công ty sau thông báo này cho thấy rõ mức tăng trưởng doanh thu dài hạn thấp. Cổ phiếu SolarEdge đã mất khoảng 60% trong năm nay, tính đến lần đóng cửa cuối cùng.
Equinor ghi nhận khoản lỗ 300 triệu USD đối với danh mục năng lượng gió ngoài khơi của Mỹ
Hôm thứ Sáu (27/10), Equinor của Na Uy đã ghi nhận khoản phí tổn thất 300 triệu USD đối với danh mục điện gió ngoài khơi của Mỹ sau khi các quan chức New York từ chối yêu cầu đàm phán lại các điều khoản đã thỏa thuân, là thất bại mới nhất đối với lĩnh vực năng lượng gió này.
Trong báo cáo kinh doanh quý III của mình, Equinor cho biết sự suy giảm được ghi nhận ở phân khúc năng lượng tái tạo của công ty, xảy ra sau khi bang New York từ chối các kiến nghị liên quan đến thỏa thuận mua bán điện.
Cơ quan quản lý New York, Ủy ban Dịch vụ Công, ngày 12/10 đã từ chối yêu cầu tăng giá điện trung bình 54% từ nguồn điện sản xuất tại 3 trang trại gió để giải quyết áp lực lạm phát gần đây đang ảnh hưởng đến khả năng kinh tế của các dự án.
Equinor và đối tác BP của mình có kế hoạch xây dựng các trang trại gió Empire Wind 1, Empire Wind 2 và Beacon Wind ở ngoài khơi bang New York, có tổng công suất 3.300 MW, có khả năng cung cấp năng lượng cho 2 triệu hộ gia đình.
Các dự án gió ngoài khơi của Equinor trên Bờ biển Đông Bắc Hoa Kỳ đang phải đối mặt với lạm phát và những hạn chế về chuỗi cung ứng./.