Bạn trai đòi người yêu trả tiền thuê nhà khi cùng sống trong căn hộ của anh ấy, lương tăng thì tiền thuê cũng tăng theo
Cô và bạn trai ở chung trong căn chung cư bố anh mua cho. Cô trả tiền thuê nhà mỗi tháng cho bạn trai bằng nửa giá thuê theo thị trường.
Chia sẻ trên diễn đàn Reddit, cô gái giấu tên có tài khoản Recognition7065 cho biết cô và bạn trai ở chung trong căn chung cư bố anh mua cho. Căn hộ nằm trong khu vực sầm uất của thành phố nên giá thuê không hề rẻ. Cô trả tiền thuê nhà mỗi tháng cho bạn trai bằng nửa giá thuê theo thị trường và chia sẻ tiền sinh hoạt phí khác.
"Đó là một số tiền không nhỏ, nhưng tôi đã đồng ý với anh. Ngoài khoản tiền thuê nhà, chúng tôi đã chia mọi chi phí khác theo tỷ lệ 50-50", cô viết.
Cặp đôi mâu thuẫn khi bạn trai đòi tăng tiền thuê nhà vì cô chuyển công việc mới và có mức lương cao hơn, đồng thời phải chia lại tỷ lệ đóng góp chi phí mỗi tháng "cho công bằng".
"Tôi đã trả tiền thuê nhà cho anh ấy, số tiền đủ để tôi thuê 1 căn hộ cùng diện tích cách đó vài con phố. Tôi thấy điều đó là quá công bằng rồi. Chỉ vì tôi tăng lương mà anh đòi chia thêm thì thật vô lý" - cô nói.
Bạn trai cô giải thích với những lý lẽ không thuyết phục và đổ thừa cho cô là người nói dối. Nhưng cô vẫn không chấp nhận yêu cầu của anh.
"Tôi đã bình tĩnh hơn sau cuộc cãi vã, tôi lo lắng liệu đòi hỏi của mình có sai chỗ nào không. Bạn thân của tôi nói rằng đây cũng là cách cô ấy và người yêu chia sẻ khi sống chung. Chuyện sở hữu căn hộ không liên quan đến việc chia sẻ phí sinh hoạt trong nhà", cô nói.
Câu chuyện thu hút hàng chục nghìn lượt xem và bình luận.
- "Tại sao người yêu phải trả tiền thuê nhà trong khi đó là nhà của anh ấy như vậy? Thật vô lý";
- "Anh ấy chỉ đang lợi dụng bạn mà thôi";
- "Anh chàng này đang kiếm tiền từ người yêu của mình";
- "Bạn không hề sai. Người đàn ông này quá tệ, bạn nên cân nhắc chia tay"; ...
Tuy nhiên, một số khác tin rằng yêu cầu chia sẻ tài chính của bạn trai là đúng.
Sống chung với người yêu, phân chia tiền bạc ra sao
Ngày càng nhiều cặp lựa chọn sống chung với nhau trước khi kết hôn. Theo nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Pew (Mỹ), 48% cặp tình nhân cho rằng sống chung trước khi kết hôn giúp cuộc hôn nhân của họ bền chặt hơn.
Nếu quyết định làm điều tương tự, có lẽ bạn đang cảm thấy vừa phấn khích, vừa lo lắng. Một mặt, bạn sẽ dành nhiều thời gian chất lượng hơn với người yêu.
Mặt khác, bạn sẽ phải đối mặt với những thói quen hàng ngày gây khó chịu của đối phương. Tuy nhiên, chúng chưa chắc yếu tố gây phá vỡ mối quan hệ, nhưng vấn đề tiền bạc thì có thể.
Do đó, thảo luận cùng nhau và thống nhất về tài chính là điều kiện tiên quyết trước khi bạn dọn về sống chung với người yêu.
Xác định khoản chi phí chung
Trước tiên, hai bạn cần ngồi lại và trò chuyện nghiêm túc với nhau, đi đến thống nhất về các khoản chi phí chung, như tiền thuê nhà, tiền điện, tiền nước hay tiền chợ hàng tháng.
Bạn có thể bao gồm cả chi phí chăm sóc thú cưng nếu cùng sở hữu vật nuôi. Bạn và người yêu cũng cần một quỹ dự phòng nhằm trang trải các chi phí phát sinh.
Phân chia khoản đóng góp
Một số ý kiến cho rằng khi sống chung, mỗi bên nên chịu 50% chi phí sinh hoạt để đảm bảo đóng góp công bằng. Tuy nhiên, đây không phải cách thức hợp lý.
Thông thường, một người sẽ có thu nhập kém hơn bạn đời của mình. Nếu chia đôi chi phí sinh hoạt, người này có thể rơi vào tình trạng khó khăn tài chính, từ đó sinh ra bất hòa giữa hai bên.
Do đó, đóng góp tiền bạc dựa trên tỷ lệ phần trăm thu nhập của mỗi người sẽ là phương pháp phù hợp và công bằng hơn. Chẳng hạn, mỗi bên cùng đóng góp 50% lương hàng tháng của mình để trang trải sinh hoạt phí chung.
Bằng cách này, bạn vẫn có thể giữ lại cho mình một khoản tiền để mua sắm hay đầu tư cá nhân.
Để xác định cụ thể số tiền mỗi bên cần đóng góp, bạn nên tính tổng thu nhập của cả hai và tổng ngân sách chi tiêu chung. Sau đó, bạn lấy tổng thu nhập chia cho tổng ngân sách. Kết quả thu được là tỷ lệ phần trăm thu nhập mỗi người cần "nộp" vào quỹ chung.
Xác định những khoản chi tiêu riêng
Bạn nên chịu trách nhiệm cho các khoản cá nhân như mua quần áo và đồ dùng cá nhân, làm đẹp, mua bảo hiểm hoặc trả nợ. Nếu ăn ngoài nhà hàng một mình hoặc chiêu đãi bạn bè, người thân mà không có đối phương, bạn nên dùng tiền riêng để thanh toán.
Ngoài ra, bạn cũng nên có quỹ dự phòng cá nhân, có trị giá bằng khoản chi tiêu trong vòng 3-6 tháng, bao gồm cả số tiền đóng góp vào ngân sách sinh hoạt chung.
Bên cạnh đó, bạn và người yêu không nên sở hữu tài sản chung cho đến khi đăng ký kết hôn hợp pháp. Theo luật pháp, bạn không được hưởng nhiều quyền khi sống chung trước hôn nhân. Do vậy, việc mua nhà hoặc ôtô cùng nhau có thể càng khiến việc phân chia tài sản khó khăn hơn.