Bán tranh mùa dịch
Việt Nam có hay không những 'họa sỹ triệu đô'? Cuối năm 2019, một tờ báo trong nước đưa ra danh sách 10 họa sỹ 'triệu đô' của Việt Nam. Nếu thoạt nghe nhiều người sẽ giật mình, chẳng lẽ Việt Nam nhiều danh họa 'nặng đô' đến thế? Thực ra, 'triệu đô' theo cách tính của hội họa Việt có hơi khác 'triệu views' trên youtube.
Những họa sỹ “triệu đô” Việt là những họa sỹ đã bán được nhiều bức tranh có giá trị cao, tính tổng có thể lên tới một đến vài triệu đô. Một bức tranh ở giao dịch thứ cấp, tức mua đi bán lại, đạt giá trên dưới 100 ngàn USD đã đáng để danh họa Việt đương thời thấy “vinh dự tự hào” ít nhiều.
Ở ta, cũng có những bức tranh giá triệu đô nhưng tác giả thuộc về những bậc “cây cao bóng cả” đã khuất, như bức “Khỏa thân”, sơn dầu, 90,5cmx180,5cm của Lê Phổ, đã lập kỷ lục bức tranh Việt có giá cao nhất trong lịch sử với 10.925.000 HKD, gần 1.4 triệu USD, tại phiên đấu giá Thế kỷ 20 và nghệ thuật đương đại, diễn ra tại Christie’s Hong Kong sáng 26/5/2019.
Ngay trong mùa dịch COVID-19, những người yêu hội họa chứng kiến nhiều cuộc đấu giá tranh ở qui mô nhỏ, để quyên góp tiền chung tay đẩy lùi COVID-19. Đáng chú ý có thể kể đến hoạt động bán tranh từ thiện của một nhóm nhà báo ở Hà Nội. Họ qui tụ được rất nhiều tên tuổi của làng hội họa Việt đương đại, tổng số tiền thu được từ việc đấu giá tranh lên tới gần 600 triệu đồng. Ở đây, có thể thấy, những bức tranh của những tác giả tên tuổi đạt mức giá cao nhất.
Xếp đầu tiên kể đến một bức sơn dầu 50x40 cm của họa sỹ trừu tượng Phạm An Hải, được mua với giá 43 triệu đồng. Một bức tranh nhỏ, có giá bằng vài tháng lương của một công chức bình thường, nghe có vẻ lớn chuyện, song nếu qui ra “đô” chưa đầy 2.000 USD. Thử hỏi, vươn tới họa sỹ của bức tranh triệu đô đúng nghĩa xa xôi thế nào? Qua phong trào bán tranh mùa dịch cũng có thể kiểm chứng giá tranh của nhân vật nọ, nhân vật kia, từ đồn đại đến thực tế, khác nhau ra sao.
Một số họa sỹ Việt tin rằng, thị trường tranh Việt đã và đang ấm dần lên. Họ cho rằng, nhu cầu chơi tranh trong dân chúng đang “nóng” rất nhanh. Đó là một tín hiệu lạc quan song giá tranh không vì thế mà đẩy lên tương đương mong muốn của họa sỹ. Gần đây, ở Hà Nội nổi lên một nhóm những người sưu tập tranh, chuyên càn quét tranh của các họa sỹ nổi tiếng Việt Nam đương thời.
Ban đầu, họ cũng khiến những người yêu hội họa ở ngoài nhòm vào vừa háo hức, vừa nể phục. Nhưng chẳng bao lâu những nhà sưu tập mới nổi đã khiến người ta thất vọng, các danh họa được họ mua tranh ít nhiều cảm thấy ê chề. Họ bán tranh không khác bán rau, mua mấy hôm trước có khi bán ngay mấy hôm sau, giá nâng lên, hạ xuống chóng vánh, vừa bán vừa la hội họa Việt âm u, tối mù.
Cứ quan sát những màn bán tranh danh họa Việt của nhóm sưu tập này chỉ thấy tranh Việt mất giá. Ở đây không đơn giản là giá được đo bằng tiền, mà là giá trị của một sản phẩm tinh thần. Mới hiểu vì sao một số họa sỹ tên tuổi luôn miệng khẳng định: Tranh của tôi chủ yếu ra nước ngoài. Ra thật hay không cũng khó kiểm chứng song dù sao, với thị trường nhôm nhoam như hiện nay, cứ nói vậy có khi cũng đỡ buồn lòng.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/ban-tranh-mua-dich-1658980.tpo