Bạn trẻ áp lực vì luôn phải sẵn sàng nhận việc
Những dòng tin nhắn 'chỉ mất vài phút thôi' từ cấp trên không chỉ lấy đi giấc ngủ của Hoàng Văn Huy (26 tuổi, Hà Nội), mà còn gặm nhấm sức khỏe và tinh thần của anh sau mỗi ca làm việc kéo dài. Không riêng Huy, nhiều người trẻ cũng đang vật lộn với khối lượng công việc không giới hạn, dẫn đến kiệt sức cả về thể chất lẫn tâm lý.
Bị bệnh vẫn phải... tăng ca
Tháng 10/2024, vừa trở về nhà sau một đợt điều trị đau dạ dày cấp, Hoàng Văn Huy, 26 tuổi, nhận được tin nhắn khẩn từ trưởng phòng yêu cầu chuẩn bị một báo cáo phân tích dữ liệu khách hàng trước buổi họp sáng hôm sau. Huy đang làm chuyên viên phân tích dữ liệu tại một công ty thương mại điện tử ở Hà Nội.
"Chỉ là một vài biểu đồ nhỏ, làm nhanh thôi" - dòng tin nhắn từ cấp trên quen thuộc đến mức anh không cần nhìn cũng đoán được nội dung. Nhưng "vài biểu đồ" thường đồng nghĩa với 5-6 tiếng ngồi trước màn hình máy tính.
"Thời gian làm việc của mình không bao giờ kết thúc lúc 6 giờ tối như hợp đồng ghi. Công việc thường kéo dài đến khuya, chưa kể những yêu cầu phát sinh bất kể ngày nghỉ hay lúc đang nằm viện," Huy chia sẻ.
Dù đã cố gắng hết mình, Huy vẫn luôn bị nhận xét "chưa đáp ứng kỳ vọng", khiến áp lực ngày một tăng cao. Không chỉ mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống, Huy còn thường xuyên trong trạng thái kiệt sức.
Phạm Ngọc Quỳnh, (25 tuổi, TP.HCM), làm việc trong ngành tổ chức sự kiện, cũng trải qua cảm giác tương tự. Đầu năm nay, công ty cô ký hợp đồng lớn với một khách hàng nước ngoài, dẫn đến việc toàn bộ nhóm phải làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ.
"Mỗi tuần mình làm ít nhất 12 tiếng một ngày, kể cả cuối tuần. Đôi khi mình ngủ lại văn phòng vì không còn thời gian để về nhà," Quỳnh kể. Tuy nhiên, điều khiến cô căng thẳng không chỉ là khối lượng công việc mà là những yêu cầu đột xuất của sếp, đôi khi đến vào nửa đêm.
Một lần, quản lý yêu cầu Quỳnh phải điều chỉnh hợp đồng cho khách hàng vào lúc nửa đêm. Tuy nhiên, do toàn bộ tài liệu cần thiết đều để ở văn phòng, Quỳnh buộc phải lái xe đến công ty trong đêm khuya. Việc thường xuyên bị giao nhiệm vụ bất ngờ ngoài giờ đã khiến Quỳnh dần hình thành thói quen luôn mang theo điện thoại, ngay cả khi đi tắm và bật chuông ở mức lớn nhất để không bỏ lỡ bất kỳ cuộc gọi nào.
"Lúc đó, mình không có quyền từ chối, dù đang mệt mỏi hay có kế hoạch cá nhân. Mọi người đều hiểu ngầm rằng nếu không xử lý, cơ hội thăng tiến hoặc giữ được vị trí sẽ khó khăn hơn," cô nàng nói thêm.
Mặt trái của sự linh hoạt
Th.S Nguyễn Mai Lan, chuyên viên tuyển dụng tại Công ty Cổ phần One Mount Group, nhận định rằng tình trạng "luôn phải sẵn sàng làm việc" đã trở thành mặt trái của mô hình làm việc linh hoạt của nhiều doanh nghiệp hiện nay. Nguyên nhân là do một số công ty, doanh nghiệp cắt giảm nhân sự, dồn công việc cho nhân viên ở lại hoặc muốn thúc ép để tăng hiệu suất. Bên cạnh đó, sau đại dịch Covid-19, nhiều công ty cũng cho phép nhân viên làm việc từ xa, nhưng điều này đồng thời xóa mờ ranh giới giữa thời gian làm việc và thời gian cá nhân.
"Ban lãnh đạo thường kỳ vọng rằng nhân viên sẽ đáp ứng mọi yêu cầu công việc ngay lập tức, bất kể thời điểm nào. Nhưng sự áp đặt này khiến người lao động dần mất đi sự cân bằng, dẫn đến căng thẳng và kiệt quệ," chị Lan phân tích.
Báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2021 cho thấy, làm việc hơn 55 giờ mỗi tuần làm tăng 35% nguy cơ đột quỵ và 17% nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Điều này lý giải tại sao ngày càng nhiều người trẻ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng dù tuổi đời còn rất trẻ.
Với Huy, áp lực công việc không chỉ lấy đi thời gian cá nhân mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Gần đây, Huy phát hiện bị rối loạn giấc ngủ và thoái hóa cột sống cổ do ngồi máy tính quá lâu.
"Mình liên tục nghe tiếng chuông thông báo của điện thoại ngay cả khi không có ai gọi, giống như bị ám ảnh," Huy chia sẻ.
Tương tự, tình trạng của Quỳnh cũng không khá hơn Huy là bao. Việc thường xuyên tăng ca khiến cô nàng bị viêm dạ dày nặng, tóc rụng nhiều và cân nặng sụt giảm nghiêm trọng. "Có những ngày mình chỉ muốn nghỉ việc, từ bỏ tất cả để giải thoát cho bản thân," Quỳnh chia sẻ.
Th.S Nguyễn Mai Lan cho rằng để giải quyết tình trạng này, doanh nghiệp cần thiết lập ranh giới rõ ràng giữa giờ làm việc và thời gian nghỉ ngơi của nhân viên. "Làm việc ngoài giờ có thể xảy ra trong những trường hợp bất khả kháng, nhưng không nên trở thành một mặc định, một điều 'đương nhiên phải tuân thủ'," chị nói.
Chuyên gia nhận định, thúc ép quá mức có thể tăng năng suất tạm thời nhưng dễ gây tâm lý chống đối, bất mãn từ nhân viên. Thay vào đó, quản lý nên khuyến khích động lực và niềm vui trong công việc, đồng thời rõ ràng về thời gian làm việc, phân loại việc gấp và việc có thể trì hoãn. Nhân sự trong quá trình tuyển dụng cũng nên mô tả rõ công việc, tránh bỡ ngỡ cho người lao động.
"Đồng thời, người lao động cũng cần hiểu rõ quyền lợi của mình. Theo Luật Lao động năm 2019, người lao động không bắt buộc phải làm việc ngoài giờ nếu không có sự đồng ý từ người lao động và được trả lương tăng ca theo đúng quy định", chị cho biết thêm.
Sau hơn 5 năm làm việc cường độ cao, tháng trước, Quỳnh quyết định nghỉ việc để tìm một công việc nhẹ nhàng hơn. "Lương thấp hơn, nhưng mình có thời gian sống cho bản thân và gia đình. Điều đó đáng giá hơn rất nhiều," cô nói.
Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-ap-luc-vi-luon-phai-san-sang-nhan-viec-post1703155.tpo