Bạn trẻ miền Trung - Tây Nguyên sáng tạo robot, tranh tài trên đường đua Robotics. Clip: Giang Thanh
Chiều 6/1, tại Đà Nẵng diễn ra cuộc thi Vietnam Open Robotics Challenge 2023 với sự tham gia của 16 đội thi đến từ các trường THPT trên địa bàn khu vực miền Trung – Tây Nguyên. Ảnh: Giang Thanh
Vietnam Open Robotics Challenge 2023 là chương trình đào tạo, thực hành và thi đấu về robotics miễn phí dành cho đối tượng là học sinh THPT trên cả nước. Chương trình được tổ chức bởi Trường Đại học FPT với mong muốn tạo sân chơi để các bạn trẻ tiếp xúc với các nền tảng thiết kế - phát triển ý tưởng về robotics, đồng thời, nâng cao kỹ năng, năng lực của bản thân trong hành trình theo đuổi sự nghiệp tương lai.
Năm nay, cuộc thi thu hút hơn 206 đội thi với hơn 1.500 thí sinh đến từ các trường THPT tại 46 tỉnh, thành trên cả nước đăng ký tham gia. Các đội thi được trải qua vòng tập huấn, đào tạo để có thể tạo ra những sản phẩm robot phù hợp với yêu cầu. Tại Đà Nẵng, BTC đã lựa chọn 16 đội thi xuất sắc nhất của khu vực miền Trung – Tây Nguyên tranh tài. Mỗi đội thi có tối thiểu 3 thành viên và tối đa 15 thành viên.
Cuộc thi diễn ra với 2 vòng: vòng bảng và vòng chung kết, có 4 sân thi đấu ứng với 4 bảng. Tại vòng bảng, mỗi đội sẽ có 2 lượt thi đấu. Mỗi lượt kéo dài 2 phút 30 giây. Mỗi đội có 1 phút để chuẩn bị đưa xe vào khu vực xuất phát và sẵn sàng thi đấu.
Khi có hiệu lệnh xuất phát từ trọng tài, robot bắt đầu chạy cho đến khi về đích hoặc hết thời gian của lượt thi đấu. Kết quả của lượt thi đấu được tính bằng thời gian robot hoàn thành vòng đầu tiên của sa hình. Mỗi vòng hoàn chỉnh được tính từ khi robot xuất phát, đi qua các vạch màu và quay trở lại khu vực xuất phát.
Các đội lần lượt thi đấu 2 lần, lấy thời gian ngắn nhất trong 2 lượt làm thành tích cuối cùng. Trong thời gian quy định, nếu robot của đội thi không thể hoàn thành một vòng hoàn chỉnh thì kết quả của đội được tính là 2 phút 30 giây. Các robot vận hành hoàn toàn tự động trong suốt lượt thi.
Khi robot gặp sự cố, các đội được quyền vào sân đưa xe về khu vực xuất phát để thực hiện lại vòng hoặc can thiệp về kỹ thuật, không giới hạn lượt chạy lại và không dừng bộ đếm thời gian.
Sau vòng bảng, 2 đội thi xuất sắc nhất của mỗi bảng đấu được lựa chọn tham gia vòng chung kết. 8 đội thi sẽ lần lượt thi đấu lấy thành tích để xếp hạng.
Trong trường hợp thành tích của các đội bằng nhau hoặc cùng là 2 phút 30 giây, kết quả sẽ được đánh giá theo quãng đường đi xa nhất trên sa hình.
Với 10 thành viên, đội thi Quantum Questors đến từ trường THPT Phan Châu Trinh mất gần 2 tuần để hoàn thiện robot tham gia cuộc thi. Các thành viên đều học sinh lớp 10 và lớp 11, các bạn tự tìm hiểu, mày mò kiến thức để sáng chế robot.
Theo em Phan Nguyễn Cát Tường (thành viên đội thi), khó khăn nhất trong quá trình sáng chế là quá trình lập trình và áp dụng thuật toán robot hoàn thành đường đua trong thời gian ngắn nhất.
“Cuộc thi tạo cho chúng em sân chơi lý thú, bổ ích. Em mong muốn ở trường học có nhiều hơn nữa những sân chơi khoa học kỹ thuật, sân chơi robot như thế này để chúng em có cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao kỹ năng, kiến thức”, Tường nói.
8 đội vào vòng Chung kết đã tham gia phỏng vấn trực tiếp với Hội đồng BGK để đánh giá và ra quyết định đội thi nhận giải Inspire Award. Hai đội nhận được giải thưởng Inspire Award là đội thi của trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) và trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên); được tài trợ chi phí cho toàn bộ thành viên và hỗ trợ bộ KIT robot trong quá trình tham gia giải đấu FIRST Tech Challenge Vietnam tại Hà Nội vào ngày 24/2 tới đây.
Ngoài ra, BTC cũng trao giải nhất cho đội thi THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) và giải nhì cho đội thi THPT Chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng).
Giang Thanh