Bạn trẻ mở lớp 'Học để chung sống'

Mong muốn thỏa trí tò mò về những điều trường phổ thông chưa dạy, một nhóm bạn trẻ đã thành lập lớp học nâng cao nhận thức các vấn đề xã hội của Việt Nam và thế giới. Cộng đồng học thuật trẻ này đã duy trì được 6 năm với tinh thần học để hiểu mình, hiểu xã hội và biết cách chung sống trong xã hội.

Tự mở lớp để cùng nhau học

V.Gen Network for Vietnam là lớp học dành cho người trên 18 tuổi hứng thú khám phá các giá trị về công bằng, đa dạng, dung hợp và tiếp cận, được sáng lập bởi Nguyễn Minh Hậu (25 tuổi, chuyên viên giáo dục tại một trường cấp 3). Mỗi năm lớp tổ chức khoảng 1 tuần học liên tiếp. Ngoài ra, dự án mở song song “khóa nhỏ” cùng nội dung cho học sinh ở miền Tây. Sau 6 năm sáng đèn, lớp nhận được hơn 2.000 đơn ứng tuyển và tạo cơ hội cho gần 500 bạn trẻ tham dự, học hỏi, trao đổi kiến thức dưới sự dẫn dắt của các chuyên gia. Các đề tài từng năm luôn rất hấp dẫn như “Đạo đức và liêm chính”, “Bất bình đẳng giới dưới góc nhìn kinh tế - chính trị”, “Nghệ thuật biểu đạt: hợp tác và tình yêu”, “Đặt vấn đề về tri thức”…

Hồ Anh Tuấn (21 tuổi, sinh viên Trường Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TPHCM), một thành viên trong ban tổ chức lớp, chia sẻ: “Mỗi khóa, nhóm dành 1 năm để lên ý tưởng, nội dung, thuyết phục chuyên gia về giảng dạy… Những ngày cao điểm, nhóm dành khoảng 28 tiếng/tuần để chuẩn bị”. Thành phần của lớp rất đa dạng: từ học sinh cấp 3 đến tiến sĩ, có cả người tu hành, người chuyển giới, người khiếm khuyết, làm đủ các ngành nghề…

Theo Minh Hậu: “Thiết kế trải nghiệm của lớp là để người tham gia cùng thầy cô nói lên quan điểm, trải nghiệm của mình và cùng chất vấn để mở rộng vấn đề. Cùng phân tích những chia sẻ đó, tạo thành kho “trí khôn tập thể”, ai cũng góp một phần rất đặc biệt trong đó mà nếu không đi cùng nhau, “kho trí khôn” này sẽ là một phiên bản khác”.

Tâm đắc nhất với bài giảng “Đa dạng văn hóa dưới góc nhìn nhân học” của PGS-TS Phạm Quỳnh Phương và “Chính sách giáo dục và sự lề hóa” của thầy Hoàng Minh Thông, bạn Đình Nguyên (22 tuổi, ngụ Gia Lai) nói: “Em là người dân tộc Bana, sau khi tốt nghiệp cấp 3, do hoàn cảnh, em không có cơ hội học tiếp tại các bậc học cao hơn, hay xin việc ở các xí nghiệp. Em rất buồn vì mình và một số bạn ở quê mãi rơi vào hoàn cảnh như vậy”. Năm ngoái, V.Gen mở cho bạn trẻ ham học này một cơ hội. Học xong, Nguyên nhận ra: Không phải giáo dục đóng cửa với mình, sự học không nhất định cứ phải vào trường lớp, ai cũng có thể tiếp cận sự học ở khắp nơi, miễn là luôn giữ được khát khao học tập. Về quê, Nguyên vừa phát triển nông nghiệp và tiếp tục tìm cơ hội bổ sung học vấn cho mình.

Bí quyết nhận tài trợ “khủng”

Dự án của nhóm bạn được tài trợ bởi Lãnh sự quán Mỹ tại TPHCM năm 2023 và 2024. Theo Minh Hậu, cái khó nhất của xin tài trợ là phần làm hồ sơ sao cho thật sự thuyết phục. Hồ sơ này bao gồm bản ý tưởng chiến lược dự án, chi tiết nội dung chương trình học và kê khai kinh phí dự kiến… Mà để soạn được cần có một “bề dày” tích lũy trải nghiệm, nâng cấp ý tưởng ròng rã 4 năm trước đó.

Ý tưởng muốn xin tài trợ từ Lãnh sự quán Mỹ đã bắt đầu từ 2018, khi Minh Hậu mới 19 tuổi và 5 người bạn khác cùng nhau làm khóa đầu tiên. Mạnh dạn, không sợ bị từ chối, nhóm bạn liên hệ xin hợp tác với khoa Giáo dục, Trường Đại học KHXH-NV - Đại học Quốc gia TPHCM để mượn phòng học, nhờ mạnh thường quân cung cấp cơm trưa cho học viên.

“Đơn giản là mình trung thực, thẳng thắn trình bày mục tiêu, ý tưởng của mình thì các thầy cô không ai từ chối mình. Em tin mình làm việc với tâm tốt sẽ được hiểu và giúp đỡ. Như khóa năm 2022-2023 được phối hợp tổ chức với Trường Đại học Thái Bình Dương (Nha Trang), được trường cung cấp ký túc xá nội trú suốt chương trình cho hơn 60 giảng viên, học viên và còn được trường hỗ trợ người hướng dẫn leo núi, thiền, yoga, tham quan di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề địa phương. Các bạn học viên từ khắp nơi như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, miền Tây… cũng không ngại đường xa đến học”, Minh Hậu chia sẻ.

Hỏi về bí quyết thuyết phục các chuyên gia lớn về dạy cho sinh viên, nhóm bạn cho rằng, miễn mình tâm huyết vào dự án, trình bày gọn ghẽ, rõ ràng những giá trị mà mình muốn đem đến cho cộng đồng. Những tư tưởng này đồng điệu với điều chuyên gia hướng đến, họ sẽ muốn chia sẻ và đồng hành với mình. Các thầy cô đều rất sẵn sàng sắp xếp lịch công tác, dời chuyến bay… để hỗ trợ miễn phí chứ không cần quen biết trước, gởi thù lao cao, hay “thủ thuật giao tiếp” nào cả.

Ngoài ra, một ý tưởng rõ ràng về đề tài cần được các chuyên gia chia sẻ cũng là điều cần thiết. Không nhất thiết phải là ngách nội dung họ thường nói chuyện, đặt hàng một nội dung chưa được nhắc đến bao giờ, đổi mới, sáng tạo luôn khiến thầy cô hứng thú.

TÂM HIỀN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/ban-tre-mo-lop-hoc-de-chung-song-post752353.html