Bạn trẻ nghỉ việc, học thêm sau thời gian đi làm bị chây ì

Sau thời gian làm việc, nhiều bạn trẻ rơi vào 'khoảng trũng'. Họ lựa chọn học thêm cái mới để chuyển hướng hoặc tìm lại động lực phấn đấu.

Nguyễn Lan (23 tuổi) tốt nghiệp cử nhân ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngân hàng. Công việc hiện tại ở một ngân hàng khiến Lan nhiều khi rơi vào khoảng "trũng", mất động lực làm việc.

Đây cũng là tình trạng Quang Hiếu (24 tuổi) gặp phải. Anh từng làm việc trong cơ quan Nhà nước theo định hướng của gia đình. Tuy nhiên, sau một năm làm việc, Hiếu nhận ra mình không thực sự yêu thích hay đủ kiên nhẫn để tiếp tục công việc này. Anh chuyển hướng sang học và làm kinh doanh.

 Đã có khoảng thời gian, Hiếu mất động lực làm việc. Ảnh: NVCC.

Đã có khoảng thời gian, Hiếu mất động lực làm việc. Ảnh: NVCC.

Khoảng "trũng"

Năm năm trước, Nguyễn Lan trúng tuyển ngành Ngôn ngữ Anh, Học viện Ngân hàng. Lan mong muốn ra trường làm phiên dịch viên hoặc làm cho các doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng đến nay, sau một năm ra trường, Lan vẫn gắn bó với vị trí nhân viên tín dụng tại một ngân hàng lớn.

Lan nhớ lại thời gian đầu mới vào làm, áp lực công việc bủa vây. Đây lại không phải là công việc cô mong muốn. Nhìn đồng nghiệp xung quanh rất giỏi, cô gái trẻ càng không tự tin vào bản thân mình. Cô thường xuyên rơi vào tình trạng thiếu ngủ, sa sút tinh thần và dường như mất hết động lực làm việc.

“Thời gian ấy, có những ngày, mình thức dậy mà không còn chút sức lực nào, trong đầu luôn hiện lên câu hỏi nên nghỉ làm không”, Nguyễn Lan tâm sự.

Trong khi đó, Quang Hiếu tốt nghiệp cử nhân ngành Quản lý thông tin, ĐH Nội vụ Hà Nội. Trước đây, Hiếu từng làm trong một cơ quan Nhà nước theo nguyện vọng gia đình. Công việc mang tính hành chính nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại mỗi ngày và tương đối ổn định, “nắng không đến mặt, mưa không tới đầu”.

Tuy nhiên, mỗi ngày tám giờ đồng hồ, Hiếu làm việc như được lập trình sẵn, đến và về đúng giờ, không vui, không buồn, không luận bàn hay tranh cãi, cũng không kết thân với đồng nghiệp do khoảng cách tuổi tác.

Công việc nhàm chán, ít sự sáng tạo, lại không phát huy được khả năng của bản thân. Lâu dần, Hiếu không tìm thấy cái đích để hướng đến, mất động lực cố gắng.

Ngày ngày, anh ngồi bàn giấy, không có động lực làm việc. Những lúc đó, Hiếu nhớ lại tháng ngày sinh viên tự do khám phá. Anh nhìn sang bạn bè, thấy họ vươn xa trong cuộc sống, người khởi nghiệp, người đi đây đi đó. Hiếu “thèm” được như thế.

 Lan nhận ra cách để đối mặt và vượt qua khó khăn là tự tạo cho mình động lực để phấn đấu, vượt qua, phát triển. Ảnh: NVCC.

Lan nhận ra cách để đối mặt và vượt qua khó khăn là tự tạo cho mình động lực để phấn đấu, vượt qua, phát triển. Ảnh: NVCC.

Tìm lại động lực

Sau 5 tháng làm việc, Lan dần nhận ra người trẻ nào khi bước vào đời cũng gặp phải khó khăn. Cách để đối mặt, vượt qua khó khăn ấy là tự tạo cho mình động lực để phấn đấu và phát triển. Để vượt qua khoảng "trũng", Lan tự đặt ra cho mình 2 câu hỏi.

Cô tự hỏi môi trường làm việc hiện tại như thế nào, cô có cơ hội để đóng góp, phát triển, thăng tiến không.

Câu hỏi thứ hai, cô có thể tận dụng được điều gì từ công việc này (kinh nghiệm, mối quan hệ công việc, kỹ năng, cơ hội…) để chuyển sang công việc khác mình muốn làm.

Nguyễn Lan tự đánh giá môi trường làm việc ở ngân hàng rất ổn, đồng nghiệp thân thiện, nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ để cô tự tin hơn và có cơ hội phát triển. Trước đây, Lan từng đi làm thêm một số chỗ. Vì vậy, cô hiểu rằng việc tìm được môi trường làm việc tốt không dễ.

Từ công việc hiện tại, Lan có thêm nhiều kinh nghiệm, kỹ năng hơn. Các mối quan hệ với các cá nhân, doanh nghiệp cũng được mở rộng. Mức thu nhập rất ổn, đủ để cô chi trả sinh hoạt hàng ngày, gửi về cho bố mẹ và tích cóp cho bản thân. Điều quan trọng, Lan thấy mình dần hợp với công việc này.

Đôi khi, công việc vẫn có áp lực. Một vài ngày, Lan không muốn đi làm nhưng cô nhìn lại những thứ mình đã làm được để cố gắng. Cô cũng dành thời gian cho bản thân nhiều hơn, tập thể thao, đi du lịch để bớt căng thẳng.

Ngoài ra, Lan học thêm các kỹ năng mới, tích lũy thêm vài chứng chỉ để bản thân không bị thui chột, đồng thời phát triển hơn. Thỉnh thoảng, Lan nhận thêm công việc phiên dịch cho du khách nước ngoài vào cuối tuần.

Hiện tại, Hiếu yêu thích công việc và cuộc sống hơn. Ảnh: NVCC.

Hiện tại, Hiếu yêu thích công việc và cuộc sống hơn. Ảnh: NVCC.

Hướng đi mới

Khác với Lan, Quang Hiếu mạnh dạn bước ra khỏi “vùng an toàn”, khám phá thêm điểm mạnh, nhận ra điểm yếu của bản thân.

Trước đó, lúc chán nản, Hiếu tâm sự với bố mẹ và người đi trước nhưng đều nhận được lời khuyên cần kiên trì, mới bắt đầu lúc nào cũng vậy. Nhưng Hiếu nghĩ anh nên có hành động để thay đổi tình hình chứ không phải kiên trì chờ đợi ngày qua ngày mà không nhìn thấy kết quả. Hơn nữa, anh sợ cứ như vậy, bản thân sẽ ngày càng chây ì.

Vì thế, Hiếu quyết định nghỉ việc vào đúng thời gian Hà Nội thực hiện giãn cách hồi tháng bảy năm ngoái. Anh trở về nhà, dành 2 tháng nghỉ dịch để suy nghĩ mình thực muốn gì, cần làm gì, đặt ra mục tiêu ngắn hạn, dài hạn.

Với niềm yêu thích kinh doanh từ nhỏ, đồng thời đã tìm hiểu từ năm nhất, Hiếu ứng tuyển vào làm việc tại phòng kinh doanh của một doanh nghiệp chuyên về nhập khẩu ở Hà Nội. Hiện tại, mỗi ngày đi làm với Hiếu không còn là những ngày tẻ nhạt, nhàm chán.

Ở đây, anh vừa làm việc vừa được học thêm về kinh doanh. Quan trọng hơn, anh chứng minh được năng lực bản thân, sáng tạo và phát triển. Ngoài ra, Hiếu cùng một số người bạn thực hiện dự án startup về lĩnh vực công nghệ thông tin.

“Mọi thứ mới đang là bước khởi đầu, vẫn còn rất nhiều khó khăn, thử thách phía trước nhưng mình tin bản thân làm được. Cuộc đời có ý nghĩa sẽ luôn cần những va chạm và bước về phía trước”, Hiếu chia sẻ.

Ngọc Bích

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ban-tre-nghi-viec-hoc-them-sau-thoi-gian-di-lam-bi-chay-i-post1316782.html