Bạn trẻ rần rần tạo ảnh phong cách Ghibli bằng ChatGPT

Những ngày qua, mạng xã hội rộn ràng với trào lưu tạo ảnh theo phong cách Ghibli bằng ChatGPT. Không cần kỹ năng đồ họa phức tạp, chỉ cần một câu lệnh đơn giản, bạn trẻ đã có ngay những bức tranh lung linh như bước ra từ thế giới hoạt hình của Studio Ghibli – hãng phim nổi tiếng với các tác phẩm kinh điển như Spirited Away, My Neighbor Totoro hay Howl's Moving Castle.

Trào lưu khiến Gen Z mê mẩn

Gần đây, hàng loạt nền tảng mạng xã hội như Facebook, Threads, Instagram tràn ngập những bức ảnh đậm chất Ghibli "hand-made" đến từ người dùng. Điều thú vị là, tất cả đều được tạo ra chỉ bằng vài cú nhấp chuột thông qua công cụ tạo ảnh AI Images for ChatGPT do OpenAI phát triển.

Cảnh nổi tiếng trong bộ phim Titanic được "hô biến" sang phong cách hoạt hình Ghibli. (Ảnh: Mạng xã hội)

Cảnh nổi tiếng trong bộ phim Titanic được "hô biến" sang phong cách hoạt hình Ghibli. (Ảnh: Mạng xã hội)

Theo Sam Altman – CEO OpenAI, tính năng tạo ảnh này ngay lập tức thu hút sự chú ý của giới trẻ toàn cầu. Chỉ trong vài ngày ra mắt, số lượng người sử dụng đã tăng vọt, thậm chí còn gây quá tải hệ thống. Ông Altman thừa nhận rằng GPU của họ đang phải hoạt động hết công suất để đáp ứng nhu cầu khổng lồ từ cộng đồng người dùng.

Công cụ tạo ảnh này cho phép người dùng chuyển đổi ảnh cá nhân sang phong cách Ghibli bằng cách tải ảnh lên ChatGPT, sau đó nhập lệnh chuyển đổi kèm các yêu cầu chi tiết nếu cần. Sau chưa tới một phút, người dùng sẽ nhận được kết quả là một bức tranh mang đậm hơi thở nghệ thuật của Studio Ghibli.

Bức tranh Nàng Mona Lisa theo phong cách hoạt hình Ghibli. (Ảnh: Mạng xã hội)

Bức tranh Nàng Mona Lisa theo phong cách hoạt hình Ghibli. (Ảnh: Mạng xã hội)

Một meme nổi tiếng cũng được làm theo phong cách Ghibli. (Ảnh: Mạng xã hội)

Một meme nổi tiếng cũng được làm theo phong cách Ghibli. (Ảnh: Mạng xã hội)

“Thấy người ta đăng lên nhiều nên mình cũng thử xem sao. Chỉ cần tải ảnh lên, gõ câu lệnh yêu cầu chuyển đổi phong cách Ghibli là có ngay bức hình ưng ý. Vừa nhanh vừa dễ thương, không thử thì uổng!” – Minh Thư (sinh viên Đại học Kinh tế Quốc dân) hào hứng chia sẻ.

Phông chữ Tiếng Việt được thể hiện đúng trên ảnh khoảng 60-70%. (Ảnh: NVCC)

Phông chữ Tiếng Việt được thể hiện đúng trên ảnh khoảng 60-70%. (Ảnh: NVCC)

Nhiều bạn trẻ khác cũng khẳng định rằng công cụ này đã cải thiện đáng kể khả năng xử lý chữ tiếng Việt trên ảnh – điều mà các công cụ AI khác thường gặp khó khăn.

“Lần này, chữ viết trên ảnh không còn bị lỗi quá nhiều như trước, có thể đúng chính tả tới 60%-70% luôn. Thấy cải tiến hẳn đó chứ!” – Minh Hạnh (23 tuổi, Hà Nội) nhận xét.

Minh Hạnh và bức ảnh theo phong cách Ghibli của cô nàng. (Ảnh: NVCC)

Minh Hạnh và bức ảnh theo phong cách Ghibli của cô nàng. (Ảnh: NVCC)

Sự phổ biến của phong cách Ghibli không phải là điều gì quá lạ lẫm. Các bộ phim của Studio Ghibli nổi tiếng với sự tinh tế trong cách vẽ tay, màu sắc tươi sáng, đường nét mềm mại và đặc biệt là sự dung hòa giữa hiện thực và huyền ảo. Chính điều này đã tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt, khiến nhiều người trẻ muốn thử sức với việc biến hình ảnh của mình thành những bức tranh mang đậm chất Ghibli.

Những hình ảnh Ghibli được tạo ra từ ChatGPT không chỉ gây sốt vì đẹp mà còn bởi sự tiện lợi. Không cần phải là một họa sĩ tài năng, bất cứ ai cũng có thể sở hữu một bức tranh theo phong cách Ghibli chỉ trong tích tắc.

“Mình là fan cứng của Studio Ghibli từ bé. Giờ đây có thể biến ảnh của mình thành một nhân vật hoạt hình theo đúng phong cách đó mà không cần biết vẽ, cảm giác như đang sống trong thế giới phim vậy!” – Thu Trang (23 tuổi, Hà Nam) chia sẻ.

Ảnh phiên bản Ghibli của Thu Trang. (Ảnh: NVCC)

Ảnh phiên bản Ghibli của Thu Trang. (Ảnh: NVCC)

Mặc dù công cụ tạo ảnh Ghibli của ChatGPT đang rất thịnh hành, không phải ai cũng có trải nghiệm mượt mà. Một số người dùng phản ánh rằng quá trình tạo ảnh đôi khi bị gián đoạn và phải thử lại nhiều lần.

“Có lúc đang tạo ảnh thì bị văng ra ngoài, phải làm đi làm lại mấy lần mới được. Nhưng công nhận ảnh ra xinh!” – Khánh Linh, sinh viên Đại học Văn Lang, cho biết.

Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ cho rằng việc sử dụng AI để tạo ảnh theo phong cách Ghibli là hành động thiếu tôn trọng chất xám và tinh thần sáng tạo của ông Hayao Miyazaki – nhà sáng lập Studio Ghibli.

“Miyazaki đã dành cả đời để làm nên những tác phẩm mang đậm dấu ấn cá nhân. Việc tạo ảnh theo phong cách Ghibli chỉ bằng một câu lệnh AI khiến nhiều người như mình cảm thấy sự sáng tạo trong lao động nghệ thuật bị đánh giá quá thấp và không được tôn trọng.” – Xuân Thu (cựu sinh viên ngành Thiết kế thời trang, Đại học Kiến trúc Hà Nội) nêu quan điểm.

Trước làn sóng tạo ảnh Ghibli trên ChatGPT, các chuyên gia trong ngành công nghiệp sáng tạo đã đưa ra nhiều cảnh báo. Theo họ, việc sử dụng AI để tạo ra những hình ảnh mang phong cách của một hãng phim cụ thể mà không có sự đồng ý chính thức có thể vi phạm bản quyền và làm tổn hại đến giá trị nghệ thuật gốc.

Chuyên gia nói gì?

Chị Nguyễn Mai Lan – chuyên viên truyền thông tại Công ty Cổ phần One Mount – cho rằng: "Trong thế giới sáng tạo nghệ thuật, phong cách cá nhân của mỗi nghệ sĩ hoặc thương hiệu đều mang tính độc quyền và phản ánh cả quá trình lao động trí tuệ, nghiên cứu, thử nghiệm và hoàn thiện qua nhiều năm.

Phong cách Ghibli không chỉ là những nét vẽ đẹp mắt mà còn chứa đựng triết lý sáng tạo, giá trị văn hóa và nhân văn mà Hayao Miyazaki đã xây dựng qua nhiều thập kỷ. Việc tái hiện phong cách này bằng AI mà không được cấp phép là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ nếu sản phẩm được thương mại hóa hoặc sử dụng để thu hút tương tác mà không ghi nguồn".

Một cảnh được trích trong phim Spirited Away.

Một cảnh được trích trong phim Spirited Away.

Hơn nữa, sự dễ dàng và tiện lợi của công cụ AI cũng khiến nhiều người trẻ hiểu lầm rằng việc sáng tạo nghệ thuật là một quá trình đơn giản và có thể thực hiện chỉ trong vài giây. Thực tế, điều này có thể làm giảm giá trị của những tác phẩm nghệ thuật chân chính và gửi đi thông điệp sai lệch về ý nghĩa thực sự của sáng tạo.

Chị nhấn mạnh rằng, bên cạnh yếu tố bản quyền, người dùng cần tự hỏi mình về động cơ và mục đích khi sử dụng AI để tái tạo các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Nếu chỉ dừng lại ở việc giải trí cá nhân và không thương mại hóa, có thể vấn đề này sẽ được xã hội chấp nhận. Nhưng nếu việc sử dụng này bị khai thác một cách bừa bãi, thiếu kiểm soát, thì rõ ràng nó sẽ tạo ra những hệ lụy không nhỏ đối với toàn bộ ngành công nghiệp sáng tạo:

“Chúng ta cần nhớ rằng, sự sáng tạo không chỉ dừng lại ở sản phẩm cuối cùng mà còn bao gồm cả quá trình tìm tòi, khám phá và lao động miệt mài. Khi AI trở nên quá mạnh mẽ và tiện lợi, chúng ta cần phải đặt ra những chuẩn mực đạo đức mới để không làm mất đi giá trị cốt lõi của nghệ thuật. Và điều quan trọng là phải tôn trọng các nghệ sĩ, những người đã dồn tâm huyết và trí tuệ của mình vào từng nét vẽ, từng khung hình.” – chị Lan khẳng định.

Họa sĩ Miyazaki Hayao - người đồng sáng lập ra Studio Ghibli.

Họa sĩ Miyazaki Hayao - người đồng sáng lập ra Studio Ghibli.

Theo chị, nếu không có những quy định rõ ràng và ý thức trách nhiệm từ cộng đồng người dùng, việc sử dụng AI trong sáng tạo nghệ thuật có thể gây ra những hậu quả khó lường. Những công cụ như ChatGPT mang đến nhiều tiềm năng đột phá, nhưng cũng đặt ra thách thức trong việc bảo vệ quyền tác giả và duy trì giá trị đạo đức trong sáng tạo nghệ thuật.

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-ran-ran-tao-anh-phong-cach-ghibli-bang-chatgpt-post1730259.tpo