Bạn trẻ TP. HCM 'bật chế độ' trở lại quán nước sau giãn cách

Sau khi biết tin TP. HCM dự kiến cho phép các cơ sở kinh doanh ăn uống phục vụ tại chỗ ở một số khu vực, nhiều bạn trẻ đã lên kế hoạch sẽ 'check-in' ngay tại những quán nước quen thuộc của mình sau nhiều ngày giãn cách ở nhà.

Ra quán nước để bỏ “gánh” âu lo

Khi đọc tin hàng quán tại một số vùng tại TP. HCM sắp mở bán tại chỗ, Vũ Thành Công (năm thứ hai, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) không khỏi phấn chấn. Chàng trai sống tại Q. Phú Nhuận cho biết, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa rồi, sức khỏe tinh thần của cậu gần như "chạm đáy" và liên tục có những suy nghĩ tiêu cực khi phải thu mình trong nhà. Vì vậy, cậu đã tìm tới chuyên gia tâm lý để được tham vấn và học cách thấu hiểu bản thân. Trước đó, Công dành hầu hết các ngày trong tuần để “đóng đô” tại những quán nước quen thuộc của mình. Thỉnh thoảng, Công sẽ ở lại quán nước 24/7 để ôn bài vở những ngày cận kề thi cử. Với Công, quán nước còn là nơi khơi nguồn cho cảm hứng sáng tạo trong công việc cho mình, cụ thể là những địa điểm có kiến trúc độc đáo và không gian bắt mắt.

Thành Công (ngoài cùng bên trái) ngóng chờ cùng bạn bè quay trở lại quán nước và đi dạo phố phường để có thể giải tỏa gánh nặng tâm lý của bản thân.

Công cho biết: “Bản thân mình là một người thích đi đây đi đó nên việc dành toàn thời gian ở nhà thực sự lạ lẫm và bí bách. Vì vậy, khi quán nước ở một số vùng tại TP. HCM sắp được phép phục vụ tại chỗ, mình dự định sẽ cùng bạn bè ghé đến như một cách để giải tỏa phiền muộn bấy lâu nay”.

Là sinh viên năm thứ ba, với lịch học dày đặc, lại "mắc kẹt" ở TP. HCM gần một năm, cuộc sống của Nguyễn Thị Ngọc Anh (trường ĐH Kinh tế TP. HCM) cũng chồng chất nhiều âu lo. Ngọc Anh bộc bạch: “Lúc mọi thứ vẫn còn bình thường, một tuần mình sẽ ra quán nước đến 3 - 4 lần để học nhóm hoặc vui chơi với bạn bè. Khi dịch bùng phát và thành phố áp dụng giãn cách xã hội, mình thực sự rất căng thẳng vì phải ở nhà vật lộn với việc học online cùng nhiều những thứ khác”.

Ngọc Anh (ngoài cùng bên trái) cho biết, trong tương lai, khi mọi thứ đã ổn định hoàn toàn, cô và bạn bè sẽ cùng du hí Đà Lạt.

Để trút bỏ áp lực, Ngọc Anh thường xuyên gọi điện về hỏi thăm gia đình tại Đắk Lắk, song song, cô đã học thêm tiếng Hàn và tập thói quen đọc sách. Cũng như Thành Công, Ngọc Anh cũng đang trông ngóng ngày được trở lại quán nước quen thuộc. “Dù bạn bè đã về quê, chỉ còn mỗi mình ở lại, mình vẫn sẽ ra quán nước để tìm lại tự do và niềm vui sống cho bản thân”, Ngọc Anh bày tỏ.

Đối với Hồ Vũ Anh Thư (năm thứ hai, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM), việc được quay trở lại quán nước cũng là cơ hội để Anh Thư tái ngộ “nửa kia” của mình sau khoảng thời gian dài phải tương tác với nhau qua online. Anh Thư chia sẻ: “Lúc nghỉ dịch ở nhà, mình và bạn trai thường xuyên gọi video với nhau để trò chuyện, xem phim và học bài. Như vậy vừa có thể đỡ nhớ nhung về nhau, vừa giải tỏa được căng thẳng khi còn chạy đua với việc học”. Thư cho biết, dù sắp sửa được trở lại quán nước là thế, cô và bạn trai vẫn sẽ ra ngoài khi thực sự cần thiết để đảm bảo an toàn.

Thư cho biết mình và bạn trai sẽ hạn chế ra ngoài quán nước so với trước dịch và thực hiện nghiêm quy định "5K".

Thời cơ chín muồi để “chạy deadline”

Không chỉ là thiên đường vui chơi, quán nước đối với Đặng Châu Anh (năm thứ ba, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) còn là địa điểm lý tưởng để “chạy deadline”. Cô bạn sống tại Q. Tân Phú chia sẻ: “Ở quán nước, bản thân mình sẽ dễ tập trung hơn khi hòa vào môi trường mà ai nấy cũng đều dốc sức làm việc. Bên cạnh đó, khi ra ngoài, mình sẽ thường ăn mặc chỉn chu, xinh đẹp hơn, vì thế điều này sẽ giúp mình tự tin và có tinh thần làm việc hiệu quả ở quán nước”.

Châu Anh cho biết, bản thân là một người vừa học, vừa làm việc cho 3 tổ chức khác nhau nên khi nghỉ dịch ở nhà, mọi hoạt động diễn ra dưới hình thức online của Châu Anh đều gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, công việc của cô đòi hỏi tính sáng tạo cao và cần một không gian rộng mở để tìm ý tưởng nên khi bị bó buộc trong bốn bức tường, tâm trí của Châu Anh trở nên tù túng.

Vì mọi hoạt động trước giờ của Châu Anh gần như diễn ra tại quán nước, việc ở nhà khiến quá trình sáng tạo của cô bạn gặp không ít trở ngại.

Khó khăn là vậy, Châu Anh vẫn tìm cách để bản thân vượt qua. Châu Anh bộc bạch: “Vì một ngày phải dán mắt vào màn hình laptop đến 20 tiếng nên mình đã điều chỉnh giờ giấc sinh hoạt, chọn lựa thời điểm chạy deadline phù hợp để bản thân có thể tập trung cao độ và không bị mọi thứ xung quanh ảnh hưởng. Mình còn sử dụng một số phần mềm hỗ trợ lên kế hoạch như Notion để sắp xếp việc cần làm một cách khoa học hơn. Ngoài ra, mình thường dọn dẹp góc làm việc cho thật gọn gàng, ngăn nắp vì như thế cũng sẽ giúp bản thân năng suất hơn rất nhiều. Những ngày buồn nản, mình sẽ tự pha cho bản thân một ly trà sữa hoặc đốt nến thơm trong phòng để có tâm trạng quay lại công việc”.

Châu Anh mong rằng sắp tới khi trở lại quán nước, mọi hoạt động offline của cô bạn sẽ diễn ra trơn tru. Đồng thời, cô hy vọng TP. HCM sẽ sớm “khỏe hẳn” để tái ngộ những người bạn hiện đang ở quê sau tháng ngày dài xa cách.

Hiếu Kha

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/ban-tre-tp-hcm-bat-che-do-tro-lai-quan-nuoc-sau-gian-cach-post1387981.tpo