Bán trên 10 suất cơm/ngày với giá 40.000 đồng, hộ kinh doanh đã phải chịu thuế?

Trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất nâng ngưỡng doanh thu chịu thuế của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh từ mức 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng/năm.

Theo quy định hiện hành, cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên sẽ phải thực hiện đóng thuế. Cá nhân, hộ kinh doanh không được trừ chi phí bỏ ra mà tính thuế khoán theo tổng doanh thu nhận được.

Với quy định này, một người bán cơm bình dân tại Hà Nội với giá 40.000 đồng/suất, mỗi ngày chỉ cần bán từ 07 suất trở lên thì doanh thu đã trên 100 triệu đồng/năm và phải thực hiện đóng thuế. Mức doanh thu tính thuế đối với cá nhân, hộ kinh doanh này được xem là thấp so với thực tế.

 Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh 100 triệu đồng/năm như hiện nay đã quá lạc hậu

Ngưỡng tính thuế hộ kinh doanh 100 triệu đồng/năm như hiện nay đã quá lạc hậu

Tại Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ Tài chính đã đề xuất nâng mức doanh thu chịu thuế của cá nhân, hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên mức 150 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, một số bộ ngành, địa phương, hiệp hội cho rằng con số 150 triệu đồng/năm vẫn thấp và đề nghị Bộ Tài chính làm rõ về căn cứ xác định mức doanh thu chịu thuế.

Cụ thể, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, ngưỡng doanh thu chịu thuế 150 triệu đồng/năm vẫn tương đối thấp. VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về ngưỡng doanh thu chịu thuế của của cá nhân, hộ kinh doanh lên khoảng 180 - 200 triệu đồng/năm.

Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng đề nghị điều chỉnh tăng ngưỡng doanh thu không chịu thuế giá trị gia tăng lên thành 200 triệu đồng/năm để phù hợp với Luật Thuế thu nhập cá nhân và mức chuẩn nghèo tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP. Theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP, mức chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2022 - 2025 ở nông thôn là 1,5 triệu đồng/người/tháng (18 triệu/năm) và 2 triệu đồng/người/tháng (24 triệu/năm) ở đô thị.

Tỉnh Quảng Ngãi đề nghị miễn thuế giá trị gia tăng cho cá nhân, hộ kinh doanh có doanh thu dưới 300 triệu đồng/năm. Trong khi đó, Bộ Giao thông Vận tải đề xuất con số 250 triệu đồng/năm, tương đương khoảng 10.000 USD.

Nâng mức tính thuế hộ kinh doanh lên 150 triệu đồng/năm có thực sự phù hợp?

Nâng mức tính thuế hộ kinh doanh lên 150 triệu đồng/năm có thực sự phù hợp?

Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Tài chính bổ sung căn cứ tính toán, thuyết minh bằng các số liệu mang tính định lượng để làm rõ lý do quy định ngưỡng doanh thu hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh hàng năm từ 150 triệu đồng trở xuống thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng, đảm bảo phù hợp với thực tế và khuyến khích kinh tế tư nhân, động viên các cá nhân, hộ gia đình làm giàu chính đáng, đồng thời không bỏ sót nguồn thu.

Thanh tra Chính phủ cũng đề nghị Bộ Tài chính rà soát mức doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế đảm bảo linh hoạt, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng giai đoạn.

Nếu nâng mức chịu thuế lên 150 triệu đồng/năm, một cửa hàng cơm bình dân sẽ phải đóng thuế khi bán được trên 10 suất/ngày với giá 40.000 đồng/suất

Nếu nâng mức chịu thuế lên 150 triệu đồng/năm, một cửa hàng cơm bình dân sẽ phải đóng thuế khi bán được trên 10 suất/ngày với giá 40.000 đồng/suất

Giải trình về đề xuất trên, Bộ Tài chính cho biết, việc đề xuất nâng mức doanh thu của cá nhân, hộ kinh doanh từ 100 triệu đồng/năm lên mức 150 triệu đồng/năm là căn cứ vào chỉ số lạm phát và tình hình thực tế.

Nếu căn cứ vào chỉ số lạm phát thì ngưỡng doanh thu tính thuế chỉ khoảng 130 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, để hỗ trợ cá nhân, hộ kinh doanh, Bộ Tài chính đã đề xuất nâng lên mức 150 triệu đồng/năm.

Việc nâng mức giảm thuế đối với hộ kinh doanh lên 200- 300 triệu đồng/năm sẽ ảnh hưởng đến số thu ngân sách nhà nước tại địa phương, nhất là các địa phương có số thu thấp. Bên cạnh đó, quy định này sẽ không khuyến khích các cá nhân, hộ kinh doanh chuyển sang doanh nghiệp bởi nếu doanh nghiệp phát sinh doanh thu sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng. Chính vì vậy, ban soạn thảo giữ quan điểm mức doanh thu chịu thuế là 150 triệu đồng/năm.

Dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng dự kiến được trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 diễn ra vào tháng 5/2024 và thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2024.

Ngọc Châm

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.com.vn/bai-viet/ban-tren-10-suat-comngay-voi-gia-40000-dong-ho-kinh-doanh-da-phai-chiu-thue-117731.htm