'Bàn tròn online' kích cầu tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế

LTS: Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế Việt Nam. Chính phủ vẫn kiên định thực hiện 'mục tiêu kép': Đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. Để các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn đa chiều, ĐTTC tổ chức 'bàn tròn online' lấy ý kiến các chuyên gia về vấn đề này.

Trong khoảng thời gian đầu tháng 3 khi đại dịch bùng phát, chính sách tài khóa tiền tệ thường được Chính phủ hàm ý nới lỏng nhưng “thận trọng”. Khoảng thời gian gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã 3 lần đề cập đến chính sách tài khóa tiền tệ nới lỏng “có kiểm soát”. Đây là nội dung bài “Gói kích thích kinh tế hữu hình”, của GS.TS Trần Ngọc Thơ.

PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, chia sẻ trong bài viết “Cải thiện niềm tin là gói kích cầu hiệu quả nhất”: Kích thích tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ trợ lực cho đầu tư công để giữ tổng cầu ổn định ở một mức độ nào đó, đảm bảo cho các hoạt động kinh tế được duy trì và ngăn chặn khả năng rơi vào suy thoái. Tuy nhiên, kích cầu tiêu dùng tựa hồ như một giải pháp then chốt để đảm bảo duy trì động lực cho nền kinh tế, sau khi giải ngân đầu tư công, đã cho thấy những tín hiệu không lạc quan do vướng mắc quá nhiều rào cản về thủ tục, pháp lý và thậm chí là nhiều chính sách được thiết lập từ trước vốn đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn.

Hiện nay Chính phủ vẫn kiên định nhưng tỉnh táo trong việc thực hiện “mục tiêu kép” đẩy lùi dịch bệnh và phát triển kinh tế. ĐTTC đã trao đổi với TS. TRẦN DU LỊCH, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, xung quanh việc thực hiện các mục tiêu này, trong bài viết "Ưu tiên chống dịch nhưng không để gãy đổ kinh tế".

Đẩy mạnh kích cầu thị trường nội địa là một trong các yêu cầu quan trọng để thúc đẩy kinh tế phát triển trong đại dịch Covid-19. TS. Trương Văn Phước, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, đặt vấn đề tiền đâu để kích cầu là bài toán đặt ra trong bài viết “Chính phủ phải vay tiền để kích cầu”.

Trong khi đó, TS. Vũ Đình Ánh, nhận xét trong bài "Hỗ trợ cung mới kích cầu": Kích cầu tiêu dùng nội địa được xem là đòn bẩy để kích thích tăng trưởng nền kinh tế sau những tháng suy trầm do tác động từ dịch Covid-19. So với giai đoạn 2009-2010, các biện pháp nhằm kích thích tăng trưởng nền kinh tế hiện nay đồng bộ và toàn diện hơn. Tuy nhiên, chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa vẫn còn điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Nhiều cuộc họp của Chính phủ đưa ra chủ trương, giải pháp hồi phục kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân chịu tác động của đại dịch. Thế nhưng, việc thực thi các chủ trương này vẫn còn xa so với điều kỳ vọng. Gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng mới giải ngân được 11.000 tỷ đồng, là minh họa cho việc thực thi những chủ trương của Chính phủ, là nội dung bài viết "Chi nhanh, chi dễ và chi đủ" của TS. Lê Đạt Chí, Khoa Tài chính, UEH

Trong bài "Để đạt "mục tiêu kép" kích cầu tiêu dùng...", TS. Võ Đinh Trí, Giảng viên ĐH Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, thành viên Tổ chức AVSE Global, nhấn mạnh dưới góc độ tổng cầu, tiêu dùng khu vực tư nhân là một cấu phần quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Trong lúc nền kinh tế thế giới đang trong giai đoạn rất khó khăn, độ mở của nền kinh tế Việt Nam lại rất lớn, thì việc hướng đến tiêu dùng và đầu tư trong nước là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên trong lúc này.

Trong bài "Tăng cường các gói hỗ trợ", TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng đề xuất trong tình hình dịch bệnh, thị trường xuất khẩu bị giới hạn nhiều do chuỗi cung ứng toàn cầu bị gãy đổ. Chính vì thế, chúng ta phải quay lại với kinh tế nội địa để hỗ trợ tăng trưởng.

TS. Trần Hùng Sơn, Trường Đại học Kinh tế - Luật, qua bài "Kích thích tiêu dùng, tích trữ lao động", nhấn mạnh đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến tổng cung và tổng cầu của nền kinh tế. Với tổng cung thể hiện ở khía cạnh công nhân các ngành làm việc có tính chất tiếp xúc gần (nhà hàng, khách sạn...) sẽ không thể tiếp tục làm việc, tức không thể tham gia hoạt động sản xuất, bởi do người dân hạn chế tiêu dùng đối với các hàng hóa và dịch vụ của ngành này.

Nhiều chuyên gia đã tham gia góp ý tại “bàn tròn online” về “Kích cầu tiêu dùng, vực dậy nền kinh tế”.

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương): Để biện pháp kích cầu có hiệu quả, việc thực hiện phải đảm bảo đúng lúc, trúng đích và vừa đủ. Nhìn tổng thể, các chính sách của Việt Nam thời gian qua đã và đang thực hiện hiệu quả theo đúng các yêu cầu này.

TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia: Gần đây có ý kiến cho rằng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng sẽ giúp kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả. Song theo tôi, cầu tín dụng hiện nay đang rất yếu, nhu cầu doanh nghiệp vay vốn để làm gì đó mới là vấn đề quan trọng. Thực tế cho thấy, giảm lãi suất cho vay đang “gãi không đúng chỗ”, bởi đây không phải là điểm nghẽn.

TS. Đinh Thị Mỹ Loan, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam: Bán lẻ hiện nay đang là một trong những giải pháp quan trọng của chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa. Đây cũng là cơ hội để ngành “làm mới” theo xu hướng tiêu dùng hiện đại.

PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả: Để kích cầu tiêu dùng nội địa hiệu quả, cần có những giải pháp cụ thể và chính xác. Trong bối cảnh hiện nay, giải pháp đầu tiên phải làm để có thể kích cầu là phải miễn giảm thuế. Đây cũng là giải pháp nhiều quốc gia trên thế giới đang thực hiện.

ĐTTC

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/ban-tron-online-kich-cau-tieu-dung-vuc-day-nen-kinh-te-83414.html