Bản tuyên ngôn của các dân tộc thuộc địa

Không khí sôi sục, tưng bừng cờ hoa nhân ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ảnh: TƯ LIỆU

Nếu Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ báo hiệu sự sụp đổ của chế độ thực dân Anh tại 13 bang thuộc địa Bắc Mỹ thì Tuyên ngôn độc lập của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới.

Tư tưởng vượt thời đại

Năm 1987, Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất và “khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”.

Trong ngày 16 và 17/7/1920 trên báo “Nhân Đạo” ở Pháp đăng bài “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I.Lênin với tư tưởng chủ đạo là “Vô sản toàn thế giới và các dân tộc bị áp bức đoàn kết lại”. Việc đọc được Luận cương của Lênin trên báo “Nhân Đạo” đã biến Chủ tịch Hồ Chí Minh từ một người yêu nước thành một chiến sĩ cộng sản quốc tế. Người nhớ lại: “Trong luận cương ấy, có những chữ chính trị khó hiểu. Nhưng cứ đọc đi đọc lại nhiều lần, cuối cùng tôi cũng hiểu được phần chính. Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao!”.

Tuy nhiên, sau khi Lênin qua đời (21/1/1924), trong đề cương về phong trào cách mạng ở các nước thuộc địa và nửa thuộc địa (Những Luận cương về Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản năm 1928) đã viết rằng: “Chỉ có thể thực hiện hoàn toàn công cuộc giải phóng thuộc địa khi giai cấp vô sản giành được thắng lợi ở các nước tư bản tiên tiến”(1). Tuy nhiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 6/1924 tại Đại hội V Quốc tế Cộng sản đã nhấn mạnh: “Cách mạng thuộc địa không những không phụ thuộc vào cách mạng vô sản chính quốc mà có thể giành thắng lợi trước”(2) và “trong khi thủ tiêu một trong những điều kiện tồn tại của chủ nghĩa tư bản là chủ nghĩa đế quốc, họ có thể giúp đỡ những người anh em mình ở phương Tây trong nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn”(3).

Bởi thế, trong cương vị là thành viên Ban Phương Đông (Quốc tế Cộng sản), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã biến khẩu hiệu của Lênin “Tất cả vô sản và nhân dân các thuộc địa đoàn kết lại!” thành hiện thực với “Hội Liên hiệp các dân tộc thuộc địa” (1921), “Hội Những người bị áp bức” (1925).

Chính tư tưởng sáng tạo và linh hoạt của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo tiền đề cho cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận định Chủ tịch Hồ Chí Minh là “người đầu tiên kết án chủ nghĩa thực dân” và “Người đã cùng với dân tộc của Người thi hành bản án đó”.

Thomas Hodgkin, trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”(4). Tác giả đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”(5).

Bản tuyên ngôn vĩ đại

Cách đây 75 năm, vào ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Trong tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được”. Người nêu rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được.

Phát biểu tại Hà Nội vào ngày 12/9/1973 trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên, Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhấn mạnh: “Sự nghiệp giải phóng dân tộc và sự nghiệp giải phóng xã hội là hai điểm then chốt trong học thuyết của Người… Chúng tôi nghĩ rằng tất cả các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới sẽ tìm thấy trong cuộc đời đồng chí Hồ Chí Minh, trong tư tưởng chính trị của Người, trong quan điểm chiến thuật và chiến lược trong sáng của Người, một nguồn tri thức vô cùng phong phú để giải quyết những vấn đề của bản thân mình”.

GS Nhật Bản Singo Sibata đã đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”. Tấm gương đi đầu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vấn đề giải phóng dân tộc đã có tác động định hướng và cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào đấu tranh giành hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của các dân tộc và nhân dân bị áp bức trên toàn thế giới.

Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, TS M.Ahmed đã khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân loại bị đô hộ, mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(6).

-------------------

(1) Những Luận cương về Nghị quyết Đại hội VI Quốc tế Cộng sản, Paris, 1928, tr. 174 (bản tiếng Pháp).

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 1, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 36.

(4) Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224.

(5) Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr. 224.

(6) UNESCO và Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.

NGUYỄN VĂN TOÀN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/76/244985/ban-tuyen-ngon-cua-cac-dan-toc-thuoc-dia.html