Bàn về cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025

Về cơ bản, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025 phù hợp với định hướng đổi mới của chương trình GDPT 2018.

Đến nay, công tác bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới các lớp cuối cấp (5, 9, 12) đã hoàn tất. Tất cả đã sẵn sàng cho năm học 2024 – 2025. Công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa theo Nghị quyết 88 của Quốc hội đã trải qua gần hết “vòng một”. Khác với những năm trước, năm nay, các thầy cô rất quan tâm đến định hướng đổi mới đánh giá trong các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông từ 2025 và kì thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10.

Trong quá trình bồi dưỡng, tập huấn giáo viên sử dụng sách giáo khoa mới, chúng tôi thường xuyên nhận được những câu hỏi của các thầy cô về hai kì thi này, tập trung vào những vấn đề như:

Thứ nhất, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố vào tháng 3 vừa qua phù hợp ra sao với định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018?

Thứ hai, học sinh học sách giáo khoa mới có khả năng đáp ứng được yêu cầu của một đề thi được thiết kế theo cấu trúc đó như thế nào?

Thứ ba, cấu trúc đề thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 từ năm 2025 có nên theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông hay không?

 Ảnh minh họa: D.N

Ảnh minh họa: D.N

Trả lời những câu hỏi trên, chúng tôi cho rằng:

Một là, về cơ bản, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025 phù hợp với định hướng đổi mới của chương trình giáo dục phổ thông 2018, nhất là quy định sử dụng ngữ liệu ngoài tất cả các bộ sách giáo khoa đang được lưu hành.

Hai là, cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến từ năm 2025 có khả năng gây áp lực đối với học sinh vì các em phải thực hiện nhiều nhiệm vụ khó hơn trước trong một thời gian hạn chế. Mức độ áp lực này sẽ rất đáng kể trong bối cảnh năm 2025 là năm đầu tiên học sinh thi tốt nghiệp trung học phổ thông theo chương trình mới, thời gian học theo chương trình và sách giáo khoa mới chỉ ba năm; kĩ năng đọc, viết của các em chưa thực sự đáp ứng ngay được yêu cầu, nhất là phần tự đọc hiểu và viết bài trên ngữ liệu mới.

Ba là, các địa phương không nên phỏng theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông để thiết kế đề thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 một cách máy móc mà phải tùy vào điều kiện dạy học thực tế của mỗi địa phương.

Cần có những thảo luận chuyên môn sâu rộng để làm rõ những câu trả lời trên. Ở đây, tôi chỉ xin thực hiện so sánh đơn giản giữa cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông môn Ngữ văn dự kiến cho năm 2025 với cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024 vừa qua để độc giả tiện theo dõi:

So sánh cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT năm 2024 và năm 2025 (dự kiến)

Bảng so sánh trên cho thấy, cấu trúc đề thi dự kiến cho năm 2025 gần như phỏng theo cấu trúc đề thi năm 2024: đọc hiểu, viết đoạn, viết bài; thời gian 120 phút.

Tuy nhiên, có một điểm khác biệt quan trọng là trong khi bài nghị luận văn học trong đề thi lâu nay dựa trên ngữ liệu quen thuộc (học sinh đã học, đã được ôn luyện, nên sau khi mở đề thi, thí sinh không mất nhiều thời gian để đọc hiểu ngữ liệu và suy nghĩ hướng triển khai, thậm chí nhiều thí sinh (trúng tủ) có thể viết ngay bài văn đã được chuẩn bị sẵn) thì tất cả ngữ liệu trong đề thi từ năm 2025 là mới, học sinh phải đọc ngữ liệu nhiều lần để hiểu, phải mất thời gian suy nghĩ để tìm ý, lập dàn ý,….

Vậy, nếu giữ nguyên yêu cầu vừa viết đoạn vừa viết bài trên cơ sở ngữ liệu mới thì học sinh có thể hoàn thành được bài thi trong thời gian 120 phút hay không? Lưu ý số chữ quy định cho bài viết (600 chữ) trong cấu trúc đề thi dự kiến không phải là cách để “giảm tải” cho học sinh vì viết một bài văn ngắn với số chữ quy định đòi hỏi kĩ năng cao, không phải ai cũng có thể làm được.

Nếu cấu trúc đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông dự kiến cho năm 2025 là thách thức lớn đối với học sinh lớp 12 thì việc đề thi chuyển cấp từ lớp 9 lên lớp 10 phỏng theo cấu trúc đề thi đó sẽ gây ra bất cập. Vừa đọc hiểu một văn bản (hoặc đoạn trích), vừa viết đoạn và viết bài văn dựa trên ngữ liệu hoàn toàn mới trong vòng 120 phút, đối với học sinh lớp 9, nhất là ở các địa bàn khó khăn là nhiệm vụ khó hoàn thành hoặc hoàn thành một cách vội vàng.

Việc sử dụng ngữ liệu mới trong hai kì thi trên là điều bắt buộc, có như vậy mới đảm bảo đánh giá đúng kĩ năng đọc, viết của thí sinh; việc tăng thời gian làm bài lên nhiều hơn 120 phút cũng khó khả thi; vì vậy, khối lượng công việc mà học sinh cần phải thực hiện để hoàn thành bài thi là điều cần cân nhắc kĩ, theo hướng giảm nhẹ. Nếu cấu trúc đề thi không thay đổi thì chỉ có phương án đọc hiểu một văn bản (đoạn trích) thuộc loại văn bản văn học, viết một đoạn văn ngắn về văn bản (đoạn trích) ở phần đọc hiểu và viết bài văn nghị luận xã hội là có thể giúp giảm nhẹ việc đọc, viết dựa trên ngữ liệu mới.

Ngoài ra, tên các nhóm câu hỏi đọc hiểu (nhận biết, thông hiểu, vận dụng) cũng như cách đặt câu hỏi được nêu làm ví dụ trong đề minh họa cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp với đặc trưng của môn Ngữ văn.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng - Điều phối viên chính Ban Phát triển CTGDPT 2018, Tổng chủ biên SGK Tiếng Việt - Ngữ văn, bộ "Kết nối tri thức với cuộc sống"

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ban-ve-cau-truc-de-thi-tot-nghiep-thpt-mon-ngu-van-du-kien-cho-nam-2025-post244456.gd