Bán xe điện cho khách hàng Việt: Tiềm năng lớn, thách thức… khổng lồ
Ngay đầu tháng 10, chỉ ít ngày sau khi Porsche có màn ra mắt xe điện đầu tay Taycan rầm rộ bằng hình thức trực tuyến tại Việt Nam, Audi đã nhanh chóng mang về mẫu crossover Q3 Sportback mới với hệ truyền động lai nhẹ (mild hybrid) 48 volt.
Audi Q3 Sportback là xe điện hóa mới nhất gia nhập thị trường Việt Nam, với giá bán trên 2 tỷ đồng.
Cùng với Mercedes-Benz C200, Toyota Corolla Cross và Mitsubishi Outlander PHEV…, thậm chí là BAIC Beijing X7 trước đó, thị trường ô tô trong nước chưa bao giờ có số lượng xe điện hóa đông đảo như vậy. Trên đường phố, giờ đây cũng không khó để bắt gặp nhiều mẫu xe điện nhập khẩu như Toyota Prius/Camry Hybrid, Tesla Model X/Model 3…
Phản hồi từ phía khách hàng cũng khả quan khi Porsche Taycan Turbo dù có giá khởi điểm lên tới 9,5 tỷ đồng, nhưng ngay khi ra mắt đã có 8 khách hàng chờ sẵn. Tương tự, dù mới ra mắt khoảng 1 tháng, đã có 65 xe Corolla Cross Hybrid được người tiêu dùng Việt Nam chọn mua.
Sự sôi động này cho thấy các nhà sản xuất bắt đầu nhận thấy tiềm năng phát triển loại phương tiện thân thiện môi trường mới mẻ này ở Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng “xanh” cũng đặt ra thách thức lớn.
Anh Nguyễn Việt Hưng, một phóng viên kỳ cựu trong lĩnh vực ô tô xe máy tại Việt Nam, nhận định, xe điện hóa dễ dàng hấp dẫn người dùng nhờ đặc tính tiết kiệm nhiên liệu đáng nể, tăng tốc “khủng”, yêu cầu bảo trì, bảo dưỡng thấp hơn nhiều so với xe sử dụng động cơ đốt trong… Tuy nhiên, đây là loại phương tiện quá mới, nên nảy sinh nhiều khó khăn ở mọi khâu, từ đăng kiểm lưu hành, kinh doanh, cho tới sở hữu và vận hành, chủ yếu do sự khác biệt về công nghệ. Trong đó, việc “khớp” đăng kiểm cần sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà sản xuất và cơ quan chức năng để giải quyết những thách thức về kỹ thuật.
Liên quan tới hoạt động kinh doanh xe điện ở thị trường trong nước, ông Trần Tấn Trung, Tổng Giám đốc đơn vị phân phối chính hãng xe Audi tại Việt Nam, cũng nhấn mạnh tới thách thức trong việc bảo đảm những trải nghiệm tốt nhất và an toàn nhất cho người dùng. Những người dùng muốn tiếp cận xe điện không những cần am hiểu về xe ô tô truyền thống, mà phải học hỏi thêm các kiến thức đặc thù về xe điện - nhất là trong bảo quản và sử dụng pin cao thế.
Chiếc “siêu xe” chạy điện Porsche Taycan Turbo S đã “chào sân” Việt Nam qua sự kiện trực tuyến.
Cũng theo ông Trung, bản thân các hãng xe trước khi quyết định bán sản phẩm điện hóa cũng phải tìm cách bảo đảm khả năng cung cấp dịch vụ sửa chữa, bảo dưỡng, bao gồm cả việc có đầy đủ cơ sở hạ tầng và nhân lực có thể đáp ứng được nhiệm vụ này. Quá trình đào tạo, tái cơ cấu máy móc công cụ… đòi hỏi nhiều tiền bạc và thời gian. Một hãng xe muốn đưa xe điện vào thị trường trong nước sẽ cần khoảng thời gian chuẩn bị ít nhất là 1 năm.
Thêm vào đó, với giá lên tới khoảng 80.000 USD/cột sạc, việc triển khai mạng lưới sạc chuyên dụng với khả năng nạp điện nhanh để phục vụ người tiêu dùng là thách thức lớn về tài chính, chưa kể tới chuẩn sạc và những yêu cầu về nguồn cung cấp điện. Để làm được điều này không chỉ đòi hỏi sự hợp tác giữa nhiều đơn vị kinh doanh xe điện hóa, mà kinh nghiệm nhiều nước cho thấy rất cần sự định hướng, hỗ trợ từ phía chính phủ.
Bảo dưỡng và sửa chữa xe điện hóa dần trở nên quen thuộc với giới kỹ thuật viên trong nước.
Tuy nhiên, yếu tố kỹ thuật dường như không gây khó với các kỹ thuật viên. Chuyên gia sửa chữa ô tô tại một số gara lớn tại khu vực trung tâm Hà Nội cho biết, những năm qua, họ đã tiếp xúc với việc bảo dưỡng, sửa chữa một số dòng xe điện hóa cơ bản, phần nhiều là các xe hybrid của Lexus (như RX 450h, LS 600h) và Mercedes-Benz. Một số loại như Nissan Leaf hay Toyota Prius còn “vào xưởng” từ giai đoạn 2014-2015. Cơ hội làm quen bước đầu sẽ là tiền đề thuận lợi cho việc “phổ cập” kỹ thuật sữa chữa xe điện hóa trên diện rộng.
Đáng chú ý, đại diện các gara ô tô nhận xét, trục trặc liên quan tới hệ thống điện cơ bản không khó khắc phục, trong khi nguồn cung phụ tùng thay thế khá sẵn. Ngoài ra, đa số rủi ro, trục trặc mà các chủ xe điện hóa gặp phải tại Việt Nam tới nay đều liên quan tới các thành phần truyền thống của ô tô thay vì linh kiện của hệ thống điện hóa hiện đại.
Mặc dù chặng đường dài phía trước với nhiều thách thức, điều đáng mừng là hầu hết các nhà sản xuất ô tô đang hiện diện tại Việt Nam đều khẳng định, tiềm năng xe “xanh” thân thiện môi trường của thị trường trong nước là rất lớn. Đây cũng là lý do nhiều đơn vị đã vạch ra kế hoạch mở rộng dải sản phẩm xe điện ở thị trường, với giai đoạn năm 2021 được xem là trọng tâm.