Bang California kiện chính quyền liên bang vì thu hồi 4 tỷ USD tài trợ đường sắt cao tốc
Ngày 17/7, Thống đốc California Gavin Newsom cam kết phản bác quyết định của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc hủy bỏ khoản tài trợ liên bang trị giá khoảng 4 tỷ USD dành cho dự án đường sắt cao tốc.
Quyết định tùy tiện, vượt quá thẩm quyền pháp lý
Hãng tin Reuters dẫn lời Thống đốc California Gavin Newsom cho biết Bộ Giao thông Mỹ quyết định chấm dứt tài trợ đúng vào thời điểm dự án chuẩn bị bước vào giai đoạn thi công đường ray cho đoạn đầu dài 275km giữa Bakersfield và Merced tại vùng Central Valley.

Một công trình đang xây dựng trên tuyến đường sắt cao tốc ở California (Ảnh: Reuters).
Tuyên bố trên được ông Newsom đưa ra sau khi Cơ quan Đường sắt Cao tốc California, đơn vị phụ trách giám sát dự án, đệ đơn kiện lên Tòa án Liên bang tại Los Angeles nhằm phản đối quyết định hủy bỏ khoản tài trợ của Chính phủ Mỹ.
Trong đơn kiện, Cơ quan Đường sắt Cao tốc California nêu rõ hệ thống đường sắt trên đã xây dựng hơn 50 công trình hạ tầng lớn như cầu, cầu vượt, hầm chui và cầu cạn, đồng thời hoàn thành 113km phần đường dẫn.
Chính vì thế, Cơ quan Đường sắt Cao tốc California cáo buộc quyết định dừng dự án của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump là tùy tiện và thất thường, vượt quá thẩm quyền pháp lý.
Giám đốc điều hành Cơ quan Đường sắt Cao tốc California Ian Choudri khẳng định việc hủy bỏ khoản tài trợ liên bang một cách vô cớ không chỉ là sai trái mà còn là phi pháp.
Theo ông Choudri, Cơ quan Đường sắt Cao tốc California đã tuân thủ mọi nghĩa vụ đối với dự án, điều này đã được xác nhận trong đợt rà soát của liên bang mà mới đây nhất là vào tháng 2/2025.
Đáp lại, Bộ trưởng Bộ Giao thông Mỹ Sean Duffy khẳng định chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump tự tin sẽ thắng kiện.
"Chúng tôi buộc phải cắt tài trợ cho dự án", ông chia sẻ với trước báo giới bên ngoài trụ sở Bộ Giao thông.
Khi được hỏi về vụ kiện, người phát ngôn của ông Duffy chỉ trích kế hoạch của ông Newsom là lãng phí tiền thuế của người dân để bảo vệ dự án vô dụng đồng thời nhấn mạnh sẵn sàng bảo vệ quan điểm tại tòa án.
Trở ngại nối tiếp trở ngại
Tranh chấp pháp lý giữa bang California và Chính phủ Mỹ phát sinh chỉ một ngày sau khi ông Trump tuyên bố hủy khoản tài trợ cho dự án xây dựng đường sắt cao tốc.
Đây được xem là trở ngại tiếp theo trong nỗ lực kéo dài suốt 16 năm nhằm xây dựng đường sắt tốc độ cao, kết nối Los Angeles và San Francisco trong 3 giờ. Dự án được kỳ vọng mang lại dịch vụ đường sắt chở khách nhanh nhất tại Mỹ.
Tuy nhiên, Cơ quan Đường sắt Liên bang đã công bố báo cáo dài 315 trang, trong đó chỉ rõ dự án gặp nhiều vấn đề như chậm tiến độ, thâm hụt ngân sách và dự báo lượng hành khách không thực tế.

Nhiều đoạn đường kết nối tuyến đường sắt cao tốc giữa Los Angeles và San Francisco vẫn còn đang dang dở (Ảnh: Bloomberg).
Tại thời điểm đó, Cơ quan Đường sắt Cao tốc California lên tiếng bác bỏ kết luận từ Cơ quan Đường sắt Liên bang đồng thời cho rằng, những đánh giá trên không phản ánh chính xác tiến triển đáng kể mà California đạt được trong hiện thực hóa hệ thống đường sắt cao tốc.
Khi bị chỉ trích dự án thậm chí vẫn chưa lắp đặt được đường ray nào sau khi tiêu tốn 15 tỷ USD trong 16 năm qua, ông Choudri giải thích việc đặt đường ray chỉ được tiến hành sau khi hoàn tất quá trình thu hồi đất, đánh giá tác động môi trường và xây dựng kết cấu hạ tầng.
Ngoài ra, dự án vẫn đối mặt với nhiều trở ngại khác. Cụ thể, tuyến đường sắt từ San Francisco đến Los Angeles ban đầu dự kiến hoàn thành vào năm 2020 với chi phí 33 tỷ USD. Tuy nhiên, chi phí hiện đội lên đến từ 89 - 128 tỷ USD và thời điểm vận hành bị lùi đến năm 2033.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu nắm quyền, vào năm 2019, Tổng thống Mỹ Trump từng thu hồi khoản tài trợ liên bang trị giá 929 triệu USD dành cho dự án. Tuy nhiên, bang California khởi kiện và đạt được thỏa thuận vào tháng 6/2021 dưới thời Tổng thống đảng Dân chủ Joe Biden qua đó khôi phục toàn bộ khoản tiền tài trợ nói trên.
Theo Cơ quan Đường sắt Cao tốc California, các khoản đầu tư của Chính phủ Mỹ vào đường sắt cao tốc là rất nhỏ so với các hình thức giao thông khác và còn kém xa so với các nước như Trung Quốc, nơi đã đầu tư hơn 1.400 tỷ USD kể từ khi khánh thành tuyến đường sắt cao tốc đầu tiên năm 2008 để xây dựng mạng lưới dài gần 45.000 km.