Mục tiêu chiến lược của Israel tại Syria
Theo giới quan sát, các cuộc tấn công của Israel vào hàng loạt mục tiêu ở Syria không đơn thuần nhằm bảo vệ cộng đồng người Druze.

Em nhỏ bị thương sau cuộc không kích của Israel tại Gaza. Ảnh: THX/TTXVN
Ngay trước khi Mặt Trời mọc ngày 17/7, Tổng thống Syria Ahmed al-Sharaa đã lên trên truyền hình quốc gia thông báo rằng tình trạng bất ổn giữa người Bedouin dòng Sunni và cộng đồng thiểu số Druze, dẫn đến cái chết của khoảng 360 người ở tỉnh Sweida, đã chấm dứt. Ông cũng xác nhận lực lượng chính phủ không còn triển khai tại khu vực này.
Sau đó, ông Al-Sharaa nhấn mạnh cam kết bảo vệ các quyền và tự do của cộng đồng Druze đồng thời tái khẳng định vị thế của họ trong xã hội Syria. Tuy nhiên, phần chính trong bài phát biểu của ông lại nhắm vào nước láng giềng Israel.
Tuần này, Israel phát động tấn công vào các tòa nhà chính phủ Syria ở Damascus và vị trí quân đội Syria ở khu vực Sweida, khiến 20 người thiệt mạng.
Theo The Wall Street Journal (Mỹ), Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vào ngày 17/7 cho biết Syria đã vượt qua hai lằn ranh đỏ buộc ông phải hành động. Thứ nhất là việc đưa quân vào khu vực mà Israel yêu cầu phải chuyển đổi thành “khu phi quân sự”. Thứ hai là việc chính phủ Syria không ngăn chặn những hành động gây hại cho cộng đồng người Druze.
Thủ tướng Netanyahu đánh giá các cuộc tấn công này là cần thiết "để cứu những người anh em Druze của chúng ta”.
Thành phố Sweida là nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Druze. Bạo lực tại đây bùng phát từ ngày 13/7 sau khi các tay súng người Bedouin bắt cóc một tiểu thương người Druze, dẫn tới hàng loạt vụ bắt cóc trả đũa sau đó. Để ổn định lại tình hình, chính quyền lâm thời Syria đã điều động binh sĩ tới Sweida và giao tranh dữ dội với các lực lượng vũ trang tại đây. Đến ngày 15/7, quân đội Syria thông báo đã đạt được thỏa thuận ngừng bắn với lãnh đạo cộng đồng Druze.
Tuy nhiên, theo quan điểm của ông al-Sharaa, Israel đã nhắm vào cơ sở hạ tầng dân sự, lợi dụng tình hình bất ổn để phá hoại nỗ lực hòa bình và tái thiết ở Syria. Ông al-Sharaa nói: “Người dân Syria biết rất rõ ai đang tìm cách chia rẽ và cố gắng lôi kéo chúng tôi vào chiến tranh”.

Khói bốc lên sau một cuộc không kích tại Damascus, Syria, ngày 16/7/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Các cuộc không kích mới nhất vào thủ đô Syria đánh dấu sự leo thang chiến dịch quân sự của Israel tại quốc gia láng giềng. Israel bắt đầu ném bom Syria thường xuyên hơn nhiều sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Assad bị lật đổ vào đầu tháng 12/2024. Israel biện hộ rằng động thái này nhằm đảm bảo vũ khí của Syria không rơi vào tay lực lượng đối địch với Tel Aviv.
Theo ông Charles Lister thuộc Viện Trung Đông có trụ sở tại Washington, Israel đã thực hiện gần 1.000 cuộc không kích vào Syria và chiếm quyền quản lý 180 km2 Syria kể từ tháng 12/2025. Ông Lister lưu ý rằng chính phủ Syria đã không trả đũa.
Nhà phân tích Ryan Bohl tại công ty Rane Network có trụ sở ở Mỹ nhận định với hãng tin Bloomberg: “Israel đang cố gắng thiết lập một vùng đệm không chính thức ở miền Nam Syria”. Đầu tháng 3, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố miền Nam Syria phải là một khu vực phi quân sự.
Giáo sư Yossi Mekelberg tại Đại học Regent's (Anh) chia sẻ với DW: "Các cuộc không kích gần đây là thông điệp gửi tới chính phủ ở Damascus rằng Israel đang theo dõi với quan tâm và lo ngại về điều đang diễn ra ở Syria. Một trong những vấn đề của chính phủ Israel hiện tại là phương thức hoạt động duy nhất của họ chỉ xoay quanh sử dụng vũ lực".
Bên cạnh đó, ông Mekelberg phân tích: "Israel đang chịu áp lực phải bảo vệ người Druze, bởi liên minh lâu đời và sâu sắc giữa người Druze và người Do Thái ở Israel". Tại Israel, người Druze là một cộng đồng khoảng 150.000 người. Nam giới người Druze thường xuyên phục vụ trong quân đội Israel. Tại Syria, khoảng 700.000 người Druze tạo thành một trong những nhóm thiểu số lớn nhất của Syria.
Lời cam kết của Israel bảo vệ người Druze còn tạo cơ hội để Tel Aviv phô diễn ưu thế quân sự trước nước láng giềng Syria và gia tăng kiểm soát đối với khu vực biên giới chung.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng thời điểm Israel không kích Syria trong tuần này cũng là một yếu tố then chốt. Thủ tướng Netanyahu đang chịu áp lực ngày càng tăng từ Mỹ và các quốc gia châu Âu nhằm chấm dứt xung đột ở Gaza, đồng thời phải đối mặt với lời kêu gọi trả tự do cho các con tin vẫn đang bị Hamas giam giữ. Nhà lãnh đạo Israel Netanyahu cũng đang phải đối mặt với nhiều ý kiến lên án trong nước và quốc tế về thảm họa nhân đạo ở Gaza.
Do đó, ông Mekelberg cho rằng Thủ tướng Netanyahu đang lợi dụng những tình huống như cuộc đụng độ liên quan đến cộng đồng người Druze ở Syria để đánh lạc hướng dư luận.
Ngoài ra, ông Bohl phân tích với Bloomberg rằng mục tiêu khác của Israel là khiến Syria yếu đi và không còn năng lực đe dọa Israel.
Về mặt kỹ thuật, Syria và Israel vẫn ở trong tình trạng chiến tranh kể từ cuộc chiến Arab-Israel năm 1948. Năm 1967, Israel chiếm phần lớn diện tích khu vực này trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày. Đến năm 1981, Israel sáp nhập Cao nguyên Golan. Cộng đồng quốc kế và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã không ghi nhận động thái sáp nhập đơn phương này. Về phần mình, Syria nhiều lần yêu cầu Israel trả lại lãnh thổ.