Bằng chứng khoa học giúp nữ phạm nhân được minh oan sau 20 năm
Kathleen Folbigg (người Australia) sinh con đầu lòng ở tuổi 21, sau đó 4 đứa con của cô lần lượt ra đời nhưng đều bị đột tử khi còn rất nhỏ. Người mẹ này đã phải ngồi tù 20 năm vì tội giết con mình nhưng mới đây đã được trả tự do khi các nhà khoa học phát hiện ra một gene đột biến chưa từng được biết đến ở 2 cô con gái của Folbigg. Liệu những tiến bộ trong thử nghiệm di truyền có thể minh oan cho những bà mẹ cũng đang vướng vòng lao lý tương tự?
Bi kịch gia đình
Lần đầu sinh con, giống như hầu hết những người mới làm mẹ, Kathleen Folbigg ghi nhật ký về thời gian con cô ăn, ngủ, ợ hơi và tắm. Nhưng cuốn sổ ghi chép đột ngột dừng lại sau 19 ngày khi đứa bé qua đời. Trong 10 năm tiếp theo (đến năm 1999), Folbigg mất đứa con thứ hai, thứ ba và thứ tư, cảm giác tội lỗi của một người mẹ “thất bại” thấm vào những trang giấy.
Đứa con đầu lòng của Folbigg là bé Caleb mất năm 1989, tiếp theo là Patrick mất năm 1991 khi mới 8 tháng tuổi sau khi mắc chứng động kinh khiến cậu bé bị mù, bé Sarah mất năm 1993 khi mới 10 tháng tuổi, và cuối cùng là Laura mất năm 1999 khi 18 tháng tuổi. Ba trường hợp đầu tiên ban đầu được cho là do Hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), một thuật ngữ được sử dụng khi trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi tử vong mà không có lý do rõ ràng.
Cái chết của Laura là điều đầu tiên gây nghi ngờ sau khi một nhà nghiên cứu bệnh học pháp y đánh dấu nguyên nhân là “không xác định được”. Cảnh sát bắt đầu điều tra và Craig (người chồng lúc bấy giờ của Folbigg) đâm ra nghi ngờ vợ mình, cho rằng cô đã giết con và làm chứng chống lại cô trong một phiên tòa kéo dài 7 tuần. Năm 2003, nhật ký của Folbigg được sử dụng làm bằng chứng cho thấy cô đã “bóp chết” những đứa con của mình khi các công tố viên cho rằng việc mất 4 đứa con liên tiếp trong một gia đình là rất hiếm. Theo họ, điều này gần như không thể xảy ra nếu không có sự can thiệp của con người. Công tố viên đã bóp méo lời nói của Folbigg để thuyết phục bồi thẩm đoàn rằng, về cơ bản cô ấy không phù hợp với vai trò người mẹ và đã chịu áp lực khi chăm sóc trẻ sơ sinh. Tại phiên tòa xét xử, Folbigg bị kết án 25 năm tù vì 3 tội danh giết người và 1 tội danh ngộ sát.
Được minh oan nhờ phát hiện về gene di truyền
Nữ Giáo sư Emma Cunliffe tại trường Luật Allard của Đại học British Columbia (người lấy bằng tiến sĩ từ việc nghiên cứu các vụ bà mẹ bị buộc tội giết người vào năm 2004, đồng thời là tác giả cuốn “Giết người, y học và làm mẹ” phát hành năm 2011) nhận thấy một điểm khác biệt chính trong trường hợp của Folbigg. Theo Giáo sư Emma Cunliffe, các bản án đều dựa trên phiên bản của “luật Meadow” (xuất phát từ kết luận của bác sĩ nhi khoa Roy Meadow), đó là một đứa trẻ đột ngột qua đời trong một gia đình thì khả năng đầu tiên là bi kịch, hai là đáng ngờ và ba là giết người. “Chúng tôi không cần di truyền học cũng đã đủ để tin rằng, cáo buộc với Folbigg là không đáng tin cậy” - bà Cunliffe lập luận.
Khi chiến dịch trả tự do cho Folbigg có hy vọng, các chuyên gia bắt đầu phân tích nhật ký của cô ấy và một hình ảnh rất khác bắt đầu xuất hiện về người phụ nữ bị ra tòa với tư cách là kẻ giết trẻ em. Sharmila Betts (một nhà tâm lý học có hàng chục năm kinh nghiệm làm việc với các bà mẹ và bảo vệ trẻ em) đã phân tích nội dung nhật ký của Folbigg vào năm 2014. “Một số phần nhật ký khó hiểu bị coi là sự thừa nhận tội lỗi. Nhưng nếu một phụ nữ mất 4 đứa con, chắc chắn người đó sẽ tự trách mình về sự mất mát này. Sẽ có lúc cô ấy tự hỏi: Có chuyện gì với tôi vậy? Cô ấy nghĩ rằng mình đã làm điều gì đó với con vì không ai giải thích chuyện gì đã xảy ra”.
Đến năm 2019, một số chuyên gia di truyền hàng đầu thế giới nghĩ rằng họ đã có câu trả lời. Họ đã tiến hành giải trình tự toàn bộ bộ gene của những đứa trẻ và Folbigg, từ đó phát hiện ra rằng Folbigg cùng các con gái của cô (là Sarah và Laura) mang một biến thể chưa từng thấy trước đây của gen CALM2. Các gene CALM điều chỉnh Protein Calmodulin, đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nồng độ Natri, Kali và Canxi để giúp tim hoạt động khỏe mạnh. Các biến thể có thể gây rối loạn nhịp tim và dấu hiệu đầu tiên của vấn đề có thể là đột tử. Các nhà khoa học vội vàng trình bày phát hiện của họ cho cuộc điều tra năm 2019 về bản án của Folbigg, nhưng chưa đủ thuyết phục.
Vào tháng 11-2020, 27 nhà khoa học đã công bố bằng chứng của họ trong một bài báo đưa ra kết quả giải trình tự toàn bộ bộ gene của Folbigg và các con. Những phát hiện này đã thuyết phục hơn 100 nhà khoa học hàng đầu thế giới rằng, người mẹ này đã bị kết tội oan và họ đã ký một bản kiến nghị hối thúc chính quyền New South Wales tổ chức một cuộc điều tra khác.
Từ tháng 11-2022, cuộc điều tra mới được biết rằng các con trai của Folbigg (là Caleb và Patrick) mang các biến thể hiếm gặp trong gene BSN (hoặc Bassoon), sự thiếu hụt gene này được biết là gây ra chứng động kinh chết người. Nhưng quan trọng hơn, các nhà khoa học giải thích rằng, Folbigg và các con gái của bà mang biến thể CALM2-G114R. Mặc dù nó hoàn toàn mới, nhưng một biến thể tương tự đã được tìm thấy trong một gia đình người Mỹ cũng có 2 đứa con (4 và 5 tuổi) đột ngột tử vong. Lần này, thẩm phán Tom Bathurst chấp nhận về mặt khoa học và đề nghị ân xá cho Folbigg. Người phụ nữ 56 tuổi này đã được Tổng Chưởng lý New South Wales, Australia trả tự do vào đầu tháng 6-2023 sau 20 năm tù oan.
Niềm hy vọng cho những bà mẹ khác
Việc xác nhận nguyên nhân di truyền có khả năng gây đột tử ở trẻ em có ý nghĩa đối với các bậc cha mẹ đã bị buộc tội giết hoặc làm hại con mình không chỉ ở Australia mà còn xa hơn thế. Giáo sư Carola Vinuesa (một trong những tác giả chính của nghiên cứu phát hiện biến thể gene di truyền mới) cho rằng, vụ án của Folbigg đã khuyến khích các gia đình và luật sư khác tìm kiếm bằng chứng di truyền để làm sáng tỏ những người mẹ bị buộc tội làm hại con của họ. Không phải tất cả trẻ em trong những trường hợp đó đều đã qua đời. Thực tế, một số bà mẹ bị cáo buộc làm tổn thương con mình đang tìm kiếm lời giải thích di truyền cho các triệu chứng lạ để chống lại những cáo buộc lạm dụng trẻ em. “Kể từ cuộc điều tra với Folbigg, một vài trường hợp chúng tôi đã có thể chẩn đoán do di truyền. Chúng rất hiếm, không có trong sách giáo khoa, bạn không thể tìm thấy chúng một cách dễ dàng” - Giáo sư Carola Vinuesa nói.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi bằng chứng khoa học được công bố, nhà chức trách Australia phải mất hơn 1 năm để kêu gọi một cuộc điều tra mới và 1 năm nữa trước khi Folbigg được ân xá. Nhóm pháp lý của Folbigg và các hiệp hội khác (gồm Hội đồng Luật, Viện Tội phạm học Sydney, Liên minh Luật sư Australia) cho biết, nước này cần một cơ quan đánh giá sau khi bị kết án để xem xét các trường hợp sai sót khác trong công lý. “Nhiều nước như Vương quốc Anh, Scotland, Na Uy, New Zealand và Canada có các cơ quan độc lập để xác định và xem xét các vụ xử oan. Chúng ta đang tụt hậu so với phần còn lại của thế giới” - luật sư Rhanee Rego nhấn mạnh. Kinh nghiệm của Vương quốc Anh cho thấy, việc xử sai có lẽ phổ biến hơn mọi người nghĩ. Theo báo cáo thường niên mới nhất được công bố vào tháng 10 năm ngoái, kể từ năm 1997 Ủy ban xem xét của Vương quốc Anh đã đảo ngược 540 bản án. Khi tuyên bố ân xá cho Folbigg, Tổng Chưởng lý New South Wales tuyên bố, ông sẵn sàng thảo luận về những thay đổi để rút kinh nghiệm và sửa đổi luật, nếu cần.
Trong video được phát hành cho giới truyền thông vào ngày 6-6, người ta thấy Folbigg đang cắm những nụ trắng xinh xắn của loài hoa Gypsophila (vốn được gọi là “hơi thở của em bé”). Nếu các con bà còn sống, đứa lớn nhất sẽ 34 tuổi, đứa út 25 tuổi và Folbigg có lẽ đã lên chức bà ngoại. “20 năm ở trong tù, tôi luôn nghĩ đến các con tôi. Tôi đau buồn và thương nhớ chúng vô cùng” - bà nói.
Tháng 6-2023, bà Kathleen Folbigg được trả tự do sau 20 năm ngồi tù nhờ được các nhà khoa học chứng minh rằng, một gene đột biến chưa từng được biết đến khiến 2 cô con gái của bà có thể tử vong. Vụ án đã thúc đẩy những lời kêu gọi xem xét lại với những bà mẹ có thể bị ngồi tù oan. “Hôm nay là một chiến thắng cho khoa học, đặc biệt là sự thật” - Folbigg nói sau khi được thả tự do.
Theo CNN