Bằng chứng khoa học về tác dụng của nghệ thuật tắm rừng

Thông qua những con số thu được, người ta dễ dàng nhận ra hiệu quả tích cực của nghệ thuật tắm rừng.

Shinrin yoku - Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật là một tác phẩm về phương pháp chữa lành cuộc sống của phó giáo sư, bác sĩ Qing Li, người đang công tác tại trường Y khoa Nippon, Nhật Bản. Trong cuốn sách, bác sĩ Qing Li nhấn mạnh vào tác dụng của nghệ thuật tắm rừng cũng như cách ứng dụng phương pháp này vào cuộc sống.

Được sự đồng ý của Thái Hà Book, Zing trích đăng một phần cuốn sách.

Để tìm hiểu xem shinrin yoku có thể cải thiện được thói quen ngủ hay không, tại thành phố Liyama, tôi đã đồng thời nghiên cứu tác động của tắm rừng đến giấc ngủ với nhóm 12 nam nhân viên văn phòng trong độ tuổi trung niên đến từ Tokyo.

Cải thiện giấc ngủ

Các đối tượng đi bộ hai tiếng vào buổi sáng và buổi chiều tại những khu rừng khác nhau. Trong hai tiếng, họ đi bộ khoảng 2,5 km, xấp xỉ quãng đường mà họ đi bộ trong một ngày làm việc bình thường.

Tôi tiến hành đo hoạt động ngủ của họ bằng máy đo đa chỉ số và cảm biến gia tốc - một bộ đếm đeo trên cổ tay giống như đồng hồ nhằm xác định tổng số lần chuyển động cơ thể - trước, trong và sau chuyến đi.

Khi ngủ, thông số chuyển động cơ thể của một người thường nhỏ hơn 40. Trước chuyến đi tắm rừng, nhóm đối tượng có thời gian ngủ đêm trung bình là 383 phút. Trong chuyến đi, con số này tăng lên thành 452 phút. Và sau chuyến đi là 410 phút.

Nói cách khác, thời gian ngủ trong chuyến đi tắm rừng đã tăng lên rõ rệt, chứng thực rằng bạn ngủ ngon hơn khi đi lại trong rừng, dù không tăng cường đáng kể lượng hoạt động thể chất.

 Tắm rừng giúp cho cơ thể sẽ có những giấc ngủ dài hơn và ngon hơn. Ảnh: Sloww.

Tắm rừng giúp cho cơ thể sẽ có những giấc ngủ dài hơn và ngon hơn. Ảnh: Sloww.

Có thể điều hòa tâm trạng

Đến lúc này, có lẽ bạn không còn bất ngờ khi biết rằng liệu pháp tắm rừng cũng cải thiện được vấn đề này. Một phương pháp để đánh giá tác động của tắm rừng đến tâm trạng là sử dụng bài kiểm tra POMS (Profile of Mood States - Tổng quan về trạng thái tinh thần).

Đối tượng tham gia được cấp một danh sách bao gồm 65 cảm xúc và được yêu cầu đánh giá mức độ mà họ đang trải nghiệm từng cảm xúc đó theo thang đo từ “hoàn toàn không” đến “cực kỳ nhiều”. Bảng câu hỏi được thực hiện hai lần - trước và sau khi tiến hành tắm rừng.

Một số cảm xúc trong danh sách: Hoang mang, buồn bã, sợ hãi, tội lỗi, kiệt quệ, sôi nổi. Trong những nghiên cứu có sử dụng bài kiểm tra POMS của mình, tôi tổ chức hai nhóm nam nữ và tiến hành chuyến đi tắm rừng kéo dài ba ngày hai đêm.

Tôi cũng dẫn hai nhóm này đi bộ hai tiếng trong rừng. Và để đảm bảo kết quả không chỉ đơn thuần là do vận động cơ thể, tôi dẫn họ đi bộ cả ở trung tâm Tokyo, nơi không hề có cây cối.

Kết quả nghiên cứu cho thấy rằng mặc dù đi bộ ở đâu (trong rừng hoặc thành phố) cũng đều làm giảm cường độ lo âu, trầm cảm, giận dữ và hoang mang, nhưng chỉ khi đi bộ trong môi trường rừng mới đem lại tác động tích cực đến khí lực và tình trạng mệt mỏi.

Đi bộ hai tiếng trong rừng có tác động tương tự đến các thông số POMS như những chuyến đi dài ngày, thế nên tin tốt là bạn không phải dành quá nhiều thời gian trong rừng. Hai tiếng là đủ.

Liệu pháp tắm rừng tác động đến tâm trạng của phụ nữ nhiều hơn là đàn ông. Tất nhiên, đây là các thông số mang tính chủ quan, thế nhưng có những dữ liệu khách quan chứng thực các thông số này.

Mức độ hormone căng thẳng đo được của phụ nữ giảm xuống sau khi tắm rừng, điều này xác nhận kết quả của bảng câu hỏi POMS, cho thấy tâm trạng của họ được cải thiện.

 Phương pháp tắm rừng được nghiên cứu trên nhiều thông số khoa học cụ thể. Ảnh: Pinterest.

Phương pháp tắm rừng được nghiên cứu trên nhiều thông số khoa học cụ thể. Ảnh: Pinterest.

Tăng cường hệ miễn dịch

Vậy là tắm rừng có thể cải thiện giấc ngủ và tâm trạng, giúp bạn giảm đáng kể hành vi gây hấn và trở nên thân thiện hơn, nói chung là bớt gắt gỏng về mọi mặt. Tắm rừng làm giảm nhịp tim và huyết áp, tăng cường sức khỏe tim mạch và quá trình chuyển hóa.

Và quan trọng nhất, liệu pháp này có thể thúc đẩy hệ miễn dịch. Có lẽ ai cũng biết hệ miễn dịch là hệ thống phòng thủ quan trọng của cơ thể chống lại vi khuẩn, virus và khối u. Một điều cũng nhiều người biết là stress có thể làm ức chế chức năng của hệ miễn dịch.

Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, bạn rất dễ sinh bệnh; những người bị stress thường hay đau ốm là vì vậy. Một phương pháp để đánh giá tình trạng của hệ miễn dịch là kiểm tra hoạt động của tế bào sát thủ tự nhiên (NK).

Tế bào sát thủ tự nhiên là một loại bạch huyết bào và có tên gọi như vậy là do chúng có thể tấn công và tiêu diệt những tế bào bất thường, ví dụ như tế bào nhiễm virus hoặc tế bào khối u.

Tế bào NK nhận được sự hỗ trợ của các protein kháng ung thư: Perforin, granulysin và granzyme. Các protein này đục thủng lỗ trên màng tế bào và làm chết tế bào mục tiêu. Những người có tế bào NK hoạt động mạnh có tỷ lệ mắc các loại bệnh như ung thư thấp hơn.

Trong chuyến khảo sát liệu pháp tắm rừng đầu tiên mà tôi phụ trách ở Iiyama, tôi phát hiện ra rằng sau ba ngày hai đêm trong rừng: Hoạt động của tế bào NK tăng từ 17,3% lên 26,5% (tăng 53,2%). Số lượng tế bào NK tăng từ 440 lên 661 (tăng 50%). Lượng protein kháng ung thư granulysin tăng 48%, granzyme A tăng 39%, granzyme tăng 33%, và perforin tăng 28%.

Trích "Shinrin yoku - Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bang-chung-khoa-hoc-ve-tac-dung-cua-nghe-thuat-tam-rung-post1136362.html