Bằng chứng về đại dương cổ đại trên Sao Hỏa
Dữ liệu radar xuyên đất do robot thám hiểm tự hành Chúc Dung của Trung Quốc thu được đã cho thấy hình dung về một bãi cát ven một đại dương cổ đại nằm ở vùng đồng bằng phía Bắc của Sao Hỏa.

Tàu đổ bộ Sao Hỏa InSight của NASA. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Đây là bằng chứng mới nhất về sự tồn tại của đại dương có tên Deuteronilus, được cho là tồn tại cách đây khoảng 3,5 đến 4 tỷ năm.
Trong phát hiện công bố ngày 24/2 trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ, trong thời gian hoạt động từ tháng 5/2021 đến tháng 5/2022, robot tự hành Chúc Dung đã di chuyển khoảng 1,9 km trong một khu vực có các đặc điểm bề mặt tương tự về một bờ biển cổ đại. Radar xuyên đất của nó đã thăm dò tới 80 mét bên dưới bề mặt Sao Hỏa, và phát hiện ra khoảng 10-35 mét lớp vật liệu dày dưới lòng đất có đặc tính tương tự như cát, tất cả đều dốc theo cùng một hướng và ở một góc tương tự như các bãi biển trên Trái Đất. Các nhà nghiên cứu đã lập bản đồ các cấu trúc này, trải dài 1,2 km dọc theo đường đi của xe tự hành.
Nhà khoa học hành tinh của Đại học Quảng Châu, Hai Liu - một thành viên của sứ mệnh Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) của Trung Quốc, cho biết bề mặt Sao Hỏa đã thay đổi đáng kể trong hơn 3,5 tỷ năm, nhưng radar xuyên đất đã cho thấy bằng chứng trực tiếp về các trầm tích ven biển. Trên Trái Đất, các trầm tích bãi biển có kích thước này sẽ cần hàng triệu năm để hình thành. Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng Sao Hỏa từng có khối nước lớn trong thời gian dài đủ để sóng có thể phân chia các trầm tích từ vùng cao nguyên gần đó chảy vào biển theo các con sông. Các nhà nghiên cứu cũng cho biết những đại dương lớn như vậy sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến khí hậu Sao Hỏa, định hình cảnh quan và tạo ra các môi trường có khả năng thích hợp cho sự sống.
Các nhà nghiên cứu cũng đã loại trừ những giả thuyết khả thi khác về cấu trúc mà tàu Chúc Dung tìm thấy ở phía Nam của Utopia Planitia, một đồng bằng lớn ở bán cầu Bắc của Sao Hỏa.
Với phát hiện mới, các nhà khoa học cũng chỉ ra Trái Đất, Sao Hỏa và các hành tinh khác của Hệ Mặt Trời được hình thành cách đây khoảng 4,5 tỷ năm. Điều đó có nghĩa là Deuteronilus phải biến mất vào thời điểm 1 tỷ năm sau khi Sao Hỏa hình thành, khi khí hậu của hành tinh này thay đổi đáng kể, khiến một phần nước bị bốc hơi vào vũ trụ và phần khác có thể mắc kẹt trong lòng đất.
Những phát hiện này là bằng chứng mới nhất cho thấy sự tồn tại của đại dương được gọi là Deuteronilus trên Sao Hỏa. Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái dựa trên dữ liệu địa chấn do tàu đổ bộ InSight của NASA thu thập được cũng phát hiện ra rằng một hồ chứa nước lỏng khổng lồ có thể nằm sâu dưới bề mặt Sao Hỏa trong các lớp đá lửa bị nứt.