Băng đảng ma túy biến châu Á thành 'sân chơi' với lợi nhuận hơn 60 tỷ USD mỗi năm
Liên Hợp Quốc cảnh báo tội phạm ma túy đang bùng nổ mạnh mẽ ở châu Á – Thái Bình Dương, trọng điểm là khu vực Đông Nam Á – 'thị trường ma túy lớn nhất và sầm uất nhất thế giới', kiếm lợi lên tới 61 tỷ USD.
Biên phòng Thái Lan cuối tháng trước đã phát hiện một hang động chứa đầy ma túy nằm sâu trong rừng rậm thuộc tỉnh Chiang Mai. Tang vật bao gồm hơn 5 triệu viên ma túy đá – tên địa phương là yaba hay còn gọi là “thuốc điên” và 145 kg tinh thể ma túy đá được bọc trong những bao nilon lớn. Theo Văn phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC), số tang vật này ước tính có giá trị lên đến hàng chục triệu USD.
Hôm 17-7, UNODC công bố một báo cáo chỉ ra rằng, các băng đảng tội phạm ma túy ở khu vực Đông và Đông Nam Á, Australia, New Zealand và Bangladesh kiếm lợi qua các phi vụ trị giá từ 30 tỷ USD đến 61 tỷ USD mỗi năm. Khoản lợi nhuận này tăng nhanh chóng mặt so với con số 15 tỷ USD năm 2010.
Ông Jeremy Douglas, đại diện UNODC tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương kêu gọi các quốc gia trên toàn cầu nhận thức rõ “quy mô và tầm quan trọng” của vấn đề, nếu không, “tình hình sẽ trở nên tồi tệ và không thể cứu vãn”.
Ông cũng cảnh báo rằng: “Khu vực này đang được sử dụng, thậm chí bị lạm dụng bởi tội phạm có tổ chức để giao dịch ma túy. Không sai khi nói nó đang trở thành sân chơi của bọn tội phạm”.
Các chuyên gia cho rằng sự bùng nổ tội phạm ma túy ở Đông Nam Á là hệ quả của “một cơn bão hoàn hảo” bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Điển hình là bang Shan ở Myanmar, ngày nay đã nổi lên như một nhà máy sản xuất ma túy “chuyên nghiệp” của khu vực.
Rất nhiều lãnh chúa, dân quân và các nhóm phiến quân đã từ bỏ cuộc đấu tranh ly khai để đổi lấy quyền tự chủ lớn hơn trong vài thập kỷ gần đây. Họ đã sử dụng quyền tự do đó trong việc tự tài trợ cho việc buôn bán ma túy. Ông Douglas cho hay, từ những năm 1970 đến những năm 1990, họ chủ yếu bán thuốc phiện và heroin, nhưng sau đó chuyển sang ma túy tổng hợp sau khi nhận ra chúng dễ sản xuất hơn và sinh lãi nhiều hơn.
Quy định lỏng lẻo và lỗ hổng an ninh ở biên giới cũng là điều kiện thuận lợi cho phép tội phạm ma túy dễ dàng vận chuyển hóa chất để sản xuất ma túy. Các biện pháp kiểm soát việc rửa tiền cũng không được chú trọng và thực hiện triệt để giúp các đối tượng tội phạm dễ dàng “làm sạch” hàng chục triệu USD.
“Vấn đề ma túy ngày càng nhức nhối vì việc sản xuất chất kích thích, ma túy đá và các loại hóa chất tiền chất không thể thiếu trong quá trình sản xuất ma túy đã bị buôn bán trái phép từ biên giới các nước láng giềng”, Tổng thống Myanmar U Win Myint cho hay. Ngoài ra, ông cũng tuyên bố trên truyền hình Myanmar ngày 27-6 rằng: “Hiểm họa ma túy đang dần ăn mòn xã hội chúng ta, hủy hoại cuộc sống của người trẻ, hủy hoại nhân phẩm và tương lai của đất nước”.
Trong những năm gần đây, một yếu tố góp phần tạo cơ hội thúc đẩy các vụ giao dịch ma túy, chính là hệ thống đường cao tốc và những cây cầu mới xây dựng để vận chuyển hàng hóa ở Đông Nam Á. Những kẻ buôn lậu ma túy lợi dụng và biến chúng thành những giao lộ lý tưởng cho việc nhập và xuất khẩu ma túy. Trong đó có đường cao tốc R3A, được mở vào năm 2011, nối các phần của Thái Lan với Trung Quốc, thông qua Lào. Nhưng kể từ năm 2015, các nhà chức trách đã bày tỏ lo ngại về việc con đường này sớm muộn sẽ bị sử dụng để vận chuyển ma túy.
Từ những yếu tố trên kết hợp lại tạo ra một danh xưng mới cho Đông Nam Á, UNODC gọi đó là “thị trường ma túy đá lớn nhất và sầm uất nhất thế giới”, với các vụ bắt giữ ma túy đạt đến mức độ “không thể tưởng tượng ở một thập kỷ trước”.