Bảng giá đất điều chỉnh của TP Hồ Chí Minh làm người dân sốc

Chiều 29/7, tại buổi họp báo cung cấp thông tin liên quan dự thảo bảng giá đất điều chỉnh mà Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) TP Hồ Chí Minh đang lấy ý kiến, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở này cho biết, bảng giá đất điều chỉnh sẽ được áp dụng trong 12 trường hợp và tác động đến 12 nhóm đối tượng tương ứng. Trong đó chỉ có 1 nhóm được lợi, 3 nhóm không bị ảnh hưởng và có đến 8 nhóm ảnh hưởng.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, bảng giá đất điều chỉnh của TP Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng từ ngày 1/8, với mức tăng từ 5 lần đến 50 lần, giúp giá đất sát giá thị trường. Giá trong bảng giá điều chỉnh hiện nay được cập nhật từ giá giao dịch trên thị trường, thông qua các cơ quan thuế, văn phòng đăng ký đất đai. Sở cũng cân chỉnh lại để đưa ra giá phù hợp nên không có chuyện làm tăng giá bất động sản trên thị trường, ngược lại giá phản ánh đúng giá giao dịch ở thành phố.

Người dân đề nghị thành phố nên cân nhắc việc việc tăng giá đất để không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống.

Người dân đề nghị thành phố nên cân nhắc việc việc tăng giá đất để không làm ảnh hưởng nhiều đến đời sống.

Trả lời câu hỏi của các phóng viên về việc TP Hồ Chí Minh vội vàng ban hành bảng giá đất điều chỉnh trong khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 1/8/2024, ông Thắng cho biết, Luật Đất đai 2024 quy định bảng giá đất áp dụng sau ngày 1/8/2024 không còn quy định về hệ số điều chỉnh (bảng giá trước đây có quy định hệ số điều chỉnh) và phải cập nhật giá đất tái định cư. Luật quy định nên thành phố phải chấp hành nghiêm và các tỉnh, thành phố đều phải làm.

Sở TN&MT đánh giá bảng giá đất dự kiến điều chỉnh thực chất đang đưa giá đất theo quy định từng bước tiệm cận với mặt bằng chung của thị trường. Việc này góp phần tích cực cho sự công bằng, minh bạch cho các nhóm sử dụng đất và tránh thất thu cho ngân sách nhà nước. Việc sử dụng đất vì thế sẽ tiết kiệm hơn. Sắp tới, Chính phủ sẽ có những điều chỉnh các mức thu cho phù hợp với tình hình thực tiễn, hạn chế việc tăng đột biến các khoản thu.

Trước việc giá đất dự kiến điều chỉnh, nhiều người dân cho rằng, quá trình chuẩn bị Luật Đất đai có cho thời gian là đến hết 31/12/2025, trong khi dự thảo này lại thay đổi giá đất đột ngột trình vào sát ngày có hiệu lực. Vậy, người dân đang có nhu cầu chuyển mục đích làm sao xoay trở kịp?

Một vấn đề nữa được đặt ra là các dự án treo trên địa bàn TP Hồ Chí Minh chưa đủ điều kiện (không phù hợp với quy hoạch chung, không có nguồn tài chính, không tìm được nhà đầu tư,...) để triển khai thực hiện thì không có lý do gì để kéo dài việc quyết định chấm dứt hoặc hủy bỏ dự án đầu tư. Mọi công dân thành phố đều có quyền lợi như nhau được sống, sinh hoạt và làm việc trong một môi trường bình đẳng không thể bị hạn chế về việc sửa chữa, xây dựng nhà ở... trong hàng chục năm chờ đợi nhà nước địa phương thực hiện dự án đầu tư.

Luật mới ban hành đã quy ước thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2026 cũng là để người dân, doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh, xoay sở. Không ít trường hợp vì bất cập trong thủ tục mà chậm nhiều năm, nay đột ngột tăng giá “sốc” mà không có giải pháp đi kèm cũng là bất cập mới, gây ra mất cân bằng trước sau, tính kế thừa, tính chuyển đổi cũng yếu. Việc áp dụng bảng giá đất mới nên xem xét về các đối tượng, trường hợp.

Người dân đề nghị việc tăng giá đất thành phố nên cân nhắc nhiều yếu tố về kinh tế - xã hội. Bối cảnh hiện nay giá đất không cao, vì giao dịch không nhiều, việc khảo sát giá đất diễn ra ở thời điểm đất đang “sốt”, trong khi mức giá này hiện nay có thể không còn phù hợp.

Nguyễn Cảnh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/bang-gia-dat-dieu-chinh-cua-tp-ho-chi-minh-lam-nguoi-dan-soc-i738897/