Băng huyết sau sinh nguy hiểm thế nào?

Sau khi sinh, cổ tử cung của người phụ nữ không co lại dẫn đến xuất huyết ồ ạt. Nếu không được xử trí kịp thời, người mẹ có thể tử vong.

Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Hữu Trung, giảng viên bộ môn Phụ sản, Đại học Y dược TP.HCM, Trưởng phòng khám Phụ Sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (cơ sở 2), cho biết tai biến sản khoa luôn là nỗi ám ảnh với bác sĩ.

Theo cơ quan Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em (UNICEF Việt Nam), tỷ lệ tử vong mẹ (tỷ lệ người mẹ tử vong sau khi sinh con - MMR) tại Việt Nam đã giảm nhiều trong những năm gần đây. Song, các tai biến sản khoa vẫn là nguyên nhân gây ra 600 ca tử vong mẹ và hơn 10.000 ca tử vong trẻ sơ sinh ở Việt nam mỗi năm.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Trung cho biết: “Băng huyết sau sinh thường diễn biến bất ngờ, nhanh và khó lường. Đây là nguyên nhân tử vong ở người mẹ hàng đầu tại Việt Nam”.

 Băng huyết sau sinh là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, chiếm tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất. Ảnh: Shutterstock.

Băng huyết sau sinh là một trong 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, chiếm tỷ lệ tử vong mẹ cao nhất. Ảnh: Shutterstock.

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2015, tỷ lệ tử vong của người mẹ ở các nước đang phát triển trung bình là 240/100.000 ca sinh. Hiện nay, tỷ lệ tử vong mẹ tại Việt Nam khoảng 70-80 trường hợp trong 100.000 ca sinh, trong đó, băng huyết sau sinh chiếm tỷ lệ cao nhất. Trong danh mục 5 tai biến sản khoa nguy hiểm, băng huyết sau sinh thường gặp và cũng là nguyên nhân gây tử vong ở người mẹ cao nhất.

Băng huyết sau sinh là gì?

Băng huyết sau sinh là tình trạng sản phụ mất từ 500 ml máu sau khi sinh đường âm đạo hoặc hơn một lít máu sau mổ lấy thai. Tình trạng này thường xảy ra trong vòng 24 giờ đầu sau sinh ở thể nguyên phát và từ sau một ngày đến 12 tuần ở thể thứ phát.

Tiến sĩ Trung cho biết nhiều nguyên nhân dẫn đến băng huyết sau sinh. Với thai phụ sinh con đầu lòng, thời gian chuyển dạ thường dài hơn. Điều đó có thể dẫn đến tình trạng băng huyết sau sinh.

Thai nhi quá to cũng có thể khiến tử cung người mẹ bị nhão do giãn quá cỡ. Cơ quan này sau đó không thể co lại như bình thường gây hiện tượng đờ tử cung.

Ngoài ra, người mẹ có tiền sử nạo hút thai nhiều lần hoặc mắc các bệnh phụ khoa khiến niêm mạc tử cung bị viêm nhiễm cũng dễ gặp phải tình trạng này. Trong nhiều trường hợp, bác sĩ phải cắt bỏ tử cung nhằm cứu sống sản phụ nếu không cầm được máu bởi các phương pháp khác.

Các yếu tố về rối loạn đông máu, thiếu máu cũng gây ra băng huyết sau sinh. Ngoài ra, người mẹ lớn tuổi, tiền sử sinh đẻ nhiều lần, đa thai, đa ối, sót nhau, thai quá ngày, chấn thương đường sinh dục lúc sinh như rách cổ tử cung, vỡ tử cung…, cũng là những yếu tố nguy cơ hoặc gây băng huyết sau sinh.

Bác sĩ xử lý không tốt khi đỡ đẻ hoặc can thiệp thủ thuật giúp sinh không đúng cách cũng có thể khiến người mẹ gặp biến chứng băng huyết.

Thời gian xử trí tính bằng giây

Tiến sĩ Hữu Trung chia sẻ điều quan trọng hàng đầu khi cấp cứu trường hợp băng huyết sau sinh là chẩn đoán và xử trí thật nhanh nguyên nhân gây ra hiện tượng này. Từ đó, các bác sĩ lên phương án cấp cứu phù hợp cho sản phụ.

"Thời gian này có thể chỉ tính bằng giây do băng huyết sau sinh thường diễn biến rất nhanh, bất ngờ. Nếu không lường trước, nhân viên y tế sẽ không thể trở tay kịp", TS Trung nói.

Nguyên tắc khi cấp cứu sản phụ bị băng huyết sau sinh là sự phối hợp của nhiều người từ nhiều chuyên khoa. Lúc này, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh từ các chuyên khoa phụ sản, gây mê, hồi sức, huyết học… cần được tập hợp để phối hợp xử trí biến cố và mỗi người sẽ hỗ trợ theo chuyên môn của mình.

Các bệnh viện, nhất là các bệnh viện chuyên khoa Phụ sản thường xây dựng quy trình xử trí băng huyết sau sinh. Một số trường hợp nặng cần có sự phối hợp bởi nhiều bệnh viện (quy trình báo động đỏ liên viện) nhằm cứu sống sản phụ bằng mọi cách.

 Tai biến sản khoa thường diễn biến nhanh, bất ngờ, bác sĩ có thể không kịp trở tay. Ảnh: Shutterstock.

Tai biến sản khoa thường diễn biến nhanh, bất ngờ, bác sĩ có thể không kịp trở tay. Ảnh: Shutterstock.

Ngoài ra, cơ sở y tế cần trang bị sẵn nguồn máu hoặc phối hợp các đơn vị có ngân hàng máu để sẵn sàng truyền cho sản phụ khi cần. Nguyên nhân là sản phụ bị băng huyết sau sinh sẽ mất lượng máu rất lớn, đồng thời, từ lúc được chẩn đoán cho đến khi cầm được máu cần rất nhiều thời gian, sản phụ vẫn còn tiếp tục ra máu. Một số bệnh nhân có thể cần được truyền hơn 20 đơn vị máu.

“Nếu không chẩn đoán được nguyên nhân gây băng huyết, bác sĩ có thể không xử trí đúng. Thông thường, băng huyết có thể do nhiều yếu tố kết hợp. Điều này đòi hỏi kinh nghiệm, phản xạ và sự nhạy bén của bác sĩ sản khoa, phải nghĩ đến những nguyên nhân thường gặp để xử trí và rà soát lại tất cả nguyên nhân có thể xảy ra nếu việc xử trí không hiệu quả”, TS Hữu Trung nhấn mạnh.

Chuyên gia này cho biết tình trạng băng huyết sau sinh diễn tiến nhanh, các phương pháp hồi sức không mang lại hiệu quả khiến sản phụ tử vong là điều không mong muốn. Điều này để lại sự mất mát lớn với gia đình và nỗi ám ảnh với bác sĩ.

Trước khi tiếp nhận thai phụ, bác sĩ phải đánh giá sơ bộ và dự phòng tất cả nguy cơ có thể xảy ra trong và sau sinh thường hay sinh mổ. Thai phụ lớn tuổi, quá ngày sinh, đa ối, thai to…, là yếu tố nguy cơ cao bị băng huyết sau sinh.

Băng huyết sau sinh rất phổ biến, thậm chí là tai biến gặp hàng ngày ở những bệnh viện chuyên khoa lớn. Tai biến này đa phần được xử lý kịp thời, hiệu quả.

"Tuy nhiên, một số trường hợp băng huyết sau sinh diễn biến quá nhanh, bất ngờ và những biến chứng nặng có thể xảy ra. Ngay tại các bệnh viện sản phụ khoa lớn tại Việt Nam, hàng năm cũng có ca tử vong mẹ dù đã được trang bị cơ sở vật chất, máu, nhân lực đầy đủ”, tiến sĩ Trung nói.

Bác sĩ ép tim, cứu sản phụ ngừng tuần hoàn Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đã ép tim cứu sống sản phụ ngừng tuần hoàn trước khi vào viện.

Bích Huệ

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bang-huyet-sau-sinh-nguy-hiem-the-nao-post1150067.html