Bằng lái xe hết hạn lúc giãn cách, người dân cần làm gì?
Nhiều người dân có nhu cầu đổi bằng lái xe nhưng không biết phải đổi bằng cách nào khi các cơ sở đổi bằng lái đang tạm ngưng hoạt động.
Hiện nay nhiều tỉnh, TP đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16, do đó các cơ sở cấp đổi giấy phép lái xe (GPLX) cũng tạm ngưng hoạt động. Nhiều người dân hết hạn hoặc sắp hết hạn bằng lái nhưng không biết làm sao để đổi bằng lái theo quy định.
Nhiều bằng lái hết hạn
Theo khảo sát của PV, nhiều người dân có nhu cầu đổi GPLX nhưng không biết phải đổi bằng cách nào khi các cơ sở đổi GPLX đang tạm ngưng hoạt động.
Anh Hoàng Cường cho biết: “Tôi ở Bình Dương có bằng hết hạn gần 2 tháng nay, nhưng bây giờ không biết phải đổi như thế nào?”.
Tương tự như vậy, anh Nguyễn Khoa chia sẻ: “Chỉ thị 16 không cho ra đường, không đi khám sức khỏe được, trong khi đó bằng lái xe của tôi chuẩn bị hết hạn giờ dịch cũng chẳng biết làm sao đổi đây”.
Bên cạnh đó một số người dân dù đã làm xong thủ tục cấp đổi GPLX nhưng cũng không biết lấy bằng cách nào.
Anh Nguyễn Tuấn cho hay: “Tôi đổi được 2 tháng hơn rồi mà chưa lấy được bằng lái”.
Trước tình hình đó, một số tỉnh, TP đề xuất không xử phạt đối với người dân có GPLX hết hạn trong thời điểm áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Cụ thể, UBND tỉnh Long An đã có văn bản gửi Bộ GTVT tham mưu Chính phủ chỉ đạo lực lượng chức năng ở các địa phương đang thực hiện giãn cách khi kiểm tra người tham gia giao thông mà sử dụng GPLX hết hạn thì tạm thời không xử lý vi phạm hành chính.
Trước đó, Sở GTVT TP.HCM cũng có văn bản gửi các đơn vị về việc không xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đối với các trường hợp GPLX đã hết thời hạn sử dụng trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội. Lý do, theo Sở GTVT, từ khi TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16, sở đã tạm ngưng tiếp nhận trực tiếp các thủ tục hành chính về cấp đổi, cấp lại GPLX từ ngày 28-6.
Đăng ký cấp đổi GPLX xe qua mạng
Người dân có thể truy cập vào địa chỉ sau: https://dichvucong.gplx.gov.vn để nhập thông tin đổi GPLX.
Cụ thể, người dân cần chọn phần Dịch vụ công đổi GPLX (Mức độ 3). Chọn cơ quan giải quyết và địa chỉ tiếp nhận. Sau đó chọn đăng ký trực tuyến. điền các thông tin cần thiết. Ở phần thông tin này, người đăng ký cần nhập số GPLX hiện tại, chọn tìm kiếm.
Nếu hệ thống tìm ra GPLX hiện tại, các thông tin Họ tên, ngày sinh, số CMND sẽ tự động điền. Còn nếu không tìm thấy, việc đăng ký đổi trực tuyến sẽ không thực hiện được và việc cấp đổi GPLX sẽ phải thực hiện trực tiếp.
Nếu cần bổ sung, thay đổi thông tin, người đăng ký sẽ điền ngay tại giao diện thay đổi thông tin, bổ sung thêm thông tin email, số điện thoại.
Bên cạnh đó cũng cần lưu ý, hồ sơ đăng ký đổi GPLX sẽ gồm có ảnh chụp của GPLX hiện tại, CCCD hoặc CMND, chụp giấy khám sức khỏe.
Sau bước này sẽ là chọn thời điểm người đăng ký muốn tới Sở GTVT địa phương để hoàn thiện thủ tục. Và cuối cùng hệ thống sẽ gửi một mã xác nhận về điện thoại hoặc email đăng ký, dùng mã này để điền ở bước xác nhận trước khi gửi hồ sơ.
Ở cấp độ 3 dịch vụ công, người thực hiện vẫn cần tới trụ sở đăng ký để hoàn thiện các giấy tờ và chụp hình trực tiếp. Thông thường thời gian giải quyết hồ sơ đăng ký trực tuyến là 5 ngày làm việc, đồng thời mức phí để đổi lại GPLX hết hạn là 135.000 đồng.
Theo Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT người có GPLX quá hạn trên 3 tháng đến dưới 1 năm sẽ phải thi sát hạch lại lý thuyết. Với bằng lái quá hạn trên 1 năm sẽ phải thi lại cả lý thuyết và thực hành.
Bên cạnh đó người sử dụng GPLX quá hạn dưới 6 tháng sẽ bị phạt từ 400- 600 ngàn đồng. Nếu GPLX quá hạn trên 6 tháng sẽ bị phạt từ 4-6 triệu đồng.